Đòi tiền thế nào khi con nợ dùng kế "ve sầu thoát xác"?

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp có các khoản vay nhưng đã thực hiện kế "ve sầu thoát xác" bằng cách giải thể để chấm dứt hoạt động, khiến người cho vay không biết tìm ai để đòi tiền

"Năm 2017, tôi có cho một công ty vay số tiền 1 tỷ đồng, trong hợp đồng ghi rõ thời hạn trả là năm 2020. Đến nay tôi tới trụ sở công ty thì thấy đã đóng cửa, hỏi cơ quan thuế thì được biết công ty đã giải thể.

Hiện nay tôi chỉ biết nhà của giám đốc công ty đó. Tôi xin hỏi bây giờ tôi làm thế nào để thu hồi số nợ trên?"

Câu hỏi của bạn đọc được Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) giải đáp như sau:

"Rất nhiều cá nhân gặp tình trạng tương tự như của bạn. Nhiều doanh nghiệp có các khoản vay nhưng đã thực hiện kế "ve sầu thoát xác" bằng cách giải thể để chấm dứt hoạt động, khiến người cho vay không biết tìm ai để đòi tiền", Luật sư Lực chia sẻ.

Dự liệu những trường hợp này, điều 207 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định điều kiện giải thể là doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác hoặc chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan.

Theo đó, Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp (điều 207 Luật doanh nghiệp năm 2020).

Trường hợp của bạn, công ty đã có hành vi cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ giải thể với mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Vậy hồ sơ giải thể không đảm bảo tính trung thực và tính chính xác nên các thành viên của Hội đồng quản trị công ty trên phải liên đới chịu trách nhiệm.

Theo quy định tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020:

Điều 210. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp

  1. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
  2. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Việc công ty đã có sự gian dối trong việc lập hồ sơ giải thể doanh nghiệp nhằm mục đích để trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì bạn có quyền khởi kiện các thành viên hoặc một trong các thành viên công ty để đòi nợ.

Công ty đã bị giải thể thì các thành viên công ty phải tham gia tố tụng với vai trò bị đơn theo quy định tại khoản 2 điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 74. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng

  1. Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:
  2. a) Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

Thời hiệu để thực hiện quyền khởi kiện của bạn là 05 năm kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú là tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án của bạn.