Đòi nợ thế nào khi "con nợ" đã tẩu tán hết tài sản cho người thân?

(Dân trí) - Đây là một hi vọng cho những người dân tưởng như lâm vào bước đường cùng, đã chấp nhận buông xuôi, khi đồng tiền xương máu của mình mất vào tay những kẻ táng tận lương tâm.

Tết đến xuân về nhiều người đứng ngồi không yên vì tình cảnh có người nợ mình cả tỷ đồng nhưng không thể thu hồi được.

Nhiều người đã gửi đơn ra cơ quan công an nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhận được câu trả lời quan hệ vay tiền chỉ là giao dịch dân sự, đề nghị liên hệ với tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Theo Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, thời hạn tố tụng tòa án thường kéo dài 4-6 tháng tòa án cấp sơ thẩm và cũng từng đó thời gian cho phiên tòa phúc thẩm. Sau khoảng hơn một năm tiến hành hoạt động tố tụng, bản án có hiệu lực ghi nhận chủ nợ có quyền thu hồi nợ thông qua việc đề nghị cơ quan thi hành án bán phát mại tài sản của con nợ.

Tuy nhiên, thường trước đó chủ nỡ đã bán hết nhà, xe, sang tên đất cho người thân. Khi cơ quan thi hành án tiến hành xác minh tài sản thì con nợ không còn bất cứ tài sản nào để thi hành án.

Theo Khoản 1 điều 168 Bộ Luật dân sự thì: "Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu",  tại khoản 2 Điều 439 Bộ Luật dân sự " đối với tài sản  mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu  đối với tài sản đó",  đồng thời tại Điều 692 Bộ Luật dân sự thì "việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định về đất đai.". Tài sản được chuyển giao hợp pháp thì chủ nợ không còn là chủ sở hữu với tài sản đó nữa. Lúc này và có thể mãi mãi về sau khoản tiền nợ chỉ là những con số ghi trên giấy.

Chủ nợ vĩnh viễn không thu hồi được tài sản nếu không nắm được các quy định pháp luật để vô hiệu hóa các giao dịch tẩu tán tài sản của con nợ.

Đối với hoạt động tẩu tán tài sản sau khi Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.

(Điều 6. Kê biên, xử lý tài sản để thi hành án Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC).

Đối với hoạt động tẩu tán tài sản trước khi Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực.

Theo quy định tại khoản 2 điều 75 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014: Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Theo quy định của điều 124 Bộ luật dân sự giao dịch tẩu tán tài sản là giao dịch giả tạo, nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với thứ ba thì giao dịch tẩu tán tài sản này vô hiệu.

Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Lưu ý với mọi người rằng, việc tuyên bố giao dịch vô hiệu do giả tạo không bị giới hạn về thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc các giao dịch tẩu tán tài sản cách đây cả 10 năm thì người dân vẫn có quyền khởi kiện tuyên hủy giao dịch giả tạo, tẩu tán tài sản.

Đây là một hi vọng cho những người dân tưởng như lâm vào bước đường cùng đã chấp nhận buông xuôi khi đồng tiền xương máu của mình cho những kẻ táng tận lương tâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm