Đọc sách thời nay có còn được coi trọng?

Sách vốn là sản phẩm tinh thần của con người, là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Đọc sách có nhiều tác dụng, nhất là đối với giới trẻ: mở rộng, nâng cao hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, lẽ sống, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh.

Trước đây, có một hình ảnh đã thành biểu tượng lãng mạn cho văn hóa đọc là trẻ ngồi trên lưng trâu đọc sách giữa một không gian khoáng đạt, bao la đồng ruộng tốt tươi và cánh cò trằng bay lượn…. Ngày nay, trước sự phát triển của các phương tiện thông tin, truyền thông như ti vi, báo điện tử, đặc biệt là sự bùng nổ của internet cùng với sự phong phú của các hình thức giải trí như: xem ca nhạc, xem phim, chơi game. Một số ý kiến cho rằng, văn hóa nghe, nhìn đang “đè bẹp” văn hóa đọc. Nhận định trên có phần cực đoan, bi quan. Song, cũng có thể nhận thấy, có ba điểm cốt yếu hình thành nên văn hóa đọc là: thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách thì cả ba điểm đó ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang thiếu và yếu.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thói quen đọc sách (tìm hiểu tri thức ghi trên giấy qua kênh thị giác) của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang bị các thú vui khác lấn lướt và làm mất dần vai trò độc tôn của nó. Nếu như trước đây muốn tìm hiểu các tác phẩm văn học kinh điển như: Hồng Lâu Mông, Tây Du Ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình…người ta thường tìm đến sách thì bây giờ phim truyện, phim hoạt hình, tranh ảnh đã làm thay. Bận rộn với công việc hàng ngày, áp lực lớn từ lịch học dày đặc, chương trình học quá tải đã “ngốn” phần lớn thời gian của học sinh. Trong khi đọc sách là công việc yêu cầu cao độ sự tập trung, suy nghĩ, nghiền ngẫm, nhiều học sinh, sinh viên đã tìm cho mình một hình thức giải trí nhẹ nhàng hơn như: xem phim, nghe nhạc, chơi game thay vì đọc một cuốn sách để tích lũy tri thức hay giải trí. Theo lời của Nguyễn Hoài Nam- sinh viên khoa Lịch sử khóa 49 trường Đại học Vinh thì: “Hồi còn học phổ thông, đọc sách là niềm đam mê của em, em thường tìm đọc các loại sách lịch sử, văn học, khoa học thường thức nhưng khi vào đại học thì em bắt đầu lười hơn, bây giờ em chỉ đọc sách giáo trình. Khi cần tìm thông tin gì cần thiết thì vào internet, bây giờ mà nói đến việc cất công đi tìm sách hay đọc sách thì em ngại lắm”. Không chỉ tầng lớp học sinh, sinh viên, trong số đội ngũ những trí thức trẻ cũng không có ít người tỏ ra sao nhãng với văn hóa đọc. Nguyễn Thị Hà, giáo viên một trường THPT ở thành phố Vinh chia sẻ: ”Do đặc thù của bộ môn giảng dạy,em vẫn thường mua các loại sách tham khảo và đọc để nâng cao kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhưng một vài năm gần đây, áp lực công việc ở trường lớp rồi gia đình khiến cho thời gian đọc sách của em không được duy trì, lười đọc sách lâu ngày đã tạo thành một sức ì lớn”.

Khả năng lựa chọn sách vẫn luôn được xem là điểm yếu nhất trong việc xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ ngày nay. Điểm yếu này cũng là minh chứng cụ thể nhất cho việc thiếu sự giới thiệu, quảng bá, định hướng,”tiếp thị” chu đáo của các nhà xuất bản. Trong một cuộc thăm dò dư luận trước đây, khi được hỏi về quyết định chọn mua sách, phần lớn bạn đọc trẻ tuổi cho biết: chọn sách để mua thông qua việc giới thiệu trên báo chí hoặc nghe lời khuyên của bạn bè. Việc chủ động tham khảo, tự mình tìm hiểu tại các nhà sách rất ít. Theo Nguyễn Hà Linh, sinh viên khoa Ngọai ngữ trường CĐSP Nghệ An thì: “Em thường chọn sách qua các cách như: qua lời giới thiệu của bạn bè, qua chương trình “mỗi  ngày một cuốn sách” trên tivi hoặc thấy nhiều người mua thì… mua để xem”. Việc chọn sách thiếu tính chủ động như vậy được lý giải là do sự bận rộn trong công việc, học tập đã chiếm hết quỹ thời gian. Điều này làm xuất hiện kiểu đọc sách theo “phong trào”. Hệ quả kéo theo là kiểu làm sách theo “phong trào”, quảng bá sách theo “phong trào”. Cách đây không lâu, 2 cuốn nhật ký chiến trường của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành một hiện tượng và nhanh chóng trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ. Sau 2 cuốn nhật ký đó, trào lưu viết nhật ký, hồi ký của những người nổi tiếng, nhất là của tầng lớp văn nghệ sỹ rồi cho xuất bản bắt đầu “nở rộ” và tạo sức hút lớn đối với người đọc trẻ. Không thể phủ nhận khi đã trở thành trào lưu thì những “cơn sốt” sách sẽ khiến cho giới trẻ tìm đến sách nhiều hơn và góp phần làm giảm căn bệnh lười đọc vẫn đang tồn tại bấy lâu nay trong giới trẻ. Nhưng điều đáng nói là sau dó, khi đọc xong nhiều người cảm thấy hụt hẫng, bực mình bởi sách chạy theo trào lưu phần lớn chẳng được hay ho như lời quảng cáo. Bên cạnh đó, trong số những tác phẩm đã tạo nên “cơn sốt’ trên thị trường sách không phải tác phẩm nào cũng phù hợp. Nhất là khi yếu tố tình dục đang được nhiều tác giả lựa chọn, sử dụng như một thứ “gia vị” để tăng sức hút, gây sự hiếu kỳ, tò mò cho người đọc.

Nếu như những điểm yếu trong thói quen đọc sách hay khả năng chọn sách còn có những biện pháp để khắc phục thì cách đọc sách lại nằm ngòai khả năng của những nhà làm sách. Nhà trường chưa thể hiện rõ vai trò trong việc định hướng, hướng dẫn cách đọc sách sao cho hiệu quả, phù hợp. Phần lớn người đọc vẫn phải tự mày mò tìm kiếm cách đọc nào thuận tiện nhất. Cách đọc sách hiệu quả đòi hỏi người đọc phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm, suy nghĩ để thẩm thấu được ý nghĩa sâu xa của chủ đề tư tưởng cùng sống với những nhân vật điển hình, những tình tiết đặc sắc được gửi gắm trong các cuốn sách. Tuy nhiên không ít trong giới trẻ hiện nay đang có cách đọc sách hời hợt, dễ dãi, chỉ đọc lướt qua hoặc chỉ “chọt” lấy những phần mục, đoạn. Đọc chỉ để thể hiện mình đã “đọc rồi” mà không cần quan tâm là đã “đọc cái gì” và đọc “như thế nào”?! Với cách đọc như thế, có mấy người sẽ cảm nhận được trọn vẹn giá trị của tác phẩm? Khi được hỏi về cách đọc sách, Nguyễn Thúy Hồng, một học sinh cấp THPT ở thành phố Vinh cho biết: “ Khi cầm một cuốn sách em thường có thói quen lật xem phần mục lục đầu tiên rồi chọn lấy những phần em cho là hay để đọc trước, có cuốn em chỉ đọc phần  mục lục sau đó thì đọc đoạn kết cho… đỡ mất thời gian”. Với những cách đọc sách hời hợt như trường hợp đã nêu trên, nhiều cuốn sách hay đều có thể bị trôi vào quên lãng do người đọc chưa thưởng thức kỹ để lĩnh hội hết được những đặc sắc, tinh túy được gửi gắm bên trong.

Theo thống kê của Cục xuất bản, trong năm 2009, mặc dù tình hình suy thoái kinh tế diễn ra, ngành xuất bản vẫn cho ra mắt gần 21.000 nhan đề sách mới với số bản in gần 500 triệu bản, cao hơn 111%  so với năm 2008. Như vậy, bất chấp những tiến bộ vượt bậc của công nghệ giải trí nghe, nhìn, đọc sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng được nhiều người ưa thích. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản trong thời gian qua chính là minh chứng cụ thể nhất của việc phát triển nhu cầu đọc của độc giả. Mặc dù vậy, với những bất cập ở cả ba điểm mấu chốt: thói quen đọc sách, khả năng chọn sách và cách đọc sách thì những lo lắng về văn hóa đọc đang có phần sa sút dù lượng sách xuất bản và số lượng tăng cao không phải là không có căn cứ. Cần phải hình thành văn hóa đọc ngay từ những ngày đang ngồi trên ghế nhà trường và chỉ khi người đọc xem việc đọc như một niềm say mê tự thân thì mới ham đọc và hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở. Bởi, đọc xét cho cùng là một công việc gian nan, phải có kinh nghiệm và phải trang bị một tri thức nền cần có.

Trong một buổi giao lưu với sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội, ông chủ sáng lập của Microsoft, Bill Gates đã từng khuyên các bạn sinh viên là: ”phải biết đầu tư thực sự cho học vấn của mình” và một trong những cách “đầu tư” có hiệu quả lâu dài nhất là đọc sách. Ông cho biết hồi còn nhỏ bố mẹ ông đã không tiếc tiền mua sách, ông đã đọc say sưa quên ăn, quên ngủ. Không thực sự say sưa, không tạo cho mình một thói quen thực sự với việc đọc thì sớm hay muộn người đọc có thể bị cuốn vào những hình thức giải trí khác. Và khi đó, việc đọc có chăng chỉ là một sự “đọc xổi” hời hợt theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” không mang lại hiệu quả thiết thực gì cho bản thân.

 

 

Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường ThPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân lọai được tích lũy qua nhiều thời đại, nhiều nền văn minh của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Đọc và học qua nguồn tri thức đồ sộ đó của dân tộc mình và của nhiều nền văn minh khác trên thế giới chính là một trong những cách tự học suốt đời có hiệu quả nhất.

Tiếc rằng văn hóa đọc thời nay bị sa sút nghiêm trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tác giả bài viết trên đây đã phân tích khá đầy đủ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều quan trọng là vai trò hướng dẫn của cha mẹ cũng như thầy cô giáo giúp cho các em tìm thấy sự hứng thú và có thói quen tự giác đọc sách. Xây dựng tủ sách của nhà trường cũng như mỗi gia đình để tạo nguồn sách có chọn lọc và phù hợp với lứa tuổi là cách làm thiết thực giúp cho các em có nguồn sách tốt để đọc. Đối với những cuốn sách hay, nhà trường nên tổ chức những buổi giới thiệu, trao đổi, thảo luận về những tác phẩm đó, để khơi gợi và thu hút sự tìm tòi, phát hiện của các em học sinh. Đấy cũng cách tạo nên sự hứng thú đọc sách, dần dần tạo thành thói quen đọc sách và tự học qua sách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm