"Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách?"

Ngọc Hân

(Dân trí) - Cách dùng từ ngữ trong văn bản mà một số cơ quan hành chính ban hành thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang khiến cả người dân và cơ quan cấp dưới đôi khi bị "rối".

Có thể dẫn chứng bằng các từ/ cụm từ "thu dung", "di biến động dân cư" gắn liền với các diễn biến dịch Covid-19. Có người đánh giá, đây là "kiểu tạo từ mới không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ" bởi chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp và hiểu nhau. Nếu một cụm từ dù được ghép đúng ngữ pháp và "đẹp" thế nào mà đa số người nghe/ đọc không hiểu thì không nên dùng!

Ngày 15/9, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện...

Còn theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXHVN) cách dùng cụm từ "di biến động dân cư" nghe rất lạ tai, kiểu cách và dẫn đến sự khó tiếp nhận đối với đông đảo quần chúng. Cách lắp ghép giữa "di" và "biến động" cũng là cách lắp ghép chưa từng xuất hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên tất cả các loại văn bản chính thức.

Có người còn chỉ ra rằng, còn một số từ ngữ cũng đang dùng nhiều nhưng không có tính chính xác như "phương án", "tình huống" và "kịch bản". Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, "phương án" thuộc về tương lai gần, là thứ chưa xảy ra nhưng có thể nó sẽ đến rất nhanh. Với từ "kịch bản" thì sắc thái về vận động không cao như "phương án" hay "tình huống", nó chỉ là thứ chuẩn bị sẵn và chưa xác định rõ khi nào sẽ dùng.

Như vậy, trên trục thời gian, "kịch bản" đa phần là thứ đã xuất hiện ở trước thời điểm hiện tại. Nhận rõ sự khác biệt giữa ba khái niệm này là việc cần thiết để việc sử dụng từ ngữ được chính xác.

Dẫn chứng thêm điều này, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, từ "hàng hóa thiết yếu, thực sự cần thiết" trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, đến Chỉ thị 20 của TP Hà Nội lại đưa ra từ ngữ khác đi để cùng diễn đạt ý tương tự, đó là từ: "Dịch vụ công ích thiết yếu". Chính điều này đã gây rối cho cả người dân và cơ quan cấp dưới.

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 1

Mới đây nhất, tại văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, người dân thủ đô lại thêm một lần nữa băn khoăn về tính khó hiểu của nó.

Cụ thể, việc phân 4 nhóm nguy cơ tại văn bản mới: "Nguy cơ rất cao", "Nguy cơ cao", "Nguy cơ" và "Bình thường mới" có phải là tương ứng vùng đỏ, cam, vàng, xanh không, hay là định nghĩa mới?

Ba nhóm cơ sở kinh doanh được phép hoạt động, nhưng nhân viên đi làm có cần giấy đi đường không? Hay công ty cứ mở còn nhân viên cứ ở nhà? Nhân viên nhà ở vùng "rất cao", "cao" và "có nguy cơ" đi làm ở vùng "bình thường mới" có được không? Cần giấy tờ gì?

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 2

Cho dịch vụ mở mà không nhắc đến shipper tức là cho dân ra đường đi mua đồ ăn, mua sách và bê ti vi đi sửa? Nếu đúng, có cần giấy của phường không? Nếu không đúng, mua đồ bằng cách nào? Hay cửa hàng được bán nhưng dân không được mua?

Luật sư Lực cho rằng: ""Chống dịch như chống giặc", người dân, người quản lý như người lính chiến đấu với kẻ địch. Ấy vậy mà cầm vũ khí, mệnh lệnh là công văn, chỉ thị mà loay hoay không biết phải hiểu thế nào, sử dụng vũ khí đó ra sao. Đến khi tìm ra cách sử dụng, sử dụng được thì hết nửa thời hạn giãn cách".

Qua đây cơ quan quản lý hành chính cần nâng cao trình độ soạn thảo ban hành các văn bản trong lĩnh vực quản lý hành chính. Bởi văn bản tùy tiện, thiếu cân nhắc, đưa ra từ ngữ phức tạp sẽ để lại hậu quả khi áp dụng. Một từ đa nghĩa, một câu không rõ ràng, một dấu chấm, dấu phẩy không đúng chỗ có thể gây ra hệ lụy kinh tế, tâm lý nghiêm trọng cho hàng triệu con người.

Đọc chỉ thị mà đến khi hiểu được đã hết nửa thời gian giãn cách? - 3

Bình luận về nội dung này, bạn đọc Như Ngọc viết: "Yêu cầu sử dụng ngôn ngữ trong văn bản cần phải chính xác, phổ thông. Điều này tại một số văn bản chưa đáp ứng được, có thể do người biên tập văn bản sử dụng từ ngữ theo thói quen, mà đó có thể là thói quen dùng từ sai. Hoặc trong khi sử dụng từ phát âm sai dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ không chính xác.

Việc dùng từ trong văn bản đòi hỏi từ phải dễ hiểu, mà các từ dễ hiểu là các từ phổ thông, đọc lên mọi người đều có thể hiểu ngay vấn đề. Một đòi hỏi khác là dùng từ phải chính xác để không gây nhầm lẫn cho người sử dụng, muốn vậy dùng từ phải đúng nghĩa của từ. Trong tiếng Việt có những từ phát âm giống nhau hoặc gần giống nhau, khi sử dụng phải nắm rõ nghĩa của những từ dạng này để sử dụng cho đúng". 

"Mặc dù với người "dễ tính" thì những điều chưa chuẩn xác trong những văn bản đó vẫn có thể chấp nhận được! Tuy nhiên, rất nên chấn chỉnh đối với những "lỗi cơ bản" - khi nó chưa trở thành "cái phổ biến" trong cách hiểu của mọi tầng lớp nhân dân. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là hạn chế sử dụng từ Hán Việt và không tạo từ mới kiểu chơi chữ, đánh đố cộng đồng. Người sử dụng ngôn ngữ tài giỏi là phải dùng từ sao cho dễ hiểu, mà Bác Hồ là một tấm gương", bạn đọc Hải Linh chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm