"Di biến động dân cư" là gì? "Thu dung" là gì?
(Dân trí) - Gần đây, thuật ngữ "di biến động", "thu dung" được sử dụng trong một số văn bản hành chính và trên báo chí khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn, lạ lẫm và khó hiểu.
Từ lạ nên hơi "trẹo miệng" khi đọc
Có thể lấy ví dụ cách sử dụng những từ này được báo chí, truyền thông gần đây thường xuyên nhắc tới, dựa trên những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành như: "Bộ Y tế lên phương án thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19", "Trình Thủ tướng lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu trước yêu cầu cấp bách phòng chống dịch", "Thành phố Hồ Chí Minh triển khai bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19"…;
"Tối 12/8, thông tin từ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM, vào lúc 20h, toàn bộ 12 chốt kiểm soát dịch cửa ngõ TP.HCM bắt đầu triển khai kiểm soát phương tiện qua chốt bằng mã QR "di biến động dân cư".
"Theo dõi di biến động của tội phạm buôn bán ma túy"; "Rà soát chính sách về di biến động và HIV (2005)"; "Nắm chắc di biến động của cử tri, bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử"...
Nhiều bạn đọc cùng nêu ý kiến: "Hôm qua đọc tựa bài báo mà mình đọc mấy lần mới có cảm giác là mình đang đọc đúng, có thể là từ lạ nên hơi trẹo miệng khi đọc. Mong có những cái tên ứng dụng dễ dàng và bình dân hơn cho mọi người".
Đặc biệt các từ/ cụm từ "thu dung", "di biến động dân cư" thời gian gần đây gắn liền với các diễn biến dịch Covid-19 khiến người dân quan tâm bình luận, cho ý kiến.
Có người đánh giá, đây là "kiểu tạo từ mới không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ" bởi chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp và hiểu nhau. Nếu một cụm từ dù được ghép đúng ngữ pháp và "đẹp" thế nào mà đa số người nghe/ đọc không hiểu thì không nên dùng!
Một ý kiến khác cũng cho rằng văn bản hành chính không nên sử dụng lối chơi chữ như trong thơ văn Hán-Nôm. Cần sử dụng từ phổ thông để mọi tầng lớp công nhân, nông dân (chiếm đa số) có thể đọc hiểu.
Cũng liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, có người còn chỉ ra rằng, còn một số từ ngữ cũng đang dùng nhiều nhưng không có tính chính xác như "phương án", "tình huống" và "kịch bản".
Lạ tai, kiểu cách và khó tiếp nhận!
Theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXHVN), về cụm từ "di biến động", có thể đoán được ý những người sử dụng cụm từ này muốn nói đến sự dịch chuyển, thay đổi so với tình trạng ban đầu. Cụ thể hơn, trong những ngày vừa qua, chính quyền TPHCM dùng cụm từ "di biến động dân cư" để kiểm soát việc di chuyển hàng ngày của người dân trong thành phố.
"Theo ý tôi, cách dùng cụm từ này nghe rất lạ tai, kiểu cách và dẫn đến sự khó tiếp nhận đối với đông đảo quần chúng. Cách lắp ghép giữa "di" và "biến động" cũng là cách lắp ghép chưa từng xuất hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên tất cả các loại văn bản chính thức", Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chia sẻ.
Trong trường hợp này, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho rằng các cơ quan chức năng thay vì dùng cụm từ "di biến động dân cư", nên dùng một cách diễn đạt khác, giản dị và dễ tiếp nhận hơn, chẳng hạn "khai báo di chuyển nội thành" hay "khai báo di chuyển nội địa". Sắc thái của cụm từ "biến động" nó gắn với những thay đổi lớn về mặt cấu trúc xã hội, trong khi bản chất vấn đề ở đây chỉ là những thay đổi có tính chất vật lý, cơ giới thôi.
Còn về chữ "thu dung", đây là một từ Hán Việt có nghĩa gốc là "tiếp thu và dung nạp" (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin 2013, tr 691), khi đi vào tiếng Việt được sử dụng với nghĩa là "đón nhận và cho ở" (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tr 1255).
Từ này lâu nay ít dùng nên bây giờ khi sử dụng cũng gây sự ngỡ ngàng và khó hiểu với nhiều độc giả. Về bản chất, từ "thu dung" mang sắc thái tích cực, chỉ sự đón nhận và giúp đỡ người khác một cách có trách nhiệm.
"Phương án", "tình huống" và "kịch bản" là những đơn vị từ ngữ/ khái niệm khác nhau, tuy có những nét nghĩa tương đồng.
"Phương án" được hiểu là "dự kiến về cách thức, trình tự tiến hành công việc trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định nào đó" (Từ điển tiếng Việt, sách đã dẫn, tr 1017) trong khi "tình huống" được hiểu là "sự diễn biến của tình hình, xét ở mặt cần phải đối phó" (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr 1275).
Còn "kịch bản" lại là một nội dung nào đó đã được chuẩn bị sẵn. Như vậy, nếu vẽ một đường thẳng theo trục thời gian tuyến tính từ trái qua phải thì "tình huống" là cái gần với hiện tại nhất, thậm chí trùng khít với hiện tại.
Trong khi đó, "phương án" thuộc về tương lai gần, là thứ chưa xảy ra nhưng có thể nó sẽ đến rất nhanh. Với từ "kịch bản" thì sắc thái về vận động không cao như "phương án" hay "tình huống", nó chỉ là thứ chuẩn bị sẵn và chưa xác định rõ khi nào sẽ dùng. Như vậy, trên trục thời gian, "kịch bản" đa phần là thứ đã xuất hiện ở trước thời điểm hiện tại. Nhận rõ sự khác biệt giữa ba khái niệm này là việc cần thiết để việc sử dụng từ ngữ được chính xác.