Thanh Hoá:

Doanh nghiệp bị chính quyền “làm khó”: Đại biểu Quốc hội kiến nghị bất bình!

(Dân trí) - "Đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nghiêm túc kiến nghị của doanh nghiệp; thiếu khách quan, không công bằng trong chỉ đạo, điều hành...", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng đang xảy ra tại Thanh Hoá.

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị được tham gia thực hiện thí điểm kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe buýt điện 4 bánh của Công ty TNHH Phương Hiền, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa (Cty Phương Hiền).

Doanh nghiệp bị chính quyền “làm khó”: Đại biểu Quốc hội kiến nghị bất bình! - 1
Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, nhưng vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, mặc dù ông đã nhận được các văn bản trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhưng tinh thần các văn bản chủ yếu vẫn là đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nghiêm túc kiến nghị của doanh nghiệp.

Đặc biệt, vụ việc cho thấy rõ sự thiếu khách quan, không công bằng trong chỉ đạo, điều hành, cấp phép hoạt động cho Cty Phương Hiền triển khai thực hiện chính sách thí điểm của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, theo phản ánh của công ty và công luận, trong khi tìm mọi cách gây khó khăn, cản trở Cty Phương Hiền tham gia kinh doanh, thì ngược lại tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn vẫn cho phép các đối tượng không đủ điều kiện hoạt động.

Ngày 2/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 12/2018 (Thông báo số 03/TB-UBND), có nêu: “Kiến nghị của Cty Phương Hiền liên quan đến cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP Sầm Sơn. Nội dung này đã được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời doanh nghiệp nhiều lần.

Vì vậy, trong khi chưa có hướng dẫn, chỉ đạo mới của Trung ương, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh không tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan để đề nghị cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan không tham mưu giải quyết các kiến nghị nêu trên”.

Doanh nghiệp bị chính quyền “làm khó”: Đại biểu Quốc hội kiến nghị bất bình! - 2
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty TNHH Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, ngày 10/10/2018, Bộ GTVT đã có văn bản (số 11449/BGTVT-VT), nêu rõ: “Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Cty Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 945/TTg-CN ngày 23/7/2018 và văn bản số 1318/TTg-CN ngày 27/9/2018.

Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đây chứng tỏ là một trong những biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm lên cấp Trung ương, tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy Cty Phương Hiền vào tình trạng có nguy cơ phá sản; nhiều người lao động là đối tượng gia đình chính sách vào cảnh khó khăn, không công ăn việc làm.

“Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tôi kính đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết khẩn trương, nghiêm túc kiến nghị chính đáng của Cty Phương Hiền để Công ty sớm đưa phương tiện đã nhập khẩu, kiểm định vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, góp phần phát triển du lịch và đóng góp cho ngân sách, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động”, ông Nhưỡng cho kiến nghị.

Đồng thời, theo ông Nhưỡng, cần chỉ đạo tiến hành thanh tra, xem xét, xử lý các sai phạm (nếu có) của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Trước đó, Dân trí đã phản ánh, Bộ GTVT đã nhiều lần có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến việc thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh này.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT trước đó, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: TP Sầm Sơn đã được mở rộng về địa giới hành chính, hạ tầng giao thông phát triển, nhu cầu vận chuyển khách tăng cao, đặc biệt là vào mùa du lịch, lễ hội,... Do đó việc bổ sung thêm số lượng xe điện hoạt động vận chuyển khách trên địa bàn TP Sầm Sơn là rất cần thiết.

Doanh nghiệp bị chính quyền “làm khó”: Đại biểu Quốc hội kiến nghị bất bình! - 3
Doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi kiến nghị nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm.

Từ đầu năm 2017, Cty Phương Hiền đã làm đề án trình các cấp, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cái mà đơn vị này nhận được chỉ là sự vòng vo qua lại giữa các ngành, các cấp của tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo tỉnh Thanh Hóa, việc giữ ổn định xe điện như hiện nay trên địa bàn TP Sầm Sơn là để tăng cường quản lý và giải quyết triệt để những tồn tại khó khăn vướng mắc; tạm thời không bổ sung DN và không cho tăng số lượng phương tiện.

Nói là vậy, nhưng năm 2018, tỉnh Thanh Hóa lại cho bổ sung thêm 43 xe điện. Trong khi đó, Cty Phương Hiền đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua sắm phương tiện chất lượng do Mỹ sản xuất, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực lái xe chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn...

Duy Tuyên