Đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La chỉ đạo làm rõ bản án có dấu hiệu trái luật
(Dân trí) - Người kháng cáo vắng mặt nhiều lần không có lý do chính đáng, nhưng thay vì đình chỉ xét xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Sơn La vẫn tiến hành xét xử và ban hành Bản án số 20/2015/DSPT, Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT, đi ngược quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đang có hiệu lực pháp luật.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ “khuất tất”
Liên quan đến vụ án tranh chấp khoản vay gần 1,4 tỷ đồng (chi tiết là 1.350.000.000 đ) giữa bà Đỗ Hải Lan (trú tại địa chỉ 809 Lê Duẩn, TP. Sơn La) với ông Cầm Lam và vợ Đinh Thị Chiến. Sau khi Hội đồng thẩm phán - Tòa án tỉnh Sơn La ra Quyết định giám đốc thẩm số 01/QĐ-UBTP ngày 19/11/2014, hủy bỏ Quyết định công nhận thỏa thuận trái pháp luật số 43/2014/QĐST - TCDS ngày 12/9/2014 của TAND TP. Sơn La, đến ngày 22/12/2014, Tòa án TP. Sơn La đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Căn cứ các tài liệu và chứng cứ liên quan, HĐXX quyết định: Buộc ông bà Đinh Thị Chiến, Cầm Lam phải trả cho bà Đỗ Hải Lan số tiền gốc vay là 1.350.000.000 đ và lãi 101.250.000đ; tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014 của Tòa án TP. Sơn La để đảm bảo thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Cho rằng nội dung bản án chưa phù hợp, phía bị đơn là ông Cầm Lam và bà Đinh Thị Chiến có đơn kháng nghị bản án sơ thẩm số 09/2014/SD-ST của Tòa án TP. Sơn La. Từ khi Tòa án tỉnh Sơn La ra thông báo thụ lý đơn kháng cáo (tháng 1/2015) đến tháng 7/2015, Tòa án tỉnh Sơn La đã 5 lần triệu tập nhưng người có đơn kháng cáo là vợ chồng ông Cầm Lam, bà Đinh Thị Chiến đều vắng mặt không có lý do chính đáng. Theo khoản 2 - Điều 16 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định, “...nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người vắng mặt...”. Tuy nhiên, thay vì đình chỉ xét xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Sơn La vẫn mở phiên tòa phúc thẩm ngày 8/7/2015, ban hành Bản án số 20/2015/DSPT ngày 8/7/2015 và Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 có dấu hiệu trái pháp luật, xâm hại quyền lợi của nguyên đơn duy nhất trong vụ án là bà Đỗ Hải Lan.
Bản án phúc thẩm số 20/2015/DSPT tuyên ông bà Đinh Thị Chiến, Cầm Lam phải trả cho bà Hải Lan số tiền gốc vay là 1.350.000.000 đ và 101.250.000đ như bản án sơ thẩm của Tòa án TP. Sơn La. Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT tuyên giữ nguyên Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014 của Tòa án TP. Sơn La. Tuy nhiên, nội dung Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT lại trái ngược nội dung Quyết định số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014, đang có hiệu lực pháp luật.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014, nhằm đảm bảo việc thi hành án là khoản nợ của vợ chồng Lam Chiến với bà Đỗ Hải Lan, nguyên đơn duy nhất của vụ án. Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015, HĐXX tuyên có tiêu đề “Quyết định giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời" (Quyết định số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014), của TAND TP. Sơn La, nhưng nội dung lại là “...duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời để cơ quan thi hành án phát mại để chia cho tất cả các chủ nợ theo kỷ phần...mà vợ chồng bà Chiến, ông Lam đang mắc nợ...”. Điều đó có nghĩa, trên lý thuyết bà Đỗ Hải Lan là người thắng kiện, nhưng trên thực tế lại không thể thi hành án do Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT trái ngược Quyết số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014, của Tòa án TP. Sơn La.
Cho rằng quyền lợi hợp pháp bị đe dọa bởi Bản án số 20/2015/DSPT và Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bà Đỗ Hải Lan đã làm đơn khiếu nại gửi Tòa án cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND tối cao và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đề nghị vào cuộc làm rõ những khuất tất trong vụ án.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La yêu cầu hai cấp tòa tỉnh Sơn La báo cáo rõ vụ việc, đặc biệt là các căn cứ pháp luật để ban hành Quyết định số 43/2014/QĐST - TCDS công nhận sự thỏa giữa các đương sự.
Ngày 15/9/2015, ông Hoàng Ngọc Dũng - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La ký Công văn số 248/ĐĐBQH gửi Tòa án TP. Sơn La và Tòa án tỉnh Sơn La, yêu cầu báo cáo các nội dung liên quan đến vụ án của bà Đỗ Hải Lan. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu: Hai cấp tòa báo cáo quy trình thụ lý vụ án của bà Lan; yêu cầu báo cáo từ ngày 28/8/2014 đến ngày 8/7/2015, có giải quyết vụ án nào liên quan đến vợ chồng ông Cầm Lam và bà Đinh Thị Chiến với đương sự nào khác ngoài bà Lan không; yêu cầu Tòa án thành phố báo cáo cơ sở pháp luật để ban hành Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 43/2014/QĐST - TCDS ngày 12/9/2014, trong khi diện tích đất trên đang bị chính Tòa án thành phố áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La yêu cầu hai cấp tòa nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả giải quyết trước ngày 24/9/2015.
“HĐXX Tòa án tỉnh Sơn La vi phạm tố tụng nghiêm trọng”
Để làm rõ vụ việc dưới góc độ pháp luật, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn LSTP Hà Nội). Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết: “Theo khoản 2, 3 - Điều 266, Bộ luật tố tụng dân sự, đặc biệt là khoản 2 - Điều 16 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định “...nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người vắng mặt...”.
Căn cứ vào các quy định trên, khi người kháng cáo vắng mặt đến lần thứ 2 không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt, chứ không có việc đợi đến khi triệu tập người kháng cáo (bà Đinh Thị Chiến) đến lần thứ 6 có mặt mới xét xử. Việc TAND tỉnh Sơn La cố đưa ra xét xử, không ra quyết định đình xét xử phúc thẩm, ban hành Bản án số 20/2015/DSPT ngày 8/7/2015 và Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 là hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự, không có giá trị pháp lý.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2014/QĐ-KCTT ngày 29/8/2014 của TAND thành phố Sơn La hoàn toàn có hiệu lực kể từ ngày 29/8/2014. Tuy nhiên, Tòa án tỉnh Sơn La cố tình xem xét lại Quyết định số 01/2014/QĐ-KCTT đã có hiệu để ra Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 với tiêu đề: Quyết định giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2014/QĐ- BPKCTT ngày 29/8/2014 của TAND thành phố Sơn La, nhưng nội dung lại trái ngược với nội dung Quyết định số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014 của Tòa án TP. Sơn La. Đồng nghĩa, Tòa án tỉnh Sơn La đã tự mình giải quyết các vụ án dân sự, chia phần trước cho những khoản nợ chưa có đơn kiện, chưa có đơn yêu cầu của một nguyên đơn đối với khoản nợ của vợ chồng ông bà Chiến Lam.
Bên cạnh đó, Tòa án tỉnh Sơn La còn vi phạm tố tụng khi xem xét vượt quá phạm vi kháng cáo của người kháng cáo quy định tại Điều 263 - Bộ Luật tố tụng dân sự. Cụ thể, Thông báo về việc kháng cáo số 09/TB-TA ngày 7/1/2015 của TAND tỉnh Sơn La nêu rõ: Những vấn đề cụ thể trong đơn kháng cáo của bà Chiến chỉ bao gồm: Không nhất trí với bản án số 09/2014/DS-ST ngày 22/2/2014 của TAND thành phố Sơn La và đề nghị xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, hủy bản án số 09/2014/DS-ST ngày 22/2/2014 của TAND thành phố Sơn La. Ngoài ra không có yêu cầu gì khác. Mặt khác, Quyết định số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014 của Tòa án TP. Sơn La vẫn đang có hiệu lực và người có quyền khiếu nại đã hết quyền khiếu nại, do việc khiếu nại đã được Chánh án Tòa án TP. Sơn La trả lời khiếu nại bằng Công văn số 271/TA-TB ngày 26/9/2014.
Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng Quyết định số 01/2014/QĐ-BPKCTT ngày 29/8/2014 của TP. Sơn La vẫn có hiệu lực pháp luật cao nhất và cần phải thực thi.
Tuy nhiên, Tòa án tỉnh Sơn La vẫn tiến hành xét xử vượt quá giới hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 263 - Bộ Luật tố tụng dân sự, ra Bản án số 20/2015/DSPT ngày 8/7/2015 với quyết định sửa án sơ thẩm số 09/2014/DS- ST của Tòa án TP. Sơn La, ra Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 với nội dung trái ngược với nội dung Quyết định số 01/2014/QĐ- BPKCTT ngày 29/8/2014 của Tòa án TP. Sơn La.
Với những dấu hiệu vi phạm đã phân tích, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ Bản án phúc thẩm số 20/2015/DSPT ngày 8/7/2015 của TAND tỉnh Sơn La, đồng thời hủy Quyết định số 60/2015/QĐ-BPKCTT ngày 8/7/2015 của TAND tỉnh Sơn La, để Hội đồng giám đốc thẩm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đỗ Hải Lan, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 09/2014/DS- ST ngày 22/12/2014 của TAND TP. Sơn La...”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương