Đỗ xe bát nháo, hàng loạt ô tô bị dán kín giấy: Phẫn nộ hay đáng trách?
(Dân trí) - Sự việc người dân phải dán giấy, đổ keo lên các xe đỗ lấn chiếm lòng đường là sự việc cực chẳng đã. Đây cũng là câu hỏi về vai trò quản lý của các cơ quan quản lý tại địa phương.
Sự việc các xe ô tô đỗ tại Ngõ Dâu thuộc tổ hợp chung cư Capitaland - Hoàng Thành, phường Mộ Lao bị dán giấy cảnh báo, đổ keo do đỗ xe gây tắc đường gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ngõ Dâu là đoạn ngõ cụt nằm giữa 2 khu chung cư là Seasons Avenue và Mulberry Lane. Ngõ rộng khoảng 8m, dài khoảng 200m. Con ngõ này là đường đi duy nhất của tổ hợp chung cư với 9 tòa nhà và gần 3.000 hộ dân.
Theo phản ánh của các cư dân, từ khoảng 2 năm trở lại đây, con ngõ này liên tục bị các chủ xe ô tô chiếm dụng làm nơi đậu, đỗ. Có những xe đỗ liên tục cả tuần cho đến hàng chục ngày không di chuyển. Con ngõ đủ cho 3 làn xe nhưng thường xuyên bị đỗ kín 2 làn, chỉ còn duy nhất một làn ở giữa…
Vì lẽ đó mà con ngõ luôn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Người dân còn vô cùng lo lắng, bức xúc vì việc tắc đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân, chưa kể còn ảnh hưởng đến công tác cứu thương, cứu hỏa…
Người dân cũng cho biết, họ đã liên tục gửi cầu cứu đến các cơ quan chức năng như chính quyền phường, quận, thành phố và thậm chí cả đại biểu Quốc hội nhưng thực trạng không có gì thay đổi.
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Theo điều 16 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có nêu: Khi kết thúc đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Báo cáo Sở Xây dựng nơi có dự án về kết quả của dự án; đối với dự án xây dựng nhà ở thuộc diện phải có quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì chủ đầu tư phải gửi báo cáo thêm cho Bộ Xây dựng.
2. Thực hiện nghiệm thu công trình nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trong dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành theo nội dung của dự án đã được phê duyệt hoặc tự thực hiện quản lý theo văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư. Việc bàn giao nhà ở cho người sử dụng chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở nêu trong nội dung dự án được phê duyệt vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề về quản lý hành chính trong khu vực của dự án.
5. Tổ chức quản lý vận hành các công trình không phải bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành.
Như vậy, ban đầu có thể xác định rằng Ngõ Dâu thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư sau khi đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng thì có trách nhiệm bàn giao cho Sở giao thông vận tải quản lý, vận hành.
Có thể vì một lý do chủ quan nào đó mà đoạn Ngõ Dâu này chưa được chủ đầu tư bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền nên dẫn tới tình trạng không có đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, xử lý hành vi vi phạm đậu, đỗ xe trái phép dưới lòng đường.
Trong trường hợp này, nếu Ngõ Dâu chưa được bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền thì Chủ đầu tư cần có trách nhiệm quản lý, vận hành, đảm bảo lưu thông của cư dân. Tuy nhiên, dự án đã bàn giao nhà ở cho người dân mà việc bàn giao cơ sở hạn tầng, cụ thể ở đây là đường đi vào dự án chưa được thực hiện là một việc làm chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, để tuân thủ đúng quy định pháp luật nhà ở, đảm bảo quyền lợi của người dân, cơ quan có thẩm quyền cần có những buổi làm việc với chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức có liên quan để làm rõ tình trạng pháp lý của Ngõ Dâu, đề nghị bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý đúng quy định pháp luật.
Sự việc người dân phải dán giấy, đổ keo lên các xe đỗ lấn chiếm lòng đường ảnh hưởng đến giao thông là sự việc cực chẳng đã, một lựa chọn bắt buộc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng khi đơn thư gửi đi cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa có phản hồi thích đáng. Qua đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi trước vai trò quản lý, đảm bảo đời sống dân sinh của cơ quan quản lý tại địa phương”.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, luật sư Diện cho rằng hành động dán giấy, đổ keo lên phương tiện giao thông đỗ dưới lòng đường cũng bị xác định là việc làm không tuân thủ pháp luật. Đây có thể được xác định là hành động hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Thậm chí nếu các hành vi trên gây thiệt hại tài sản từ 2 triệu đồng còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.