Điều kiện để cầu thủ được nhập quốc tịch Việt Nam
(Dân trí) - Theo quy định, cầu thủ phải đảm bảo về thời gian thường trú, ngôn ngữ và thu nhập để được phép nhập tịch Việt Nam. Trường hợp ngoại lệ có thể áp dụng nếu có cha mẹ đẻ là người Việt Nam.
Nhập tịch theo xu thế hay kiên định với bản sắc dân tộc, một vấn đề trăn trở của những người làm thể thao Việt Nam, đặc biệt sau thảm bại 0-4 của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia với 9/11 cầu thủ là những cái tên không phải cầu thủ Malaysia thuần chủng.
Bóng đá Việt Nam bước đầu thành công với chính sách nhập tịch khi Nguyễn Xuân Son đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại AFF Cup 2024, song với sự bứt phá của các đối thủ trong khu vực, nhiều người tin rằng chúng ta cần có cơ chế thoáng hơn nữa để xin quốc tịch cho các cầu thủ chất lượng có thể thi đấu tại Việt Nam.
Vậy theo quy định của pháp luật, khi nào một cầu thủ có thể nhập quốc tịch Việt Nam?

Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhập tịch đầu tiên giành danh hiệu lớn cùng đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Thành Đông).
Theo Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, công dân nước ngoài, người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam, có đơn xin nhập quốc tịch thì có thể được nhập quốc tịch nếu đáp ứng các điều kiện sau: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; (ii) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; (iii) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam; (iv) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam và (v) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Trong đó, theo hướng dẫn tại Nghị định 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ, yếu tố "biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam" được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó, còn yếu tố "Bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam" được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Đối với các trường hợp chưa thỏa mãn các điều kiện về ngôn ngữ, thường trú và thu nhập, người xin nhập quốc tịch vẫn có thể được nhập quốc tịch nếu thuộc các trường hợp sau: (i) Là vợ, chồng, cha, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; (ii) Có công lao đặc biệt, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và (iii) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, theo hướng dẫn tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ, yếu tố "có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" được hiểu là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã giành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng. Đồng thời, có cơ sở cho thấy việc người nhập quốc tịch sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch.
Ngoài ra, người nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch nước ngoài (trừ một số trường hợp theo luật định), phải có tên gọi Việt Nam, được ghi rõ trong quyết định cho nhập quốc tịch và không được nhập quốc tịch Việt Nam nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia Việt Nam.

Ibrahim Maza, tiền vệ mới được đội bóng số 2 nước Đức là Bayer Leverkusen chiêu mộ, có bố là người Algeria, mẹ mang quốc tịch Việt Nam. Đây là một trong những cầu thủ Việt kiều hiếm hoi đủ trình độ thi đấu tại những giải bóng đá hàng đầu thế giới (Ảnh: Bundesliga).
Đối với trường hợp nhập tịch cầu thủ, có thể chia làm 2 nhóm, đó là nhóm không có nguồn gốc Việt Nam và nhóm Việt kiều.
Đối với nhóm cầu thủ không có nguồn gốc Việt Nam, để được nhập quốc tịch, những cầu thủ này phải đảm bảo các điều kiện như có đầy đủ năng lực hành vi, tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo về ngôn ngữ, thu nhập và phải thường trú tại Việt Nam ít nhất 5 năm liên tục tính tới thời điểm xin quốc tịch.
Đối với nhóm cầu thủ Việt kiều, nếu có cha mẹ đẻ là người Việt Nam, những cầu thủ này có thể được xin quốc tịch mà không phải trở về Việt Nam thi đấu, thường trú trong 5 năm liên tiếp. Đối với những trường hợp có nguồn gốc từ thế hệ trước (VD: Ông bà, cụ...), việc nhập tịch phải thực hiện tương tự đối với nhóm cầu thủ không có nguồn gốc Việt Nam.