Điều hành yếu kém, buông lỏng quản lý dẫn đến hàng loạt sai phạm tại Công ty Nhựa Việt Nam

(Dân trí) - Sự việc Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) vay ODA của Trung Quốc để mua máy móc thiết bị Trung Quốc chất lượng thấp là nguyên nhân dẫn đến việc công ty chiếm gần 66% vốn nhà nước này thua lỗ 140 tỷ trong khi vốn điều lệ 195 tỷ. Bộ Công thương đã kết luận nguyên nhân chủ quan là do điều hành yếu kém, buông lỏng quản lý.

Trước hàng loạt những sai phạm tại Công ty CP Nhựa Việt Nam, Thanh tra Bộ Công thương đã làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra sai sót.

Theo đó, nguyên nhân khách quan là do dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc nên phần lớn thiết bị sử dụng phải xuất xứ từ Trung Quốc, hiệu quả sử dụng thấp. Tuy được hưởng ưu đãi từ lãi vay nhưng đơn giá máy cao hơn nhiều so với đơn giá thị trường.

Thiết bị sử dụng nguyên liệu nguyên sinh, không pha được nguyên liệu tái chế, chất độn nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường kém. Trong quá trình sử dụng, máy móc thiết bị phát sinh hỏng hóc phải sửa chữa liên tục làm gia tăng chi phí sản xuất.

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty này chủ yếu dùng nguồn vốn vay, tổng giá cho thuê của các hợp đồng cho thuê cao hơn tổng giá trị các máy móc thiết bị mua bằng khoản vay nguồn vốn ODA, tuy nhiên rất thấp, khoản chênh lệch này không đủ bù đắp khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, Thanh tra Bộ Công thương kết luận, nguyên nhân chủ quan dẫn đến sai sót là do công tác chỉ đạo, điều hành yếu kém, buông lỏng quản lý, mất đoàn kết nội bộ của tập thể, cá nhân lãnh đạo Công ty CP Nhựa Việt Nam.

Trong giai đoạn năm 2008 - 2012, nhiều đơn thư khiếu nại liên quan Công ty CP Nhựa Việt Nam đã được Bộ Công thương trả lời như: Kết luận của Bộ Công thương ngày 10/12/2008 trả lời đơn kiến nghị Công ty CP Nhựa Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc để nhập thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất kinh doanh gây lãng phí, không hiệu quả; Ngày 17/7/2014, Bộ Công thương có công văn trả lời Ủy ban Kinh tế Quốc hội...

Để xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc chỉ đạo, điều hành yếu kém buông lỏng quản lý, mất đoàn kết nội bộ tại Công ty CP nhựa Việt Nam, ngày 11/2/2010, Bộ Công thương đã họp với cán bộ chủ chốt của công ty thông báo kết luận của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an (nội dung chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự, chuyển hồ sơ về bộ chủ quản xử lý).

Ngày 9/11/2010, Bộ Công thương có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách với ông Nguyễn Khắc Long do buông lỏng trách nhiệm quản lý (ông Long đã nghỉ chế độ hưu trí từ năm 2013).

Công ty Nhựa Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Ngày 1/1/2008, Công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần vốn điều lệ 198 tỷ, trong đó vốn nhà nước chiếm 64%.

Ngày 7/2/2013, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của của Công ty CP Nhựa Việt Nam tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần. Vốn điều lệ đổi lại là 194,289 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ là 65,85%.

Công ty Nhựa Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Trong đó, công ty mẹ sở hữu 100% vốn tại 3 công ty con TNHH một thành viên; sở hữu trên 50% vốn tại 3 công ty con; sở hữu từ 20% đến dưới 50% vốn tại 5 công ty liên doanh, liên kết; sở hữu dưới 20% vốn tại 1 công ty con.

Theo kết luận của Bộ Công thương, từ năm 2009 đến năm 2012, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ chỉ đạt 1% đến 6%, trong đó với hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ năm 2010 đến nay đều không hiệu quả trong khi các doanh nghiệp ngành nhựa tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ mức trung bình từ 10% đến 15%, có những đơn vị còn từ 30% đến 50%.

Tỷ lệ cổ tức hàng năm của công ty Nhựa Việt Nam là 5%, riêng năm 2011 không chia do lợi nhuận thấp. Năm 2012, cổ tức là 5%, năm 2013, 2014 kết quả sản xuất kinh doanh lỗ nên không chia cổ tức. Công ty đã không thực hiện được mức chia cổ tức theo nghị quyết đại hội cổ đông hàng năm.

Kết luận cùng cho biết công ty này không có lợi nhuận để đầu tư phát triển sản xuất, không trích lập được các quỹ và không bảo toàn được vốn nhà nước cũng như vốn đầu tư ban đầu của công ty cổ phần.

Anh Thế