Đi chơi golf trong giờ làm việc, cán bộ, công chức có bị kỷ luật?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu đi chơi golf trong giờ làm việc là vi phạm quy định về những điều cán bộ, công chức không được làm. Việc áp dụng chế tài sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Báo chí từng đưa tin một số cán bộ, công chức rời nhiệm sở đi chơi golf hoặc đi ăn nhậu trong giờ hành chính, người dân đến liên hệ công tác nhưng nhiều phòng ban trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Độc giả Duy Minh hỏi, nếu bị phát hiện, chế tài xử lý sẽ như thế nào?

Đi chơi golf trong giờ làm việc, cán bộ, công chức có bị kỷ luật? - 1

Trụ sở xã vắng tanh trong giờ hành chính, dân "mỏi chân" chờ cán bộ (Ảnh minh họa: Tiến Hiệp).

Giải đáp thắc mắc của độc giả Dân trí, trích dẫn quy định tại Chỉ thị 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn về sớm, không chơi games (trò chơi điện tử) trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa 2 ca trong ngày làm việc và ngày trực.

Ngoài ra, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí 2013 cũng quy định việc sử dụng thời gian lao động vào việc riêng, sử dụng thời gian lao động không hiệu quả là hành vi được xếp vào nhóm hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước.

Đối chiếu với 2 quy định trên, có thể thấy việc cán bộ đi chơi golf hay đi ăn nhậu trong giờ làm việc được coi là hành vi sử dụng thời gian lao động vào việc riêng, vi phạm vào những điều cán bộ, công chức không được làm trong thời gian làm việc.

"Pháp luật đã quy định rất cụ thể về những điều cấm đối với cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước trong vấn đề giờ giấc làm việc. Theo Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bị áp dụng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc.

Còn với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, những hình thức kỷ luật có thể áp dụng là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc", luật sư Giáp phân tích.

Theo luật sư Giáp, đối chiếu với từng trường hợp cụ thể, các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ đánh giá tính chất, mức độ vi phạm để áp dụng các chế tài xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật..

Đi chơi golf trong giờ làm việc, cán bộ, công chức có bị kỷ luật? - 2

Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo khoản 2, Điều 9 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ phải có ý thức tổ chức kỷ luật và nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bao gồm các quy định về thời gian làm việc. Trong thời gian làm việc, cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, không được trốn tránh nhiệm vụ được giao hay tự ý bỏ đi làm việc riêng trong giờ làm việc.

Điều 18 Luật này quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan tới đạo đức công vụ như trốn tránh trách nhiệm; thoái thác nhiệm vụ được giao; tự ý bỏ việc; tham gia đình công hay sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật…

"Nếu cán bộ công chức đi chơi golf hay ăn nhậu trong giờ hành chính là đã có hành vi trốn tránh nhiệm vụ được giao, tự ý trốn việc trong thời gian làm việc. Đây là một trong những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ", luật sư Hùng nhận định.

Về chế tài, ông Hùng cũng cho rằng các quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng để xử lý. Các chế tài có thể áp dụng bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức và buộc thôi việc, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Hoàng Diệu