Đê tả sông Hoàng Long dài hơn chục kilomet từ chân cầu Gián Khẩu đến chân cầu Đế thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là tuyến đê sung yếu, ngăn lũ cho hàng chục nghìn dân của hơn 10 xã huyện Gia Viễn và vùng lân cận.
Những năm gần đây, trước sức ép lớp từ mưa lũ lớn đổ về gây ảnh hưởng đến đê, tỉnh Ninh Bình đã liên tục có nhiều dự án nâng cấp, cải tạo đê như kè thân và chân đê, đổ bê tông, asphalt.. cho vững chắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ
Thời gian gần đây, mặt đê tả Hoàng Long đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hàng kilomet mặt đê đã được đổ bê tông phía dưới, asphalt bên trên bị nứt toác, chia mặt đê làm 2 phần.
Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài từ trước mùa mưa lũ. Hiện đang trong mùa mưa bão, tuy nhiên vẫn chưa có động thái nào từ ngành chức năng, cũng như chính quyền địa phương để sửa chữa hiện tượng này.
Ghi nhận của PV Dân trí, những đoạn mặt đê bị nứt rộn từ 5 - 10cm, có nơi rộng đến 20cm, sâu 30 - 50cm. Vết nứt tạo một rãnh rộng, sâu và dài có đoạn cả ki-lô-mét.
Một người dân cho biết, việc mặt đê bị nứt toác không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, an toàn giao thông cho nhiều phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây. Mà hiện đang trong mùa mưa lũ, nước lũ từ thượng nguồn có thể đổ về bất cứ lúc nào đe dọa đến an toàn đê điều.
Được biết, sau trận lũ lịch sử năm 2017 (nước gần tràn qua mặt đê tả và hữu Hoàng Long), ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đã xử lý nhiều đoạn đê bị thẩm thấu, có hiện tượng sụt lún, asphalt nhiều kilomet để khép kín toàn tuyến đê tả Hoàng Long.
Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền huyện Gia Viễn, nên hiện trên dọc tuyến đê này vẫn còn nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động. Hàng loạt xe quá tải lưu thông trên mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê.
Nhiều bãi cát vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai từ nhiều năm qua nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Viễn gửi Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình thì, một số uyến đê đã được cứng hóa đã lâu, hiện nay mặt đê đã xuống cấp, ngoài ra còn hiện tượng xe quá tải chạy trên mặt đê làm ảnh hưởng đến mặt đê, do vậy cần duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông của nhân dân và an toàn cho đê trong mùa mưa bão.
Thời gian gần đây, nhiều xưởng đóng tàu hoạt động ngay sát chân đê, ngay trong hành lang thoát lũ ngăn cản dòng chảy thoát lũ của sông Hoàng Long. Người dân lo sợ mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đế thân đê nên nhiều lần có ý kiến vì nơm nớp lo sợ vỡ đê khi lũ về. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng thì vẫn "bình chân như vại".
Các bãi cát, xưởng đóng tàu sát chân đê vẫn ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa bão thác thức dư luận. Nhiều người dân cho rằng, chủ các sơ sở này hoạt động được là do có sự "chống lưng" của chính quyền, các cơ quan hữu quan quản lý đê tại Ninh Bình.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.