Đề nghị làm rõ nguyên nhân bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Hoà Bình!

(Dân trí) - Nghi ngờ người thân chết "bất thường" do sốc phản vệ khi dùng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh bướu cổ, gia đình nạn nhân đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ về cái chết "bất thường" của người thân từ đầu tháng 7/2017 nhưng đến nay vẫn chưa có được câu trả lời.

Mới đây Báo điện tử Dân trí nhận được đơn của anh Nguyễn Thanh Tuấn (Xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) phản ánh về vụ việc bà Nguyễn Thị Lê (bà ngoại anh Tuấn) qua đời đột ngột khi đang tiến hành điều trị tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Hòa Bình.

Trong đơn anh Tuấn phản ánh: “Sáng ngày 30/6/2017, tôi đưa bà tôi là bà Nguyễn Thị Lê từ nhà đi khám và điều trị định kỳ bệnh bướu cổ Basedow (bà là bệnh nhân đang theo dõi và điều trị tại Bệnh viện). Bà đến bệnh viện với tình trạng sức khỏe ổn định, có thể tự đi lại và nói chuyện hoàn toàn bình thường. Thời gian chúng tôi đến Bệnh viện Nội tiết khoảng 9h sáng, sau khi làm thủ tục nhập viện và đưa bà đi khám, siêu âm, xét nghiệm máu, các bác sĩ khám kết luận bà bị viêm phế quản. Trong quá trình thăm khám, điều dưỡng Dung có hướng dẫn tôi mua một số thuốc bổ phế Nam Hà chỉ khái lộ, anpha choay, Acemuc cho bà dùng thêm”.

Đầu giờ chiều cùng ngày bà anh Tuấn được các bác sĩ cho tiêm để thử phản vệ đối với thuốc kháng sinh Cefuroxim. (lúc này sức khỏe bà vẫn hoàn toàn bình thường).

Bệnh nhân Nguyễn Thị Lê điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sau khi được chuyển từ bệnh viện Nội tiết sang.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lê điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sau khi được chuyển từ bệnh viện Nội tiết sang.

“Đến khoảng 14h, bác sĩ Cơ cùng 2 điều dưỡng khác (một trong số đó là chị Dung) đến xem lại vết thử thuốc cho bà. Bác sĩ Cơ hỏi bà về vết thử thuốc kháng sinh ở trên tay có bị đau buốt không. Bà trả lời không đau buốt ở vết tiêm nhưng bị đau đầu, choáng váng. Trước phản ứng của thuốc kháng sinh như vậy mà bác sĩ Cơ vẫn kết luận có thể tiêm được thuốc cho bà tôi và chỉ định cho chị Dung tiến hành tiêm thuốc Cefuroxim cho bà.

Sau mũi tiêm chỉ khoảng 10 phút bà tôi bắt đầu khó thở, người yếu dần đi, mồ hôi vã ra, sắc da nhợt nhạt. Thấy có triệu chứng bất thường sốc phản vệ, tôi và chị điều dưỡng lập tức chuyển bà sang khoa cấp cứu. Trong lúc cấp cứu bình oxy của bệnh viện gặp sự cố về van, các y bác sĩ không có phương án chuẩn bị cho tình huống bệnh nhân bị sốc phản vệ, phải mất thời gian rất lâu sau cũng không có phương án xử lý. Do oxy cung cấp cho bà không được đều đã ảnh hưởng lớn đến quá trình cấp cứu, bác sĩ phải gọi người đến sửa van bình oxy và yêu cầu tôi mua thêm 1 lọ xịt hen Asthalin. Không lâu sau đó, bà Lê lại lên cơn khó thở, tình trạng ngày càng nặng và nguy kịch hơn, bác sĩ không thể can thiệp được nữa và yêu cầu tôi gọi xe taxi để chuyển bà đi sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gần đó.

Khoảng hơn 15h chiều cùng ngày, tôi cùng hai điều dưỡng là chị Dung và chị làm cùng ca chuyển bà sang Khoa Hồi Sức Cấp Cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tại đây các bác sĩ kết luận bà tôi bị sốc phản vệ trên nền bướu cổ basedow đẫn đến suy tim, phù phổi, đang trong tình trạng rất nguy kịch cần phải can thiệp đặt ống thở máy luôn. Bà nằm hôn mê, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào máy móc, tình trạng sức khỏe của bà càng yếu dần, đến ngày thứ hai tình trạng suy tim, phù phổi của bà nặng hơn chuyển sang cấp độ 4 rất nguy hiểm. Đến ngày 7/7/2017 qua kết quả chụp citi cắt lớp bà tôi bị tắc mạch máu não, một bên não gần như là không hoạt động được nữa. Đến ngày 12/7/2017 thì bà qua đời”.

Biên bản hội chẩn về bệnh tình bệnh nhân Nguyễn Thị Lê (30/6/2017).
Biên bản hội chẩn về bệnh tình bệnh nhân Nguyễn Thị Lê (30/6/2017).

Từ những tình tiết thực tế nêu trên, anh Tuấn và gia đình có nhiều nghi vấn quanh cái chết bất ngờ của bà Nguyễn Thị Lê.

“Chúng tôi nghi ngờ đã có những sai sót, thiếu trách nhiệm của bác sĩ Cơ cùng hai điều dưỡng đi cùng trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh Cefuroxim để điều trị cho bà tôi. Tại sao sau khi thử thuốc kháng sinh, bà tôi có dấu hiệu bất thường đau đầu, choáng váng, đã thông báo cho bác sĩ rồi rồi mà Bác sĩ Cơ vẫn cho tiêm thuốc kháng sinh cho bà, để bà sốc thuốc dẫn đến tử vong như vậy. Vì sao khi thử thuốc các y, bác sĩ không chuẩn bị sẵn các trang thiết bị phòng ngừa cho việc sốc phản vệ theo đúng quy tắc sử dụng thuộc kháng sinh trong ngành y.

Vụ việc xẩy ra từ đầu tháng 7/2017, gia đình cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng như Công An phường Đồng Tiến, Công an tỉnh Hòa Bình, Sở Y Tế tỉnh Hòa Bình từ ngày 7/7/2017 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trao đổi với phóng viên, anh Tuấn chia sẻ thêm: “Sau khi bà mất, gia đình tôi có báo trực tiếp cho Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết nhưng phía bệnh viện không có ai đến hỏi thăm hỏi, động viên. Sau đó gia đình gửi đơn lên Bộ Y tế, đến khoảng mùng 2/10/2017, Sở Y tế Hòa Bình có gọi gia đình lên làm việc, trong khi đó Bệnh viện Nội tiết vẫn không có ý kiến gì. Vài ngày sau khi bà tôi chuyển từ sang bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có một bác sĩ của bệnh viện Nội tiết sang thăm hỏi và đưa một phong bì trong đó có 5 triệu đồng.

Sau đó, người nhà tôi đến tận bện viện Nội tiết để hỏi cho rõ vấn đề và đề nghị trả lại tiền thì lúc này, phía bệnh viện mới thành lập một hội đồng gồm có ba vị lãnh đạo bệnh viện, cùng e kíp trực trong buổi sáng bà tôi nhập viện. Phía bệnh viện Nội tiết tỏ ý xin lỗi gia đình, muốn gia đình không đưa ra bên thứ 3 để giải quyết mà để gia đình và bệnh viện làm việc với nhau. Họ có hứa hẹn bồi thường và làm rõ trách nhiệm nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, không một ai đứng ra nhận trách nhiệm đối với những đau thương, mất mát của gia đình tôi”.

Diễn biến bệnh tình của bệnh nhân Nguyễn Thị Lê khi được điều trị tại bệnh viện Nội tiết.
Diễn biến bệnh tình của bệnh nhân Nguyễn Thị Lê khi được điều trị tại bệnh viện Nội tiết.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Thế Hưng, Giám đốc bệnh viện Nội tiết tỉnh Hòa Bình xác nhận có vụ việc bà Nguyễn Thị Lê đến điều trị tai bệnh viện, sau đó được chuyển sang bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và tử vong: “Sự việc xảy ra từ tháng 6/2017, bà Nguyễn Thị Lê nhập viện vào buổi sáng, đến chiều bác sĩ cho dùng kháng sinh, sau đó có phản ứng chậm. Bác sĩ của bệnh viện xử lý rồi đưa sang bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị. Bà Lê tử vong vài ngày sau đó”. Hiện tại vụ việc đang được Thanh tra Sở y tế Hòa Bình xử lý.

Thanh tra Sở y tế Hòa Bình cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn thư của gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn. Sau nhiều lần làm cầu nối để hòa giải giữa hai bên nhưng không có kết quả. Đơn vị sẽ thành lập hội đồng và tiến hành thanh tra vụ việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Trọng Trinh