Đề nghị điều tra dấu hiệu đường dây làm sổ đỏ giả ở Sơn La

(Dân trí)- Nộp phí cao hơn mức nhà nước ban hành, nhưng hơn 100 hộ dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn chỉ được nhận những cuốn sổ đỏ giả. Sau nhiều lần gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, đến nay quyền lợi hợp pháp của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Trong đơn tố cáo gửi đến báo Dân trí, đại diện cho hơn 100 hộ dân ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phản ánh việc ông Vũ Văn Soi là cán bộ địa chính quản lý đất đai của Nông trường Quốc doanh Tô Hiệu, nay chuyển tên thành Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Tô Hiệu Sơn La (gọi tắt là Nông trường Tô Hiệu) cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ) giả cho các gia đình từ hàng chục năm qua. Trong khi đó, mức kinh phí mà ông Vũ Văn Soi thu của các hộ dân đều cao hơn khung giá nhà nước ban hành.
 
Danh sách các hộ gia đình nhận phải sổ đỏ giả tại huyện Mai Sơn
Danh sách các hộ gia đình nhận phải sổ đỏ giả tại huyện Mai Sơn

Nội dung đơn của các hộ dân cho biết, từ năm 1991 đến 1993, Nông trường Tô Hiệu làm thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân thị trấn Hát Lót và một số xã lân cận thuộc huyện Mai Sơn. Người đại diện cho Nông trường Tô Hiệu đi đo đạc, làm thủ tục cấp sổ đỏ là ông Vũ Văn Soi - cán bộ địa chính quản lý đất đai của Nông trường. Khi giao sổ đỏ cho các hộ dân, ông Soi đều thu số tiền chênh lệch lên đến hàng trăm nghìn đồng/cuốn.

Cầm trên tay cuốn sổ đỏ có chữ ký của ông Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thời kỳ đó là ông Lường An, một số hộ dân mang đi thế chấp ngân hàng vay tiền, một số người tiến hành chuyển nhượng phần đất đã được xác lập “chủ quyền”. Nhưng tất cả mọi giao dịch đều không thể thực hiện khi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn phát hiện có nhiều sổ đỏ giả, sổ không có hồ sơ lưu, bị tẩy xóa, có nhiều nét chữ trên cùng cuốn sổ đỏ.
 
Hơn 100 hộ dân ở huyện Mai Sơn là nạn nhân vụ làm sổ đỏ giả
Hơn 100 hộ dân ở huyện Mai Sơn là nạn nhân vụ làm sổ đỏ giả
 
Nằm trong số những hộ dân nhận sổ đỏ giả (số A029710), ông Trần Bá Cường, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, gia đình ông chỉ phát hiện cuốn sổ đỏ gia đình gìn giữ như báu vật bấy lâu nay là giả khi đi thế chấp vay ngân hàng. Ông Cường đặt ra câu hỏi, vì sao UBND tỉnh Sơn La lại để lọt ra ngoài đến cả trăm phôi sổ đỏ thật để các đối tượng lợi dụng lừa đảo người dân?.
 
Ông Bá Cường chỉ phát hiện ra sổ đỏ là giả khi đi vay vốn ngân hàng
Ông Bá Cường chỉ phát hiện ra sổ đỏ là giả khi đi vay vốn ngân hàng
 
Cùng được cấp sổ đỏ vào năm 1993, ông Nguyễn Văn Bôn, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng phát hiện sổ đang nắm giữ là giả khi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn làm thủ tục xác nhận đơn xin vay tiền của gia đình. Đi sâu tìm hiểu, ông Bôn còn phát hiện ông Vũ Văn Soi còn làm giả mạo giấy tờ để làm sổ giả. Cuốn sổ đỏ giả ông Bôn nhận được từ tay ông Soi còn không đúng cả vị trí thực tế.
 
Ông Bá Cường chỉ phát hiện ra sổ đỏ là giả khi đi vay vốn ngân hàng
Ông Đặng Hoàng Cầm và nhiều người dân khác đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ hành vi làm sổ đỏ giả
 
Qua tìm hiểu, người dân phát hiện hầu hết các sổ đỏ giả được cấp cho người dân giai đoạn 1991 - 1993 là phôi thật. Tuy nhiên, những cuốn sỏ đỏ này không có tên trong hồ sơ lưu, không có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La như những cuốn sổ đỏ hợp pháp khác nên những cuốn sổ đỏ này chỉ là tờ giấy lộn không có giá trị pháp lý để giao dịch thế chấp, hoặc sang tên đổi chủ.
 
Ông Vũ Văn Soi không đưa ra được lời giải thích thấu đáo cho người dân
Ông Vũ Văn Soi không đưa ra được lời giải thích thấu đáo cho người dân

Sau khi phát hiện sự việc, các hộ dân đã nhiều lần đến Nông trường Tô Hiệu gặp ông Vũ Văn Soi yêu cầu trả lời rõ ràng mọi vấn đề liên quan nhưng ông Soi không cho xem bản đồ gốc, sổ lưu, Quyết định cấp sổ đỏ, đồng thời có thái độ thách đố người dân.

Đem vụ việc đến gặp Phó Giám đốc và Trưởng phòng Kế hoạch Nông trường Tô Hiệu, người dân chỉ nhận được thái độ làm việc vòng vo, lẩn tránh trách nhiệm với lời giải thích: Làm nhiều sổ đỏ làm sao có thể tránh khỏi sai sót...

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, từ tháng 6/2012, đại diện các hộ dân bị cấp sổ đỏ giả đã làm đơn tố cáo hành vi “Cấp Giấy chứng nhận QSDĐ không có Quyết định và sổ gốc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” gửi các cơ quan tố tụng và bảo vệ pháp luật. Nhưng cho đến nay, các cơ quan tố tụng và bảo vệ pháp luật các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La vẫn chưa đưa ra kết luận để trả lời công dân.
 
Vị Phó Giám đốc (bên trái) và Trưởng phòng kế hoạch Nông trường Tô
Vị Phó Giám đốc (bên trái) và Trưởng phòng kế hoạch Nông trường Tô
Hiệu trả lời vòng vo và thiếu trách nhiệm với người dân

Liên quan đến vụ việc này, trong năm 2012, Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng - Bộ Công an đã ký công văn chuyển đơn tố cáo của các hộ dân thuộc diện bị cấp sổ đỏ giả đến đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay những nạn nhân của vụ việc chưa nhận được hồi âm của Công an tỉnh Sơn La.

Cùng lúc, UBND tỉnh Sơn La cũng có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mai Sơn yêu cầu kiểm tra, báo cáo tình hình lên Thường trực UBND tỉnh, nhưng đến nay quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn chưa được giải quyết, trong khi những đối tượng liên quan trực tiếp đến việc làm và cấp sổ đỏ giả thì vẫn bình an vô sự.
 
Công văn chuyển đơn của Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm Tham nhũng
Công văn chuyển đơn của Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm Tham nhũng

Trong đơn tố cáo gửi đến báo Dân trí, các “nạn nhân” vụ cấp sổ đỏ giả đặt ra dấu hỏi vì sao cơ quan quản lý việc cấp sổ đỏ là UBND tỉnh Sơn La lại để lọt ra ngoài cả trăm phôi sổ đỏ thật tạo điều kiện cho kẻ xấu kiếm lợi? UBND tỉnh Sơn La sẽ xử lý thế nào đối với cán bộ và những cơ quan vi phạm? Quyền lợi chính đáng của người dân đang bị xâm hại sẽ được giải quyết như thế nào?

Câu trả lời về những vấn đề này xin được chuyển đến UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng của địa phương.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương