Để không còn nỗi đau Lèn Cờ

(Dân trí) - Sau vụ tai nạn thảm khốc, cái tên Lèn Cờ đã trở nên quen thuộc đối với đồng bào cả nước. Lèn Cờ đã trở thành một bài học xương máu về an toàn lao động nói chung và an toàn trong khai thác khoáng sản nói riêng.

Thiếu tính chuyên nghiệp

 

 Có mặt ở hiện trường sau ít tiếng đồng hồ xẩy ra tai nạn, dù không phải là dân chuyên môn, chúng tôi không mấy khó khăn để nhận ra nguyên nhân của vụ sập núi. Đó là kiểu khai thác theo quy trình ngược, đào từ dưới chân núi (thay vì đào, khai thác từ trên xuống) nên tạo thành hình hàm ếch, núi mất chân nên lở chỉ là chuyện sớm muộn.

 

Nếu khai thác đúng quy trình, nổ mìn, bóc dỡ từ đỉnh núi xuống, thì không thể có chuyện đá lở gây nên thảm hoạ như vừa qua.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên, là do chủ mỏ đá đã cho các chủ “bến” thuê lại, mỗi bến 10m, việc khai thác phó mặc cho các chủ bến. Chủ bến thuê nhân công khai thác, chỉ lo sao khai thác được thật nhiều để thu lợi nhuận tối đa trong phạm vi bến của mình. Nếu nổ mìn từ trên xuống thì sợ nổ lan sang bến khác, hay đá rơi sang bến khác. Vì vậy mới sinh ra cách đào từ dưới lên.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Từ ông chủ Phan Công Chín (Giám đốc doanh nghiệp Chín Mến) cho đến các chủ bến đều không được đào tạo bài bản về khai thác đá. Chỉ có một số ít công nhân làm nhiệm vụ nổ mìn được tập huấn về nghiệp vụ, còn hầu hết các nhân công đều là “tay ngang”, không có tính chuyên nghiệp.

 

Các phu đá đều là lao động thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Ý thức kỉ luật lao động, bảo đảm an toàn lao động của họ rất thấp. Theo quy định, người làm trong các mỏ đá phải có quần áo, găng tay, giày, mũ bảo hiểm lao động. Các chủ bến cũng đã sắm, nhưng người lao động khi mặc khi không, chủ yếu để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Còn bình thường thì cởi ra cho mát, cho thoải mái.

 

Những người lao động hầu hết không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, đơn giản chỉ là làm công nhật, làm ngày nào thì có tiền công ngày đó, không làm thì không có tiền.

 

Ông Thái Văn Đông, quê ở xã Đồng Thành (gần Nam Thành) cho biết: Ở Đồng Thành có mỏ Lèn Cò, quy trình khai thác khá chuyên nghiệp. Công ty Đông Thành chịu trách nhiệm nổ mìn, bóc dỡ từ đỉnh xuống, sau đó mới giao cho các chủ bến khai thác, chế biến. Lợi nhuận của các chủ bến thấp hơn, nhưng bảo đảm an toàn, từ khi khai thác đến nay không xẩy ra tai nạn gây thương vong. Còn ở Lèn Cờ, do khai thác nhỏ lẻ, manh mún, nên đã xẩy ra nhiều vụ lở núi, làm một số người lao động bị thương.

 

Cần chăm lo đến cuộc sống người dân

 

Tiếp xúc với người dân và gia đình các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân đẩy người dân đến làm việc trong điều kiện nguy hiểm, vất vả ở mỏ đá là do cuộc sống quá khó khăn.

 

Nam Thành là xã thuần nông nghiệp, nhưng ruộng đất ít (trung bình mỗi khẩu chỉ được 450m2), lợi nhuận thu được từ đồng ruộng rất thấp. Người dân phải tìm cách xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Người thì đi làm các nghề phụ, người thì đi xứ khác làm ăn. Mỏ đá Lèn Cờ với chất lượng đá rất tốt từ lâu đã là nơi bà con kiếm sống.

 

Tất cả các nạn nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ đều có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt như chị Nguyễn Thị Quyền (xóm Đăng Lưu, Nam Thành) chưa có nhà ở, chồng đi làm ăn xa, ở nhà nuôi con nhỏ  lên 5 và người em gái của chồng bị bệnh tim bẩm sinh. Chị Trần Thị Sáu (xóm Sơn Thành, Nam Thành) có 3 con ăn học, chồng vừa mất vì bệnh hiểm nghèo chưa mãn tang. Anh Nguyễn Đình Phúc (Lâm Thành, Nam Thành), có 7 con nhỏ.
 
Để không còn nỗi đau Lèn Cờ - 1

Sập mỏ đá hôm 1/4 tại Lèn Cờ đã gây ra bao đau thương và mất mát cho nhiều gia đình (nguồn ảnh VTV)
 

Mỗi ngày làm công vất vả, mỗi người cũng kiếm được khoảng từ 60 đến 100 nghìn. Khoản tiền này đối với nông dân là cả một mơ ước. Vì vậy, những người dân xung quanh không quản nắng nóng hay rét mướt, đều đến làm ở các bến đá, chỉ trừ trường hợp không có việc thì nghỉ.

 

Vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết về pháp luật, những người lao động không thể đấu tranh cho quyền lợi của mình.

 

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người lao động xuất thân từ nông thôn, đã luống tuổi không thể đáp ứng được những yêu cầu của sản xuất công nghiệp, buộc phải chấp nhận làm những công việc lao động phổ thông, rất vất vả, thu nhập thấp và bấp bênh.

 

Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ, trước hết là quan tâm đến cuộc sống người dân. Nếu khoảng cách thu nhập của các bộ phận dân cư trong xã hội quá lớn, an sinh xã hội không được đảm bảo, thì người dân chỉ còn cách bán sức lao động giá rẻ. Đây chính là nguồn gốc sinh ra những tai nạn lao động đau lòng.

 

Việc phát triển công nghiệp, thu hồi đất để thực hiện các dự án cần được tính toán một cách cẩn trọng, bảo đảm cuộc sống, tương lai của những người nông dân bị thu hồi đất. Tiền thuế từ các doanh nghiệp phải được đầu tư cho an sinh xã hội và bảo đảm cuộc sống người dân bị dự án làm ảnh hưởng. Thế nhưng hiện nay để thu hút đầu tư, chúng ta miễn thuế cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian dài. Như vậy, ngân sách không có nguồn thu để lo cho cuộc sống người dân.

 

Trong vụ tai nạn Lèn Cờ, nhiều ý kiến chỉ trích khá gay gắt trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng các cấp. Tuy nhiên, không thể giải quyết vấn đề đơn giản bằng cách xử phạt thật nặng hay đóng cửa các mỏ đá. Làm thế thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên là người lao động. Vấn đề là cần tìm cách nâng cao đời sống người dân, thu hẹp bớt khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng lớn trong xã hội.        

 

                                              Trần Quang Đại

                                                  (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Tổ chức khai thác đá không đúng quy trình quy phạm kỹ thuật để xảy ra tình trạng sập mỏ đá Lèn Cờ, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ mỏ đá ở đây. Ngoài ra, còn phải xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan cấp giấy phép khai thác đá và quản lý an toàn lao động của tỉnh sở tại, đã không xem xét cẩn trọng về năng lực chuyên môn cũng như giám sát chặt chẽ quá trình khai thác.

 

Đây là bài học đã phải trả giá bằng tính mạng nhiều con người. Mong rằng pháp luật xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm, đồng thời có chính sách đền bù đúng mức cho những người lao động đã bị thiệt mạng trong vụ sập mỏ đá này để giảm bớt một phần khó khăn và đau thương mà gia đình họ đang phải gánh chịu. Qua đó, cũng là bài học kinh nghiệm không chỉ cho tỉnh Nghệ An mà cho tất cả những địa phương có khai thác mỏ đá, đặc biệt là cần kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc thực hiện quy trình khai thác ở các mỏ đá.