Hà Nam:

Đê hữu sông Hồng bị băm nát, sụt lún nghiêm trọng!

(Dân trí) - Đê hữu sông Hồng (đê Đại Hà) đoạn chạy qua địa phận các xã Chân Lý, Nhân Đạo, Nhân Thịnh, Phú Phúc với chiều dài hơn 12km, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị “băm nát”, sụt lún nghiêm trọng…

Đê hữu sông Hồng bị băm nát, sụt lún nghiêm trọng

Đê cấp I bị băm nát, xuống cấp nghiêm trọng

Đê hữu sông Hồng, hay còn gọi là đê Đại Hà, với chiều dài hơn 40km đoạn chạy qua huyện Lý Nhân có chiều dài 27,3 km kéo dài qua hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Đê Đại Hà là tuyến đê cấp I, ngoài việc đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc bờ sông Hồng, đây được xem là tuyến giao thông huyết mạch nối liền hai tỉnh Hà Nam - Nam Định.

Đê Đại Hà là tuyến đê cấp I, ngoài việc đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc bờ sông Hồng, đây được xem là tuyến giao thông huyết mạch nối liền hai tỉnh Hà Nam – Nam Định.
Đê Đại Hà là tuyến đê cấp I, ngoài việc đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc bờ sông Hồng, đây được xem là tuyến giao thông huyết mạch nối liền hai tỉnh Hà Nam – Nam Định.

Để đảm bảo giao thông, đường đi thuận tiện cho người dân các xã nằm ven đê sông Hồng, từ năm 2007, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống đường chạy quanh đê này. Tuy nhiên, sau 11 năm đưa vào sử dụng, một số đoạn đường đê đã xuống cấp nghiêm trọng.

Sự xuống cấp nghiêm trọng của đê Đại Hà đã diễn ra từ nhiều năm nay, nguyên nhân tuyến đê bị tàn phá nặng nề là do cả ngày lẫn đêm phải “gồng mình” chống đỡ hàng trăm lượt xe tải trọng tải lớn nhỏ chuyên vận chuyển cát, gạch “cày xới”.

Đoạn xuống cấp nghiêm trọng nhất phải kể đến đoạn chạy qua địa bàn các xã Chân Lý, Nhân Đạo, Nhân Thịnh, Phú Phúc với chiều dài hơn 10km. Từ thực tế nhìn thấy, mặt đường bê tông bị cày nát, các khối bê tông bị băm nát, chẻ nhỏ thành từng mảng rời rạc nhau.

Nhiều đoạn đê bị băm nát, sụt lún nghiêm trọng
Nhiều đoạn đê bị "băm nát", sụt lún nghiêm trọng

Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Lo lắng trước nguy cơ đê bị hư hỏng, nhiều lần người dân kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay đê Đại Hà thậm chí càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân) xác nhận tình trạng xuống cấp ở đê hữu sông Hồng đoạn qua địa bàn xã đã xảy ra cách đây khoảng 3 - 4 năm. Ông Thanh cho biết thêm, nguyên nhân chính làm đê xuống cấp là do xe tải ra vào các bãi cát, nhà máy gạch với số lượng lớn, thường xuyên, liên tục khiến mặt đê bị gãy, hư hỏng.

Nguyên nhân chính làm đê xuống cấp là do xe tải ra vào các bãi cát, nhà mày gạch quá nhiều
Nguyên nhân chính làm đê xuống cấp là do xe tải ra vào các bãi cát, nhà mày gạch quá nhiều

Vì là tuyến đê chính để đi lên huyện và Nam Định nên việc đê bị hư hỏng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị và đề xuất cấp trên sớm tu sửa lại đê để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Khó khăn trong việc bắt quả tang, xử lý vi phạm

Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với các xe tải lưu thông trên đê hữu sông Hồng, Đội CSGT huyện Lý Nhân cho biết việc bắt quả tang, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Theo đó, 2 năm gần đây lượng xe tải chở vật liệu xây dựng trên đê có xu hướng giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, do mặt đê bị gãy, lực lượng mỏng, trên địa bàn có nhiều ngách giao thông nhỏ lẻ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tuyến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng
Tuyến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng

Thiếu tá Phạm Ngọc Hưng, Đội trưởng đội CSGT huyện Lý Nhân cho biết: “Đơn vị luôn có 1 tổ công tác gồm 4 người thường xuyên tuần tra trên đê 24/24, phát hiện trường hợp vi phạm về quá tải sẽ lập tức xử lý. Nhưng khi thấy tổ công tác, các tài xế xe tải liền bỏ chạy theo các ngách giao thông nhỏ dọc đê khiến việc bắt quả tang, xử lý vi phạm rất khó”.

Năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án mở rộng nâng cấp, cải tạo đê hữu sông Hồng kết hợp phát triển giao thông với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ thực hiện được hạng mục kè bờ đê do thiếu nguồn vốn.

Do thiếu vốn nên dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo đê hữu sông Hồng vẫn chưa thể thực hiện được
Do thiếu vốn nên dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo đê hữu sông Hồng vẫn chưa thể thực hiện được

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Nam, do nguồn kinh phí có hạn nên mỗi năm chỉ tu sửa được 1-2km mặt đê. Chi cục cũng nhiều lần đề xuất việc xây dựng các trụ bê tông để ngăn xe quá tải nhưng không được chấp thuận bởi các dự án nhà máy gạch và bãi cát đóng trên địa bàn nên việc xây các trụ bê tông gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến, trong năm nay chi cục sẽ cùng các ngành chức năng tìm nguồn vốn để thống nhất phương án tu sửa lại toàn bộ những điểm đê bị hư hỏng nặng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê.

Đức Văn