Dạy thật, học thật: Hãy dùng người như dùng cầu thủ bóng đá

Muốn dạy thật, phải học thật. Cần có cơ chế sử dụng con người dựa trên giá trị họ đem lại cho xã hội, giống như cầu thủ bóng đá phải thể hiện tài năng trên sân cỏ, chứ không phải bằng cấp.

Được tin Thủ tướng phát động "học thật, thi thật, nhân tài thật", tôi thực sự rất phấn khởi, bởi vì đó là đích đến của một nền giáo dục chân chính.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng có chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Đọc những dòng đó, là người đang dạy học, nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy thực hiện thật quá khó khăn.

Nếu chỉ đặt nhiệm vụ này lên vai người thầy là bất khả thi. Trong bài viết này, tôi tạm bỏ qua các thành tố nội dung, phương pháp, phương tiện, chỉ bàn riêng về mục tiêu của hoạt động dạy học thông qua mối quan hệ thầy - trò ở các trường đại học.

Học giả thì dạy thật có được không?

Câu trả lời là không. Bởi vì, lí luận giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng dạy học là hoạt động tương tác, hoạt động cùng nhau của thầy và trò. Hoạt động của thầy đều có liên quan đến hoạt động của trò và ngược lại. Trong hoạt động đó, thầy và trò phải cùng hướng đến một mục tiêu, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, từ đó tạo ra chất lượng và hiệu quả.

Dạy thật, học thật: Hãy dùng người như dùng cầu thủ bóng đá - 1

Cơ sở đào tạo phải là bên lựa chọn người học.

Hiện nay, vấn đề bất cập của mối quan hệ này nằm ở chỗ thầy và trò không cùng hướng đến một mục tiêu. Vì vậy, khó mà có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, dẫn đến chất lượng và hiệu quả đều thấp.

Đa số người thầy, vì sự ràng buộc của nhiệm vụ và danh dự nghề nghiệp, rất muốn dạy thật, muốn trở thành người truyền cảm hứng cho người học. Nhưng rất nhiều người học chỉ để lấy chứng chỉ, bằng cấp, không quan tâm đến thu nhận tri thức.

Bộ trưởng có nói "Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật". Tôi cũng đồng tình, nhưng vẫn tin rằng trên thực tế "số đông, rất đông" đó chưa thể làm nên đa số.

Khi được hỏi về lý do chọn trường để học cao học, một cán bộ quản lý trường học thẳng thắn nói với tôi rằng "do trường đó có danh tiếng mà lại dạy học dễ dãi, bọn em cốt lấy cái bằng thôi".

Một trường đại học toan siết chặt tuyển sinh, siết chặt quy trình đào tạo để nâng cao chất lượng, năm sau có thể còn rất ít người dự tuyển. Mục tiêu của người học là bằng cấp. Mục tiêu của nhà trường là chất lượng cho người học. Hai thứ đó chỏi nhau chan chát. Kết cục nhiều trường đã phải lùi bước.

Bộ trưởng cũng mong muốn làm sao để "luận án không chất lượng thì không cho qua". Chân lý đơn giản đó mà sao quá khó khăn với người dạy.

Là người dạy, khi luận văn, luận án kém chất lượng, anh chỉ cần ngỏ ý không cho qua thì lập tức sẽ có can thiệp từ nhiều phía, kể cả từ cơ sở đào tạo. Ngoài sự chi phối của các quan hệ ngang dọc, cái chính là họ sợ mất người học.

Nỗi sợ hãi của cơ sở đào tạo là người học bỏ đi, chứ không phải là chất lượng kém. Là giảng viên, hãy thử kiên quyết vài lần thực chất như vậy xem. Lần sau người ta sẽ không mời anh nữa. Người dạy đã bị tước đi cái quyền được đánh giá thực chất.

Có nhiều lớp học người học ghi danh rất đông nhưng không đến lớp. Ghi danh không phải để học mà vì cần chứng chỉ. Một lớp học nâng hạng nghề nghiệp có cả trăm người đăng ký, khi học phần sắp bắt đầu, lớp trưởng đã thẳng thắn "xin thầy cho rút từ 2 ngày xuống 1 buổi, như vậy lớp mới đi học đầy đủ được".

Thậm chí bạn ấy còn xa xôi cảnh báo nếu cứ kéo đủ 2 ngày thì không chịu trách nhiệm về sự vắng mặt quá nhiều của học viên. Nhưng khi thỏa thuận đạt được, buổi học cũng chỉ có vài chục người. Mới vào lớp đã vài bạn lao nhao "trưa nay cho nghỉ sớm đi thầy ơi". Thầy giáo ngán ngẩm, tắt ngấm luôn sự háo hức được truyền cảm hứng, để rồi sau đó nhận được lời vỗ về "cái này nó hình thức lắm, cho qua đi thầy ơi".

Thực trạng người học là như vậy, người dạy dù có quyết tâm "dạy thật", cuối cùng rồi cũng phải "dạy giả". Đối với người thầy, tình trạng này dẫn đến sự bất hạnh. Đối với một nền giáo dục, điều này báo trước một thảm họa.

Hai bàn tay sẽ vỗ cùng một nhịp

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng "Học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội".

Đúng vậy, ngành giáo dục phải tham mưu làm sao để cả hệ thống chính trị vào cuộc mới tạo ra được sự thay đổi. Nếu chỉ một mình ngành giáo dục làm sẽ không khả thi. Nếu chỉ xem đây là công việc của thầy, trò và nhà trường sẽ là quá sức.

Thứ nhất, thay đổi cách tuyển dụng, cách dùng người để xóa bỏ tâm lý chuộng chứng chỉ, bằng cấp. Nhà nước cần tạo ra cơ chế sử dụng, đánh giá con người dựa trên những giá trị mà họ đem lại cho xã hội, không chú trọng bằng cấp.

Hãy dùng người như dùng cầu thủ bóng đá. Anh khẳng định giá trị của anh trên sân cỏ, tài năng của anh là đá bóng thế nào, đá kém mà có bằng tiến sỹ bóng đá thì cũng bị loại.

Thứ hai, cần tạo ra cơ chế cạnh tranh bình đẳng về chất lượng đào tạo giữa các trường, làm sao để họ thoát khỏi sự phụ thuộc vào người học. Cơ sở đào tạo phải là bên lựa chọn người học. Thương hiệu nhà trường phải là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người học. Nhất quyết không để chỉ đơn thuần yếu tố số lượng người học quyết định sự tồn tại của cơ sở đào tạo.

Thứ ba, đề xuất với Chính phủ (và đề nghị Chính phủ phải vào cuộc quyết liệt) để rà soát, cắt bỏ, giảm thiểu những quy định về thi đua, đạt chuẩn, đánh giá… dẫn đến chuộng bằng cấp, chứng chỉ.

Trước hết, ngành giáo dục cần nghiên cứu cải tiến các quy định về chuẩn, hạng, thăng hạng nhà giáo… một cách thực chất hơn nhằm giảm "học giả" ngay trong những người đi dạy. 

Thứ tư là làm tốt tất cả những điều trên để tạo ra môi trường đã đi học là học thật, học vì sự tăng thêm giá trị xã hội cho bản thân; giải phóng người dạy, trao quyền đánh giá chất lượng một cách thực chất, công bằng cho họ.

Ai đó đã có sự so sánh rất hay rằng dạy học và quản lý dạy học tựa như hai bàn tay, nếu không có sự tương tác thì chẳng khác nào vỗ tay mà thiếu đi một bàn tay. Chúng tôi hy vọng và cầu mong sắp tới đây hai bàn tay sẽ vỗ cùng một nhịp!