Thi đấu marathon: Đừng để thể thao đánh đổi mạng sống!

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Thể thao là để phục vụ chúng ta, chứ không phải để chúng ta hầu hạ nó. Tập thể thao là để có sức khỏe, để sống một cách có ích, không phải để đánh đổi mạng sống một cách lãng xẹt".

Như Dân trí thông tin, tại giải chạy Tay Ho Half Marathon diễn ra rạng sáng 14/4, một nam vận động viên 34 tuổi đã gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100 m. Bệnh nhân lập tức được cấp cứu tại chỗ trước khi chuyển tới Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2.

Trưa cùng ngày, người này được đặt ECMO, chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng rất nặng. 

Sự việc đáng tiếc vô tình trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh "lạm phát" các giải chạy marathon như hiện nay. 

Thi đấu marathon: Đừng để thể thao đánh đổi mạng sống! - 1

Giải Tay Ho Half Marathon vừa qua thu hút sự tham gia của đông đảo "Runner" tại Hà Nội (Ảnh: BTC).

"Chạy chỉ để chụp ảnh, lấy huy chương"

Độc giả Hữu Vịnh Đỗ nêu ý kiến: "Lỗi đầu tiên thuộc về Ban tổ chức. Họ đáng ra phải bao gồm những nhà chuyên môn, hiểu biết về sức khỏe và phải tư vấn cho những người tham gia chạy, bởi trong số đăng ký sẽ có những người mắc bệnh mà không biết. Trước đây, không ít vụ việc đau lòng từng xảy ra. Tôi nhớ số ca cấp cứu tại các giải chạy marathon phải lên tới hàng chục người". 

"Nên nhớ lịch sử của môn marathon xuất phát từ chính cái chết của người đàn ông cùng tên ấy. Bởi vậy, tại các giải đấu chuyên nghiệp, họ sàng lọc sức khỏe hết sức khắt khe. Còn đối với các giải nghiệp dư, tôi cho rằng nên giới hạn cự ly thi đấu. Đối với nội dung phong trào, chỉ nên giới hạn ở mức 1-2 km", anh Lâm Nhật Hùng viết. 

Cũng cho rằng nên sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VĐV tham dự và giới hạn cự ly thi đấu đối với nội dung phong trào, chủ tài khoản C.D. nêu ý kiến: "Các giải chạy nên sàng lọc người đăng ký. Những người lần đầu tham gia giải chạy thì chỉ cho phép họ chạy ở cự ly ngắn, sau đó nâng dần ở các giải chạy sau. Ngoài ra, cũng cần lưu trữ dữ liệu tập luyện thường xuyên của những người đăng ký, khi họ đạt tới một mức độ nhất định tương xứng thì mới cho phép tham gia những cự ly đã đăng ký". 

Gay gắt hơn, anh Tien Luc Nguyen đề xuất cấm các giải marathon phong trào, đường phố. Lập luận cho quan điểm của mình, độc giả này cho rằng chính sự xuất hiện của các giải đấu tự phát đang vô tình gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều người. 

"Nên cấm, họ rèn luyện sức khỏe thì cứ để họ tự chạy cự ly ngắn, người chuyên nghiệp thì chạy cự ly dài, đến giới hạn bản thân thì tự dừng lại chứ việc gì tự nhiên tổ chức ra sự kiện, bắt họ phải vượt qua giới hạn của bản thân và đẩy họ vào sự nguy hiểm về tính mạng? Tôi cho rằng chạy bộ giờ nên xếp vào những môn thể thao nguy hiểm, không chỉ bởi vấn đề sức khỏe mà còn bởi những xung đột xảy ra giữa người chạy bộ và phương tiện tham gia giao thông trên đường. Rất lộn xộn, mất trật tự và nguy hiểm", độc giả này phân tích. 

"Marathon giờ là phong trào, nhà nhà, người người chạy chỉ để lấy giải, lấy kỷ niệm chương mà không hề quan tâm tới sức khỏe bản thân, không quan tâm mình có đủ sức khỏe để chạy cả quãng đường dài hay không. Bạn tôi nhiều người rủ chạy, tôi xin cáo lui vì biết nhịp tim có vấn đề, bản thân cũng không thể chạy quãng đường như người ta được", người dùng Minh Huy chia sẻ. 

Còn với độc giả Hoàng Linh, anh cho rằng phong trào chạy bộ xuất phát từ những lợi ích, giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, chính sự xuất hiện tràn lan tới mức "lạm phát" của các giải chạy lại đang gây ra tác dụng ngược, tạo ra những vấn đề phản cảm trong xã hội. 

"Ngày xưa, người ta chạy bộ để rèn luyện sức khỏe, thể lực còn giờ đây, nhiều người có khi cả năm không sờ vào đôi giày nhưng vẫn hăng hái đăng ký tham gia các giải chạy, cốt để kiếm huy chương đeo trên cổ, kiếm tấm ảnh "cúng phây", khoe rằng ta đây cũng tập luyện thể dục thể thao cho bằng bạn bằng bè. Chính những trường hợp không biết lượng sức mình như vậy đang là "quả bom nổ chậm", tiềm ẩn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra tại các giải marathon.

Chưa kể về vấn đề xã hội, các giải chạy thường tổ chức ngoài đường, vào thời điểm ban đêm, tiềm ẩn rất nhiều vấn đề về an ninh trật tự như gây mất trật tự, ồn ào khu dân cư, xung đột giao thông với phương tiện đi đường hay vấn đề liên quan tới rác thải, ô nhiễm môi trường sau khi tổ chức. 

Trên quan điểm cá nhân, tôi không phản đối các giải chạy. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nên siết thật chặt, thắt chặt các quy định về tổ chức giải, vừa để chạy bộ trở lại với đúng giá trị vốn có của nó, vừa để đảm bảo sự an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và đảm bảo an ninh trật tự xã hội", độc giả này nhấn mạnh. 

"Lúc đầu, tôi nghĩ họ tổ chức giải chạy là để cho người dân tham gia thể thao. Nhưng thực sự đây là một hình thức kinh doanh mới. Mỗi runner tham gia đều phải đóng tiền hết, chỉ có 3 người về đích đầu tiên mới có giải thưởng (Chắc được chục triệu). Nhưng mỗi một giải chạy có hàng ngàn người tham gia thì số tiền ban tổ chức bỏ túi không hề nhỏ", người dùng Linh Bui thẳng thắn chỉ ra vấn đề dưới góc nhìn kinh tế. 

Thi đấu marathon: Đừng để thể thao đánh đổi mạng sống! - 2

Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 tại Hòa Bình hồi tháng 3 vừa qua cũng chứng kiến một trường hợp VĐV đột quỵ trên đường chạy. Ảnh: BTC.

"Thể thao đổi lấy sức khỏe, đừng đánh đổi bằng mạng sống"

Chia sẻ dưới góc nhìn của một cán bộ y tế cấp huyện, anh Nguyễn Song Giang kể lại mình từng chứng kiến, cấp cứu tới 3 trường hợp bị đột quỵ, quá sức khi tham gia các giải thể thao. Trong đó, 2 trường hợp tử vong do tim mạch, người còn lại được cấp cứu kịp thời nên qua khỏi. 

Từ câu chuyện trên, vị cán bộ này cho rằng bất kể giải đấu nào, kể cả thể thao phong trào hay cấp cơ sở, đơn vị quản lý cũng nên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là tim mạch  với các VĐV nhằm tránh thương vong đáng tiếc. 

Với độc giả Phuong Ta, người này cũng cho rằng rủi ro, tai nạn có thể tới với bất kỳ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào khi tham gia thể thao. Do đó, mỗi người cần lượng sức mình để đảm bảo thể thao góp phần cải thiện sức khỏe đúng với giá trị gốc rễ của nó chứ không phải để mang tới những sự việc đáng tiếc như trên. 

"Phong trào chạy bộ ở Việt Nam ngày càng mạnh là điều vô cùng đáng mừng. Có điều, trước khi tham gia vào phong trào này, đặc biệt là tham gia chạy Marathon, mọi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết cơ bản để hiểu rõ giới hạn của cơ thể và tự bảo vệ bản thân mình", người dùng này kêu gọi. 

Gay gắt hơn, chủ tài khoản Hoan Nguyen viết: "Giải Phú Yên vừa qua cũng có người chết. Thể thao kiểu gì đánh đổi cả mạng sống vậy à?". 

"Thể thao là để phục vụ chúng ta, chứ không phải để chúng ta hầu hạ nó. Tập thể thao là để có sức khỏe, để sống một cách có ích, không phải để đánh đổi mạng sống một cách lãng xẹt", người dùng có nickname Jacky Tran bình luận. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm