Đầu năm nghĩ về “Tiếng chuông kêu oan”

(Dân trí) - Oan khuất, khiếu nại, tố cáo thời nào cũng có, nước nào cũng có. Nhưng nhiều và dai dẳng, phức tạp như nước ta hiện nay thì quả là không bình thường. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã cố gắng nhiều để giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo, oan sai cho dân, nhưng tình hình có vẻ chưa tiến triển bao nhiêu.

Trong lịch sử, cha ông ta cũng đã có nhiều phương cách để giải quyết khiếu nại, tố cáo, oan sai cho nhân dân. Vua Lý Thái Tổ, là vị vua đầu tiên của nhà Lý, đã cho xây cung Long Đức ở ngoài Hoàng thành Thăng Long, cho thái tử Lý Phật Mã ở, để thái tử gần dân, “ý muốn cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân”.

Thái tử Lý Phật Mã lên làm vua, là vị vua hiền Lý Thái Tông, rất chăm lo việc giải quyết khiếu kiện, oan trái cho dân. Vào năm 1040, vua Lý Thái Tông đã giao việc xét xử kiện tụng của dân cho đích thân thái tử Khai Hoàng Nhật Tôn, dùng điện Quảng Vũ của thái tử làm nơi cho thái tử xử kiện cho dân.

Năm 1042, vua Lý Thái Tông cũng cho xây dựng bộ luật Hình Thư đầu tiên của nước ta, quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tùy tiện, nhũng lạm, gây ra oan trái cho dân của các quan lại. Luật Hình Thư quy định người tố cáo đúng tệ nhũng lạm của các quan lại, được “tha phu dịch cho cả nhà trong 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được”. Tiếc rằng bộ luật Hình Thư của nhà Lý đến nay đã thất truyền, chỉ còn lại bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê sau này.

Đến năm 1052, vua Lý Thái Tông cho đúc chuông lớn đặt ở cung Long Trì, trong khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay, để “cho dân ai có oan ức không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên”. Chính vua Lý Thái Tông cũng là vị vua đã cho xây chùa Một Cột, còn gọi là chùa Diên Hựu vào năm 1049.

Đến năm 1158, vua Lý Thần Tông cũng “cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân để ai có việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy”. “Giữa sân” ở đây tức là giữa sân chầu, giống như trong Phủ Chủ tịch nước ngày nay, hoặc trong Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng ngày nay, để cho dân có oan khuất được trực tiếp đến gửi đơn, trình bày.

Đến thời chính quyền cách mạng ngày nay, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến giải quyết khiếu nại, oan trái cho dân. Trong các đợt cải cách ruộng đất sai lầm năm 1954, 1955, 1956, nhiều người dân bị oan đã gửi đơn thư trực tiếp lên Bác Hồ, xin được giải quyết. Thông tri của Ban Bí Thư số 37/TT-TW ngày 29 tháng 6 năm 1956 đã nói về việc này như sau:

-“Từ trước đến nay, nhất là từ ngày hòa bình lập lại, có rất nhiều đơn khiếu nại của cá nhân và đơn vị gửi Hồ Chủ Tịch xin xem xét những điều thắc mắc. Số đơn gửi đến ngày càng nhiều, có tháng có tới trên 80 cái,,,Để giải quyết các đơn đó, theo chỉ thị của Trung ương, ở Văn phòng Chủ Tịch phủ đã tổ chức một bộ phận, có nhiệm vụ: - Kịp thời nghiên cứu các đơn khiếu nại, đề đạt ý kiến với Hồ Chủ Tịch…, - Theo dõi cách giải quyết của các cơ quan và địa phương.”

Thông tri 37 nói trên đã yêu cầu các cơ quan, địa phương phải liên hệ chặt chẽ với Văn phòng Chủ Tịch phủ để điều tra, xét xử các đơn khiếu nại, và phải “chú ý giải quyết các đơn khiếu nại đã gửi đến cấp mình phụ trách cho kịp thời, để đương sự khỏi phải kêu lên Hồ Chủ Tịch.”

Đến nay, đã 50 năm trôi qua, kể từ khi có Thông tri 37 nói trên của ban Bí Thư, nhiều cơ quan và nhiều địa phương dường như chưa làm tốt yêu cầu đó của Hồ Chủ Tịch, đùn đẩy đơn thư khiếu kiện của dân chạy vòng vo, bao che cho cấp dưới, khiến cho dân khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều.

Hiến pháp 1992 đã quy định việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân, tại điều 74. Nhưng phải 6 năm sau, Luật Khiếu nại tố cáo mới được Quốc hội thông qua, ngày mồng 2, tháng 12, năm 1998. Và thêm gần 5 năm nữa, Ủy Ban thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số 388/NQ ngày 17 tháng 3 năm 2003, về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Và phải  tới 1 năm sau ngày ban hành Nghị quyết 388 đó, thì đến ngày 25 tháng 3 năm 2004, các ngành liên quan mới bạn hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT để hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388 nói trên.

Như vậy phải sau 12 năm sau khi có Hiến pháp 1992, người oan sai mới có quy định pháp luật chính thức về bồi thường thiệt hại cho họ. Nhưng không phải người bị oan sai nào cũng đã được bồi thường, và được bồi thường thỏa đáng. Với nhiều người bị oan sai, quá trình đi đòi bồi thường cũng gian khổ không kém quá trình chịu đựng sự oan sai.

Nhưng Nghị quyết 388 cũng chỉ giải quyết những vụ oan sai trong quá trình bắt, giam, xử tù oan. Còn biết bao vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, chưa lên đến cơ quan pháp luật, như các vụ tranh chấp đất đai, đòi bồi thường việc thu hồi đất, việc đã mua nhà, đã trả tiền, mà chủ nhà không chịu giao nhà…

Từ ngày 4/10/2006, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bắt đầu khai trương, thì theo báo chí trong nước, đã bị “ngập” trong các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc đủ mọi việc, không chỉ liên quan đến tố cáo chống tham nhũng. Rõ ràng trong khi Nhà nước đang tập trung vào mặt trận chống tham nhũng, nước ngoài cũng luôn kêu gọi nước ta phải chống tham nhũng, thì với nhiều người dân, dường như họ đang quan tâm không chỉ đến vấn đề chống tham nhũng. Họ quan tâm đến những nỗi khổ hàng ngày họ phải chịu đựng từ bộ máy công quyền từ đủ mọi cấp, mọi ngành, từ điện nước, cống rãnh, điện thoại, nhà đất, giấy tờ hành chính, đến sự thờ ơ, yếu kém của các cơ quan công quyền, để cho bọn tội phạm hoành hành mà không có biện pháp hữu hiệu giải quyết.

Chỉ đơn cử việc xây các cầu vượt trong các đô thị, quốc gia nào cũng làm, chẳng ai nói đến “xấu mỹ quan thành phố” như vài ý kiến ở Hà Nội. Tokyo thủ đô nước Nhật hiện đại như thế, mà còn nhan nhản cầu vượt để tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Thế mà ai đó trong lãnh đạo Hà Nội đưa ra ý kiến thông thái trì hoãn việc làm cầu vượt. Chỉ đến khi có 2 vụ tai nạn giao thông cho 2 vị giáo sư nổi tiếng, thì Hà Nội mới vội vã cho làm 5 cầu vượt, lại còn định cố làm nhanh xong trước Tết Âm lịch. Nếu chỉ là tai nạn giao thông cho 2 dân thường, thì chắc cầu vượt vẫn chưa được làm đâu.

Trình độ lãnh đạo như thế thì dân khiếu kiện nhiều, và vượt cấp như hiện nay là điều dễ hiểu.

Với tốc độ bị “ngập” đơn thư khiếu kiện tại Văn phòng cơ quan phòng, chống tham nhũng như hiện nay, thì nếu ngày nay dù không phải là cái  chuông kêu oan như thời nhà Lý ngày xưa nhưng chắc chắn nỗi oan mà nhiều người dân đang phải gánh chịu chắc cũng nhiều lắm.

Người lãnh đạo phải có tấm lòng thương yêu dân như Bác Hồ, như vua Lý Thánh Tông, Lý Thái Tông… thì mới thấu hiểu nỗi khổ oan trái, phải đi khiếu kiện của dân như hiện nay.

Tình trạng quá tải đơn thư khiếu kiện ở các Văn phòng chống tham nhũng hiện nay cho thấy Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến giải quyết khiếu kiện cho dân hơn nữa. Mặt trận giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân quan trọng không kém mặt trận chống tham nhũng.

Minh Tuấn
 (Từ Tokyo)