Đất xây khách sạn là đất công viên hay cạnh công viên?
“Xây dựng KS Novotel on the Park sát công viên Thống Nhất có lợi và hại gì với công viên, với người dân, trước mắt và lâu dài? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước người dân và pháp luật về quyết định này?” - Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình, Nghiên cứu sinh ĐH Deakin, Úc đặt câu hỏi.
Theo thông tin không chính thức thì lý do quan trọng khiến UBND thành phố Hà Nội cho phép khách sạn Novotel on the Park được xây dựng là “lô đất đó ở cạnh công viên chứ không phải là đất công viên”.
Họ còn viện dẫn quy hoạch chi tiết đã được duyệt tỷ lệ 1/2000 của quận Hai Bà Trưng để chứng minh rằng lô đất đó đã được quy hoạch làm đất “công trình công cộng”.
Hai cơ sở đó khẳng định việc thành phố Hà Nội cho phép xây dựng khách sạn Novotel on the Park là đúng luật và đúng quy hoạch.
Một “lịch sử” ít người biết đến
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Theo những người biết chuyện thì vào năm 1989, khi đất nước mới bắt đầu hội nhập, kinh tế rất khó khăn, đầu tư nước ngoài chưa có, thì được chính phủ Thụy Điển có ý định viện trợ cho Hà Nội một khách sạn có tiêu chuẩn quốc tế. Ở thời điểm đó cả Hà Nội chỉ có một khách sạn duy nhất đủ tiêu chuẩn quốc tế dành cho người nước ngoài là khách sạn Thắng Lợi.
Thời gian đó, không chỉ quy mô thành phố mà hạ tầng đô thị còn rất thấp kém, nên sau một thời gian tìm địa điểm, chỉ có vị trí ở khách sạn Novotel on the Park hiện nay là phù hợp. Cuối cùng Hội đồng Bộ Trưởng ra văn bản số 1777/KTDN cho phép thành phố Hà Nội sử dụng khu đất lô đất trên trục đường Lê Duẩn, giáp rạp xiếc và công viên Lê Nin (tên cũ của công viên Thống Nhất) để xây dựng khách sạn - chính là vị trí đang xây dựng hiện nay của khách sạn Novotel on the Park.
Có lẽ ở thời đó không có nơi nào rộng rãi và đẹp hơn là công viên, nên các công trình có yếu tố nước ngoài mới xây dựng đều được giới thiệu vào khu vực công viên. Cùng thời đó sau này có khách sạn Daewoo xây dựng trên đất công viên Thủ Lệ, làng Việt Nhật xây dựng trên đất công viên hồ Thành Công...
Không có nhiều người biết về quá trình thực hiện dự án khách sạn liên doanh giữa Thụy Điển và Hà Nội (còn gọi là khách sạn SAS) cũng như lý do vì sao dự án không được thực hiện. Chỉ có một điều nhận thấy rõ rệt nhất là cho đến tận giữa những năm 2008 (gần 20 năm sau quyết định đầu tiên) lô đất này vẫn là đất cây xanh, trong khuôn viên công viên Thống Nhất, hoàn toàn không có ngăn cách gì đến phần còn lại của công viên.
Cũng ít người biết và hình dung được rằng, quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận Hai Bà Trưng được phê duyệt tại quyết định 16/2000/QĐ-UB ngày 14/2/2000 đã xác định lô đất trên, vốn vẫn còn là một phần của công viên Thống Nhất, là đất công trình công cộng.
Không rõ các nhà thiết kế quy hoạch suy nghĩ như thế nào khi “hợp thức hóa” một lô đất lớn như vậy, chưa có công trình, ở một vị trí không thể tách rời ra khỏi công viên, thành đất “công trình công cộng”?
Rất có thể họ không còn lựa chọn nào khác khi làm một việc phi chuyên môn như vậy. Có thể họ tuân theo một nguyên tắc bất thành văn khi làm quy hoạch chi tiết Hà Nội: đó là “dự án đã phê duyệt, đất đã cấp, chỉ giới đỏ đã ban là hiện trạng” dù hợp lý hay không hợp lý, để đồ án quy hoạch dễ được thông qua, để không tạo thêm phiền hà cho cơ quan cấp phép, cấp đất, giới thiệu địa điểm.
Có thể họ tuân theo quyết định số 3257/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 10/8/1999 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00275/QSDĐ và trích lục bản đồ tỷ lệ 1/5000 số 101/99 ngày 15/7/1999 của sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội - những tài liệu xác định ranh giới công viên?
Nhưng có một điều khá chắc chắn, đó là việc chuyển đổi chức năng lô đất này trong công viên không được đem ra tham khảo ý kiến nhân dân một cách công khai rõ ràng, với dụng ý để mọi người cùng biết và tán đồng chủ trương, khiến cho việc công trình Novotel on the Park khởi công gây rất nhiều thắc mắc trong dư luận.
Cho đến tận thời điểm này, thành phố vẫn chưa đưa ra một lời giải thích chính thức: tại sao nhất thiết phải lấy một lô đất lớn đến vậy để xây khách sạn? Hà Nội thiếu đất, thiếu tiền chăng? Hay đã quy hoạch rồi nên phải thực thi theo quy hoạch?
Vậy lô đất đang xây dựng khách sạn Novotel on the Park là đất công viên hay chỉ là “lô đất ở cạnh công viên”?
Theo thông tin không chính thức, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định: “Khu đất này nằm cạnh Công viên Thống Nhất chứ không phải là đất Công viên Thống Nhất”.
Có vẻ ông Thịnh thừa nhận các văn bản pháp lý về lô đất này mà thành phố Hà Nội ban ra là cơ sở duy nhất, nên mới khẳng định rằng đó là đất “ở cạnh” công viên, không phải công viên.
Ông Thịnh có vẻ quên mất chức năng của thành phố là quản lý và phát triển đô thị theo hiện đại, bền vững, đáp ứng các nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài một cách linh hoạt. Các cơ quan chức năng của thành phố không phải là một cỗ máy quan liêu, nhắm mắt thực hiện mọi việc, bất chấp các bất cập.
Chẳng lẽ ông Thịnh không thấy ở Hà Nội hiện nay, hầu hết các khu ở đang quá tải, gần như không có sân chơi cho trẻ em, người già. Ngày ngày ra đường với mọi người dân là cực hình vì bụi bặm, chật chội. Cả thế hệ trẻ ngoài giờ học ra chỉ còn biết chơi điện tử hay hát karaoke, vì ngay cả những sân bóng hiếm hoi còn sót lại cũng trở thành địa điểm kinh doanh của các cơ quan sở hữu, của những người có tiền trả cho sân thuê. Những viễn cảnh “xanh, sinh thái”, nếu không ở các khu đô thị ngoại thành thì cũng mới chỉ là những mảng xanh trên mô hình hay bản đồ quy hoạch.
Trong bối cảnh đó, cho phép xây dựng khách sạn, một công trình không hề thiếu ở Hà Nội ngày nay, trên một lô đất hơn 1ha trong lòng công viên, vốn có thể dễ dàng trở thành một sân bóng hay sân chơi tổng hợp là hợp lý về trước mắt và lâu dài ư? Nếu là bất cập, tại sao thành phố vẫn thực hiện?
Nếu nhìn vấn đề theo lô gích, rõ ràng quy hoạch chi tiết là do các cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo lập và duyệt; mọi việc cấp đất, giới thiệu địa điểm, cho phép xây dựng cũng đều thuộc quyền chủ động của thành phố. Ngay cả việc thay đổi quy hoạch, UBND thành phố cũng tự làm không cần thông qua Hội Đồng Nhân Dân[1].
Vin vào nội dung các quyết định, chủ trương do chính mình chỉ đạo và ban hành để chứng minh mình làm đúng, làm tốt, làm hợp lý có vẻ rất phi lô gích.
Rõ ràng, thủ tục trình tự, quyết định, đến quy hoạch, giấy chứng nhận quyền SDĐ... của các cơ quan thành phố, hết thảy chỉ là phương tiện để thành phố điều hành quản lý phát triển. Các cơ quan thành phố có bổn phận chấp hành các nguyên tắc làm việc, nhưng mục đích cao nhất vấn là vì sự phát triển lành mạnh của đô thị.
Nội dung mọi phương tiện kể trên, dù đã ban hành đều có thể thay đổi. Không phải ai đó được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ thì đất đó là của họ, muốn xây gì thì xây, vĩnh viễn không bị điều chỉnh, thu hồi. Không phải quy hoạch chi tiết, chỉ giới đường đỏ vạch ra thì không thể thay đổi. Về nguyên tắc, từ quy hoạch chi tiết đến quy hoạch chung đều phải điều chỉnh theo định kỳ.
Nếu làm đúng theo thủ tục trình tự mà ra kết quả thấp kém thì cái “đúng” đó là vô nghĩa về mặt phát triển. Lúc đó cần phải xem lại thủ tục trình tự và các con người thực hiện thủ tục trình tự đó có hoàn thiện không.
Vậy vấn đề không phải là thành phố có thực hiện đúng thủ tục trình tự của họ hay không, mà là có nên cho phép khách sạn Novotel on the Park được xây dựng ở vị trí hiện tại không? vì lợi ích trước mắt và lâu dài của đô thị và người dân Hà Nội.
Các kiến nghị
Được biết, bộ máy thành phố Hà Nội thực ra có rất nhiều quyền hành. Trước hết, mọi đất đai trong thành phố đều thuộc phạm vi họ có thể can thiệp, thông qua thương lượng hoặc cưỡng bách. Bộ máy thành phố có quyền chỉ đạo, lập, phê duyệt, và điều chỉnh mọi quy hoạch chi tiết. Họ có quyền thu thuế, quyết định các hạng mục đầu tư cơ bản, cấp đất cho các dự án, cho phép xây dựng, cho phép đầu tư, ra các quy định, luật lệ,...
Quyền lực to lớn đó không nhằm gì khác ngoài phục vụ sự phát triển của thành phố, nhằm phục vụ quyền lợi đa số nhân dân.
Trong trường hợp lô đất xây dựng khách sạn Novotel on the Park, thành phố chẳng bị lệ thuộc gì nhiều. Ở đó chưa hề có công trình nào được xây dựng, về cơ bản vẫn nối thông với công viên Thống Nhất. Chỉ cần một quyết định thành phố hoàn toàn có thể bãi bỏ các quy hoạch trước đó, xóa bỏ ranh giới ảo của lô đất trên quy hoạch, đưa nó trở về với công viên Thống Nhất như trước kia, nếu thấy việc xây dựng khách sạn là bất hợp lý.
Vấn đề chủ yếu là liệu các cơ quan thành phố Hà Nội có nhận thấy việc lấy hơn 1ha đất cây xanh ngay sát công viên Thống Nhất để xây dựng khách sạn là bất hợp lý không?
Vì khách sạn được xây dựng ở vị trí quá nhạy cảm với công viên Thống Nhất, lại lấy quá nhiều đất vốn đến thời điểm giữa năm 2008 vẫn còn là đất cây xanh, thế nên UBND thành phố Hà Nội nhất thiết phải tôn trọng công luận khi cấp phép xây khách sạn.
Đây không phải là chuyện riêng giữa các cơ quan thành phố và nhà đầu tư. Đây là chuyện chung của cả thành phố, mà quyền lợi của đô thị và người dân Hà Nội phải đặt lên hàng đầu.
Trong bối cảnh hiện nay, không gì tốt hơn nếu các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội thẳng thắn trả lời hai câu hỏi:
Một, liệu xây dựng khách sạn Novotel on the Park ở địa điểm hiện tại sát công viên Thống Nhất có lợi và hại gì với công viên, với người dân thành phố, về trước mắt và lâu dài?
Hai, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm trước người dân Hà Nội, trước pháp luật về quyết định cho xây dựng khách sạn Novotel on the Park tại địa điểm hiện tại, bất kể các ý kiến khác của công luận?
Nguyễn Thanh Bình (NCS Đại học Deakin, Úc)
[1] Theo Tuệ Khanh, "Quy hoạch đô thị Hà Nội đã trải qua 8 lần điều chỉnh", VnMedia: "Trong kỳ họp thứ 17, HĐND khóa XIII của Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã trình bày rằng “các điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung không quy định phải báo cáo HĐND”.
Quy hoạch chung thành phố theo nguyên tắc do Thủ tướng phê duyệt; UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết. Điều chỉnh việc lớn như quy hoạch chung mà không cần thông qua HĐND thì ít có khả năng điều chỉnh các quy hoạch chi tiết cũng thông qua HĐND.