1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Biến công viên thành khách sạn không phải nỗ lực của cộng đồng”

(Dân trí) - “Dành ra những quĩ đất rất giá trị trong khu đô thị để làm của công là việc đòi hỏi phải có sự can đảm, quyết tâm rất cao. Còn việc biến công viên thành khách sạn rõ ràng không phải là cố gắng của cộng đồng, của số đông”.

KTS Trần Huy Ánh đã trao đổi với phóng viên Dân trí như vậy xung quanh dự án xây dựng khách sạn tại công viên Thống Nhất.

Trong những ngày gần đây, việc xén đất công viên Thống Nhất để xây dựng khách sạn đã khiến nhiều Kiến trúc sư, người dân lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình. Quan điểm của ông đối với vấn đề này như thế nào?

Quan điểm của cá nhân tôi cũng giống như những người Hà Nội khác mà báo chí đã phản ánh. Tôi nói thế này, gọi công viên vì “viên” là vườn, “công” là của chung, nhưng công viên mà thành khách sạn thì khách sạn không thể của chung được vì nó phải có chủ.

Trong câu chuyện này, rõ ràng cái công đã tạo thành cái riêng, chứ nếu “công khách sạn” lại là chuyện khác. Tóm lại, từ của chung trở thành của riêng sẽ có một số người được lợi, còn số đông sẽ không được lợi.
 
“Biến công viên thành khách sạn không phải nỗ lực của cộng đồng” - 1
Khách sạn đã bước vào thi công phần móng hơn nửa năm nay.

Xét về qui hoạch, việc mọc lên một khách sạn như thế có phù hợp không, thưa ông?

Về qui hoạch, xây dựng công viên là một việc rất khó khăn trong bất cứ đô thị nào, dù nước giàu hay nước nghèo. Dành ra những quĩ đất rất giá trị trong khu đô thị để làm của công là việc đòi hỏi phải có sự can đảm, quyết tâm rất cao. Còn việc biến công viên thành khách sạn rõ ràng không phải là cố gắng của cộng đồng, số đông.

Ông Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư kí Hội qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một công viên như thế không phù hợp với qui hoạch hiện có của thành phố?

Ông Huỳnh Đăng Hy là Tổng Thư kí Hội qui hoạch phát triển đô thị, nhưng chưa chắc hội biết tất cả mọi thông tin. Có thể là có qui hoạch mà ông Hy chưa biết chăng? Giả sử một qui hoạch mạng lưới các công viên giải trí Hà Nội được công bố trên báo chí, trưng trên mạng chẳng hạn, mình so sánh sẽ rất dễ. Nhưng rõ ràng tôi cũng không biết, qui hoạch đó có chưa và không biết công viên này có nằm trong hệ thống ấy không. Có thể mình không biết thông tin chăng?!.
 
“Biến công viên thành khách sạn không phải nỗ lực của cộng đồng” - 2
KTS Trần Huy Ánh

Cứ đặt tình huống có một khách sạn mọc lên ở đó, nếu xét về mặt phối cảnh, liệu có phù hợp không?

Nếu một khách sạn đặt bên cạnh công viên thì khách sạn rất có lợi. Bạn lên Daewoo chẳng hạn, đứng trên tầng cao, bạn thấy cả cái Thủ Lệ thành cái ao của mình. Nếu một khách sạn đứng trước một công viên thì khẳng định cảnh quan của khách sạn rất tốt, nhưng công viên bị một khách sạn dòm vào, rõ ràng công viên… “không thích”. Mỗi sáng chúng tôi đi tập thể dục trong công viên mà có ai đó đứng trên cửa sổ dòm chúng tôi chạy đi chạy lại, mình không thấy được riêng tư nữa, không được thoải mái nữa.

“Công viên đó không những ở trong bản vẽ mà đã trở thành hiện thực và là sản phẩm của hàng vạn người lao động Hà Nội, đã ổn định như thế, đến giờ lại xén đi làm khách sạn, đa số người dân Hà Nội sẽ không hài lòng và tôi là một trong số những người như họ” - KTS Trần Huy Ánh

Chúng ta đang phải đặt ra vấn đề, có thêm nhiều công viên, cây xanh cho thành phố. Việc bớt đất công viên để xây một khách sạn như thế có thể coi là một qui trình ngược?

Tôi cũng không biết ngược hay là xuôi, nhưng rõ ràng việc này phải có cân nhắc. Hay là người ta định làm công viên này nhỏ lại để làm một công viên to hơn, lớn hơn ở chỗ khác thì sao? Cái đó  mình không biết, mình chỉ nhìn thấy một thực tế là người ta đang làm bé cái công viên này, còn không biết có một công viên to khác không? Biết đâu đấy là một sự đánh đổi thì quí hóa quá!

Theo ông, tại sao với dự án này và trước đó là dự án tại chợ 19/12, rất nhiều người đã nói không biết thông tin gì, trong đó có cả giới Kiến trúc sư?

Nói giới KTS không biết gì thì không phải đâu. Thực ra, bất cứ một đồ án nào đều phải có một KTS, thậm chí một vỉa hè, một cái cống, một nhà dân vài chục mét vuông cũng vẫn phải có KTS và kĩ sư xây dựng. Nhưng người KTS ấy có phải là người KTS của xã hội, có đại diện cho đa số của người dân thành phố ấy sống không?

Có KTS nào đó vì số đông, người ta nói lên những điều của số đông, còn có những KTS không phải đại diện cho số đông thì rõ ràng người ta tham gia công việc đó vì chuyên môn, vì nghề nghiệp, trách nhiệm, vì miếng cơm manh áo hay thực ra là do công việc thôi.

Thời gian qua, rất nhiều dự án của thành phố đã khiến dư luận phải tốn giấy mực, công sức. Theo ông, có phải Thành phố đang thiếu một chuẩn mực về qui hoạch, thực hiện qui hoạch cho nên mỗi dự án ra đời đều có thể làm “nóng” dư luận?

Tôi cũng tham gia một vài dự án qui hoạch, cũng là một công dân của Hà Nội và ở cả hai vị trí này tôi đều mong muốn rằng, những qui hoạch phải tường minh, rõ ràng. Hà Nội đang chẩn bị một qui hoạch mới cho nên việc có một qui hoạch với ranh giới rành mạnh giữa cái gì là của công, cái gì của tư, cái gì người dân có thể mua bán, đấu thầu rộng rãi... là điều nhiều người chờ đợi.

Nếu được như thế mọi chuyện vừa rất đơn giản, vừa tạo sự đồng thuận và cũng đem lại hào khí cho những công dân đối với thành phố y như hào khí công viên đã ra đời. Chúng ta đều biết, công viên Thống Nhất vốn là một bãi rác, nhưng hàng vạn thanh niên nhìn thấy tương lai của họ như chị Trần Thanh Vân đã nói và dù lúc đó tôi còn nhỏ cũng đã chứng kiến, các anh chị mình ăn cơm nhà để đi làm ra điều đẹp đẽ như thế. Nó là bãi rác nhưng người ta nhìn thấy tương lai thuộc về số đông, về mọi người, người ta sẽ hi sinh cá nhân vì cái chung.
 
“Biến công viên thành khách sạn không phải nỗ lực của cộng đồng” - 3

Theo ông, chúng ta có nên can thiệp, động chạm nào đó vào công viên Thống Nhất hay cứ để nguyên như hiện nay?

Hà Nội đã quá ít công viên, cây xanh, nơi giải trí bình dân - tôi nói giải trí bình dân vì giải trí cao cấp cũng không thiếu đâu… Tôi quan điểm, công viên là nơi công cộng, nơi người ta có thể thư giãn với số đông thị dân. Tôi thuộc số đông thị dân không được hưởng những thứ cao cấp thì rõ ràng tôi thích công viên hơn.

Tôi mong muốn Hà Nội có càng nhiều công viên càng tốt. Còn Hà Nội có nhiều khách sạn thì cũng tốt, nhưng có công viên nhiều hơn thì quí hóa hơn bởi vì chúng tôi ở công viên nhiều hơn ở khách sạn. Do vậy, trước hết, chúng tôi muốn giữ được công viên Thống Nhất như hiện nay

Nói về dự án tại chợ 19/12 vừa qua có người dân đúc kết rằng, cuối cùng lẽ phải đã chiến thắng. Ông có niềm tin lần này công viên Thống Nhất sẽ được bảo vệ?

Nói chung mình nên tin vào cái đẹp, tin vào cái thiện.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Ngày 6/6/2008, sau nhiều năm đình trệ, dự án xây dựng khách sạn SAS trên diện tích đất gần 1ha trong khuôn viên công viên Thồng Nhất được khởi công với tên mới: Novotel Hanoi on the Park. Khách sạn được thiết kế tiêu chuẩn 4 sao với gần 400 phòng, liên doanh giữa Tổng Công ty du lịch Hà Nội và đối tác SIH Investment Limited, Singapore (liên doanh giữa Vinacapital, Accor và River Nile), tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, đại chỉ tại 295 Lê Duẩn.

 

Dự án đã manh nha từ những năm 90 của thế kỷ trước, Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã lập dự án xây khách sạn này với diện tích gần 10.000 m2. Tuy nhiên, UBND Hà Nội sau đó đã có chủ trương di chuyển khách sạn SAS và rạp xiếc TƯ khỏi vị trí này.

 
Kim Tân - Phương Thảo (thực hiện)