Sóc Trăng:

Đất đứng tên của dân, sổ đỏ lại cấp cho xã: Sở TNMT khẳng định chính quyền đúng?

(Dân trí) - Liên quan đến việc UBND xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) yêu cầu người dân tháo dỡ nhà cửa để giao đất cho xã, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Triệu Công Danh - Phó Giám đốc Sở TN-MT Sóc Trăng về nội dung mà báo đã phản ánh.

Tại buổi làm việc, khi PV đặt vấn đề tại sao đất đứng tên ông Trần Công Đổm trong sổ mục kê ruộng đất từ ngày 07/4/1993 và trong Phiếu trích lục hồ sơ địa chính xác nhận tính pháp lý hồ sơ địa chính” của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Sở TN-MT Sóc Trăng) ngày 17/01/2013 cũng xác nhận diện tích 4.750m2 do ông Đổm đứng tên nhưng Sở TN-MT Sóc Trăng cấp sổ đỏ cho UBND xã Thạnh Trị, ông Triệu Công Danh cho rằng: “Nguồn gốc của diện tích đất nói trên là do chế độ cũ quản lý từ năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước cách mạng tiếp tục quản lý phần đất này nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền xã nên bị con cháu của bà Tuyến lấn chiếm làm nhà ở cho đến nay.

Còn sổ mục kê có tên ông Trần Công Đổm là có thật, nhưng đó chỉ là sổ thống kê toàn bộ diện tích đất đai ở địa phương chứ chưa đủ cơ sở pháp lý để công nhận đất của ông Đởm. Chỉ khi nào người sử dụng đất được Hội đồng quản lý đất đai xem xét, không tranh chấp với ai, đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ thì mới công nhận là đất của người đó. Ở đây, ông Đổm chỉ mới kê khai, chưa được cấp sổ đỏ nên không thể nói là đất của ông Đổm được. Việc cấp sổ đỏ cho UBND xã Thạnh Trị trên diện tích đất đó là dựa vào các quyết định của UBND huyện Thạnh Trị và UBND tỉnh Sóc Trăng”.

Đất đứng tên của dân, sổ đỏ lại cấp cho xã: Sở TNMT khẳng định chính quyền đúng? - Ảnh 1.

Phần đất hoàn toàn bỏ trống nên không có cơ sở cho rằng xã Thạnh Trị sử dụng từ năm 1990.

Như báo Dân trí đã phản ánh, cha mẹ chồng bà Tuyến là ông Trần Công Để và bà Nguyễn Thị Trang (đã mất) để lại cho chồng bà là ông Trần Công Đổm (mất năm 2002) phần đất diện tích trên 4.750m2 tại địa chỉ trên; trong đó có 300 m2 là đất thổ cư, còn lại 4.450 m2 là đất lúa.

Năm 1978, Phòng Lương thực huyện Thạnh Trị mượn mẹ bà là bà Nguyễn Thị Trang 2.580 m2 để làm sân phơi lúa (có xác nhận của ông Ngô Thanh Quang, nguyên Phó phòng Lương thực huyện Thạnh Trị). Sau khi Phòng Lương thực giải thể, phần đất nói trên được trả lại cho mẹ chồng bà sử dụng.

Năm 1991, xã Thạnh Trị cho rằng đất đó là đất của xã, buộc gia đình bà phải tháo dỡ nhà cửa, trả lại đất cho xã quản lý nhưng gia đình bà Tuyến không đồng ý vì đất đó là của gia đình mình.

Đến năm 2004, UBND huyện Thạnh Trị cho rằng “diện tích đất nói trên trước năm 1973 là của ông Trần Công Để và bà Nguyễn Thị Trang. Năm 1973, chính quyền Sài Gòn trước đây lấy đất này xây dựng phân khu Thạnh Trị. Năm 1979, Phòng Lương thực huyện Thạnh Trị xây dựng trạm thu mua lương thực tại phần đất này. Cuối năm 1990, đầu năm 1991, Phòng Lương thực huyện giải thể giao lại đất cho xã Thạnh Trị quản lý và sử dụng cho đến nay”. Từ đó, UBND huyện Thạnh Trị ban hành Quyết định số 1219/QĐ-CT.UBND ký ngày 14/12/2004 bác yêu cầu của bà Tuyến.

Bà Tuyến khiếu nại đến UBND tỉnh Sóc Trăng cũng không được chấp nhận với lý do: Diện tích đất bà Tuyến xin lại có nguồn gốc đất chế độ cũ quản lý làm Hội đồng xã và Phân khu xã, sau giải phóng chính quyền cách mạng tiếp thu quản lý sử dụng vào mục đích chuyên dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng dựa vào khoản 1 Mục IV về chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam ban hành theo Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ để cho rằng việc Nhà nước quản lý phần đất của bà Tuyến là phù hợp. Từ đó, UBND tỉnh Sóc Trăng bác đơn khiếu nại của bà Tuyến.

Ngày 09/6/2010, diện tích đất nói trên được Sở TN-MT Sóc Trăng cấp sổ đỏ cho UBND xã Thạnh Trị. Sau đó, xã Thạnh Trị đã cho dựng tạm một nhà sinh hoạt cộng đồng cho ấp Tà Điếp C2 trên phần đất của gia đình bà Tuyến để chứng minh đất do xã quản lý sử dụng. Đồng thời, vào năm 2013, xã Thạnh Trị công khai rao bán đấu giá 2.796 m2 còn lại tại khu đất nói trên với giá khởi điểm là 150.000 đồng/m2 nhưng không thành vì dư luận và báo chí phản ánh.

Ngày 30/6/2016, UBND xã Thạnh Trị mở cuộc họp với đầy đủ thành phần gồm đại diện UBND xã, MTTQ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, địa chính, tư pháp, chi bộ Đảng,… yêu cầu gia đình bà Tuyến tháo dỡ nhà cửa, công trình xây dựng, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, giao trả đất cho UBND xã Thạnh Trị quản lý, sử dụng đúng quy định của pháp luật. Nhưng, trong biên bản không nói rõ xã lấy đất nhằm mục đích gì.

Trên phần đất đó hiện nay con trai bà Tuyến là ông Trần Công Toàn và hai người cháu ruột là Trần Công Hồng, Trần Công Thà với 14 công dân lương thiện, trong đó có 5 đứa trẻ đang tuổi ăn học, một cháu bé sơ sinh; ông Trần Công Thà là quân nhân xuất ngũ, đã làm nhà để ở. Cán bộ xã Thạnh Trị thừa nhận những người này thuộc hộ nghèo, không có đất ở. Như vậy, nếu địa phương đuổi họ đi để lấy đất thì 14 công dân của 3 hộ gia đình này sẽ sống như thế nào khi không có đất?

Trao đổi với PV về vụ việc này, ông Ngô Thái Chân- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, sẽ chuyển hồ sơ cho bộ phận chuyên môn xem xét trên tinh thần hài hòa giữa lợi ích người dân và Nhà nước.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm