TP.HCM:

Đất của dân bị “cập nhật” làm hẻm: “Có một phần lỗi của chính quyền địa phương”!

(Dân trí) - “Trên thực tế, thời gian quy hoạch bị treo đã gây ra phiền toái, thiệt hại về các quyền về sử dụng đất và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của ông Duy. Do đó có phần lỗi thuộc về chính quyền địa phương” - Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định.

hem203-1453979967639

Hẻm lộ giới 203 mà ông Duy cho rằng đây là phần đất hợp pháp của gia đình đã bị chính quyền địa phương "cập nhật" thành hẻm

Liên quan đến việc ông Phạm Ngọc Duy (ngụ khu phố 10, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) phản ánh việc bị chính quyền địa phương “cập nhật” hàng trăm mét đất mà ông đang đứng tên chủ sở hữu hợp pháp thành hẻm lộ giới 203 mà không thông qua ý kiến hay bàn bạc, giải phóng đền bù hay ra quyết định thu hồi đất. Theo ông Duy, chính quyền làm như vậy là xem thường người dân và bất chấp các quy định của pháp luật.

Để rộng đường dư luận về vụ việc này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận: Theo qui định của Luật đất đai năm 2013, có thể thấy rằng, việc thu hồi đất để mở rộng hẻm làm lối đi chung phục vụ cho mọi người, cho xã hội là quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích công cộng. Trước hết phải xem thẩm quyền thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện (Điều 66).

Do đó UBND phường Tân Chánh Hiệp không có quyền thu hồi đất nhưng có thể tham mưu, góp ý để UBND quận thu hồi đất làm con hẻm để phục vụ vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích công cộng của địa phương. Tuy nhiên việc thu hồi đất phải đúng qui định Điều 69 về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bao gồm các bước như:

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được pháp luật quy định; Trong đó, thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại địa phương nơi có đất thu hồi; Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); Trong đó phương án phải phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi, tổ chức lấy ý kiến họp trực tiếp với người dân có đất thu hồi và niêm yết công khai phương án tại địa phương nơi có đất thu hồi.

Giấy tờ thể hiện chủ quyền đất của ông Duy
Giấy tờ thể hiện chủ quyền đất của ông Duy

Tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có)…;Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết (Điều 67).

Căn cứ vào đồ án quy hoạch lộ giới hẻm tỷ lệ 1/2000 phường Tân Chánh Hiệp đã được UBND quận 12 phê duyệt tại Quyết định số 331/QĐ-UBND-ĐT ngày 15/10/2010 về tuyến hẻm 203 lộ giới 8m có liên quan đến nhà ông Phạm Ngọc Duy.

Như vậy Quyết định số 331 đã được ban hành từ năm 2010 nhưng không thông báo đến người dân được biết hoặc đã niêm yết nhưng quy hoạch có thể đã “bị treo” vì không chịu giải tỏa đền bù để người dân phối hợp thực hiện quy hoạch và nhận đền bù để tự giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân. Khi qui hoạch chưa được thực hiện thì quyền quản lý sử dụng đất vẫn thuộc người dân đã được cấp giấy chứng nhận hợp pháp.

“Trên thực tế, thời gian quy hoạch “bị treo” đã gây ra nhiều phiền toái, nhiều thiệt hại chính đáng về các quyền về sử dụng đất đai của ông Duy, đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của ông Duy, do đó có phần lỗi thuộc về chính quyền địa phương. Vì vậy, UBND quận 12 nên xem xét lại Quyết định số 331 ngày 15/10/2010 về tuyến hẻm có mã số 203 lộ giới 8m có còn phù hợp để từ đó hủy bỏ quy hoạch treo từ năm 2010 đến nay hoặc sửa đổi quy hoạch, lên phương án bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của ông Duy” - Luật sư Lễ khẳng định.

Bản đồ hiện trạng vị trí thể hiện hẻm 203 là phần đất hợp pháp của ông Duy
Bản đồ hiện trạng vị trí thể hiện hẻm 203 là phần đất hợp pháp của ông Duy

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Ngọc Duy khẳng định: “Mảnh đất của gia đình ông (bao gồm cả phần đất đã bị chính quyền cập nhật thành hẻm 203) đã được sử dụng ổn định vài chục năm qua, năm 2001 thì được cấp GCNQSDĐ hợp pháp, từ đó đến này cũng chưa hề có tranh chấp, hay bị ai kiện cáo. Cơ quan chức năng cho rằng đất của tôi đang bị tranh chấp là hoàn toàn vô lý, cố tình gây khó dễ cho tôi”.

Báo Dân trí  tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm