Bình Định:

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang lấn chiếm đất quy hoạch rừng phòng hộ để sản xuất, thế nhưng các cấp ngành địa phương đang lúng túng xử lý tình trạng này.

Chủ tịch HĐND xã bị "tố" lấn chiếm đất rừng

Theo phản ánh của người dân sống tại làng 5 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) những năm gần đây, một số hộ dân ở xã này tự ý vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tà Niêng để lấn chiếm đất, phát rừng làm nương rẫy với diện tích hàng nghìn mét vuông.

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi - 1

Một khu rẫy của hộ dân ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trồng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ hồ Tà Niêng.

Điều đáng nói, trong số các trường hợp vi phạm có ông Đinh Văn Sao, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Thuận. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc, cho rằng có sự nể nang trong việc kiểm tra, xử lý, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra trong thời gian dài nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cùng lãnh đạo xã Vĩnh Thuận dẫn đường, phóng viên Dân trí có mặt tại một số khu vực hồ Tà Niêng.

Qua ghi nhận, nhiều diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ đã bị lấn chiếm, đang được người dân canh tác, chủ yếu là trồng cây điều. Tại các rẫy này, người dân cũng xây dựng lán trại, chuồng nuôi gia súc…

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi - 2

Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết trong số các hộ dân vi phạm có trường hợp đang là lãnh đạo xã Vĩnh Thuận.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu xác định được 5 hộ lấn chiếm đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực hồ Tà Niêng để trồng cây điều, trong đó có ông Đinh Văn Sao.

Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thuận Đinh Hồng Phê xác nhận tình trạng một số hộ dân địa phương lấn chiếm đất quy hoạch chức năng phòng hộ đầu nguồn hồ Tà Niêng để sản xuất, nhưng tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi - 3

Người dân làm nhà để trông coi rẫy mà một phần diện tích thuộc rừng phòng hộ Tà Niêng.

"Qua làm việc, các hộ dân mong muốn với diện tích quy hoạch chức năng phòng hộ thì nhà nước có cơ chế chính sách để hỗ trợ phần nào đó với diện tích cây trồng lâu nay họ đang canh tác. Còn lại các khu vực không thuộc quy hoạch phòng hộ cũng nghiên cứu cấp sổ đỏ để người dân sản xuất ổn định đời sống", ông Phê cho hay.

Lúng túng xử lý

Ông Dương Ngọc Hòa - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh - cho biết, qua xác minh, diện tích đất rừng các hộ dân đang canh tác, có một phần nằm trong quy hoạch chức năng phòng hộ và đất nằm ngoài quy hoạch cũng có. Các hộ dân đã canh tác lâu năm và cũng chưa có tác động đối với hồ Tà Niêng.

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi - 4

Ông Đinh Hồng Phê, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận.

"Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với UBND xã Vĩnh Thuận, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện xác minh. Nếu diện tích đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch phòng hộ sẽ có tham mưu cho cấp thẩm quyền thu hồi, để giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ. Diện tích nào không nằm trong quy hoạch phòng hộ cũng tham mưu cấp có thẩm quyền làm thủ tục cấp sổ đỏ cho bà con", ông Dương Ngọc Hòa cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hóa - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh - cho biết, diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực hồ Tà Niêng trước kia do UBND xã Vĩnh Thuận quản lý, tháng 6/2021, UBND tỉnh Bình Định mới giao cho đơn vị mới tiếp quản. Tuy nhiên, phần lớn người vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Dân trồng rẫy trên đất rừng phòng hộ: Chính quyền khó khăn thu hồi - 5

Hồ Tà Niêng xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.

"Trong kế hoạch, sắp tới, đối với diện tích này, nếu giữa Ban quản lý rừng, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm cùng các ngành của huyện có chủ trương quy hoạch lại để tiến hành trồng rừng thì đơn vị sẽ phối hợp trồng rừng. Trong chức năng phòng hộ thì phát triển lại rừng là một trong những phương án hợp lý. Với điều kiện phải có sự đồng thuận cao", ông Hóa nói.