Dân trí lên, sao điểm sàn lại hạ (!?)

(Dân trí) - Vào thời điểm mà đề tài giáo dục đang là nỗi trăn trở của nhiều người, thì câu chuyện tác giả Bùi Rửa Bát kể qua bài viết “Đẽo chân cho… vừa giầy” là diễn đàn để những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà lại một lần nữa tranh luận sôi nổi.

Chất hơn lượng

 

Giáo dục là quốc sách, giáo dục là mục tiêu hàng đầu của Đảng, Nhà nước và toàn dân… Khẩu hiệu đó gần như ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng. Vậy nhưng trong những năm gần đây, vấn đề giáo dục lại đang làm "đau đầu" dư luận xã hội. Và câu chuyện “hai không” - chống tiêu cực, chống bệnh thành tích, xem ra vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà.

 

Quan niệm chung hiện nay ở nước ta vẫn cho rằng sau khi tốt nghiệp THPT, con đường tốt nhất cho học sinh (HS) là vào ĐH, CĐ. Chính vì thế mà nhiều người đã không tiếc tiền của đầu tư, thậm chí "chạy điểm", "chạy trường" cho con em vào bằng được những trường ĐH danh tiếng. Thực trạng này đã dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong thi cử cũng như dạy học, khiến dư luận không thể cứ mãi "ngậm bồ hòn làm ngọt".

 

Nhiều nhà chuyên môn đã phân tích: việc phân bậc rõ ràng các cấp học có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo dục. Và chúng ta nên đưa ra nhiều định hướng, nhiều sự lựa chọn cho thế hệ tương lai. Ví dụ: Đại học là bậc giáo dục không bắt buộc, vậy ta nên khuyến khích những HS có khả năng thực sự hướng vào. Còn không thì cần định hướng nghề phù hợp cho các em.

Dân trí lên, sao điểm sàn lại hạ (!?) - 1


Thậm chí để hút thí sinh, nhiều trường ĐH, CĐ dân lập còn dùng chiêu khuyến mãi, tặng quà cho sinh viên. (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nguyễn Văn Chương - Nam - 23 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ:

 

“Tôi thấy tình trạng thực tế hiện nay của ta là thừa thầy thiếu thợ. Mọi người cứ đua nhau vào ĐH rồi ra trường với 1 tấm bằng trong khi đa số là trình độ chuyên môn gần như bằng 0. Theo tôi, không nên hạ điểm sàn. Những ai không đậu ĐH thì nên đi học nghề là tốt nhất, không nên lúc nào cũng chạy đua thành tích, chạy theo cái mác ĐH mà làm giảm sút chất lượng giáo dục nước nhà”.

 

Có chung nhận định, Tran Van - Nam - 59 tuổi - Từ Bình Định cho rằng“bàn tay có ngón dài ngón ngắn” huống chi con người. Hãy biết lượng sức và tỉnh táo để chọn cho mình một hướng đi đúng:

 

“Người Việt Nam luôn nhằm mục tiêu cho con cái mình phải là thầy của thiên hạ, âu cũng là tốt của xã hội. Nhưng tiếc thay chúng ta không hiểu được là ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn, mỗi người có khả năng của mình và cha mẹ phải biết khả năng đó nó nằm ở đâu và con mình có làm thầy được không, hay chỉ nên làm thợ tốt...

 

Chúng ta thử tưởng tượng xã hội phát triển giống như càng ngày càng xây dựng được những tòa nhà cao tầng chinh phục đỉnh cao, nếu tất cả các viên gạch sau khi ra lò mà chúng ta lầm tưởng rằng đều đạt tiêu chuẩn để xây các tòa nhà chọc trời, thì tòa nhà đó sẽ sập lúc nào không ai biết nữa....

 

Đừng vì cái mục tiêu số lượng mà quên đi cái chất lượng, đừng nên mủi lòng mà chấp nhận để tạo ra những viên gạch không đạt tiêu chuẩn rồi mang những viên gạch đó đi xây cao ốc. Nên phân loại viên gạch nào phù hợp với công trình nào thôi...

 

Vì tương lai của Việt Nam, xin các bác ghìm nén lợi ích cá nhân lại và đặt lợi ích của đại cuộc làm trọng. 50 năm nữa con cháu chúng ta sẽ cảm ơn các vị. Chúc mọi người sức khỏe!”

 

Ủng hộ quan điểm của tác giả, Phuong thuy - Nữ - 33 tuổi - Từ Hà Nội cũng cho rằng cần chú trọng đến chất hơn là lượng:

 

“Đồng ý với quan điểm của tác giả. Dẫu biết rằng chúng ta đang cố gắng thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhưng xã hội để làm gì khi chất lượng chẳng ra sao? Hạ điểm rồi lại hạ điểm... Đó là cơ hội để những kẻ cơ hội đi lấy tiền của dân... 10 điểm cũng vào được ĐH. Ở nhà bố mẹ, ông bà làng xóm, láng giềng qua chúc mừng cho cậu con trai nhà ông này bà nọ được vào ĐH, ước mơ đã trở thành hiện thực sau bao năm đèn sách... chỉ để được 10 điểm 3 môn thi. Xã hội sẽ ra sao nếu như cứ tiếp diễn tình trạng này?

 

Thẳng thắn đối diện với thực tế, Đức Vinh - Nam - 27 tuổi - Từ Quảng Ninh không khỏi trăn trở cho nên giáo dục nước nhà:

 

“Phải nói là trình độ đào tạo Đh của Việt Nam mình thật sự là yếu kém. Tôi là Trưởng phòng kĩ thuật một công ty, trong 2 năm phải nhận tới hơn 20 người có trình độ ĐH vào làm nhưng không ai có thể đáp ứng được công việc ngay, mà đều phải đào tạo ít nhất là 6 tháng mới được mấy người có thể là gọi là làm tạm làm được việc. Vì thế tôi rất đồng tình với quan điểm không thể chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng. Đào tạo ra nhưng chất lượng lại quá kém, thế thì đào tạo ra để làm gì?”

 

Không tạo tiền đề xấu

 

Về vấn đề hạ hay không hạ điểm sàn, đa phần độc giả đều có chung quan điểm với tác giả : Cương quyết không hạ điểm sàn, bởi đây là dịp để khẳng định uy tín của những trường đào tạo có chất lượng, đồng thời thanh lọc những cơ sở đào tạo yếu kém ra khỏi hệ thống giáo dục.

 

Nguyễn Hoài Nam - Nam - 30 tuổi - Từ Hà Nội tán thành phương án không hạ điểm sàn kèm phân tích:

 

“Về quan điểm, mình đồng tình với phương án không hạ điểm sàn.

 

Thứ nhất: Như thế thì mặt bằng trình độ của ta bị hạ xuống quá thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ học vấn sau khi vào ĐH và ảnh hưởng đến mãi về sau.

 

Thứ 2: Các trường cứ kêu thế thôi chứ không chết được đâu. Không tin cứ giữ nguyên điểm sàn cao xem. Vì lợi nhuận làm giáo dục là một siêu lợi nhuận (đã thu được từ lâu rồi), có ảnh hưởng thì chỉ là tí ti. Nên mới nhiều đơn vị tổ chức đua nhau lập trường mà.

 

Thứ 3: Đã là cấp quản lý thì vừa phải mềm dẻo nhưng phải cương quyết, cứng rắn, đừng để thành tiền lệ xấu. Cứ thấy tình hình xấu là các tổ chức, doanh nghiệp đi xin và nhà nước lại "ưu tiên".

 

Thứ 4: Đứng trên phương diện quản lý thì cũng hết sức lưu tâm đến tương lai của tầng lớp tri thức trẻ. Không phải vì mỗi vấn đề thi ĐH này, mà cần rèn luyện, đào tạo các em từ nhỏ, có hệ thống. Một câu hỏi lớn là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp PTTH gần 100%, vậy tại sao điểm ĐH lại thấp thế? Đây là trách nhiệm của chính sách, của các cơ quan quản lý!”.

 

Đỗ Hữu Trường - Nam - 26 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng ta có thể "hi sinh" vài năm  thua lỗ về "kinh tế giáo dục", để nâng cao về thực chất chất lượng đầu vào ĐH:

 

“Kính gửi BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO. Tại sao chúng ta phải tuyển sinh đầu vào sinh viên ĐH với số điểm không đủ cả điểm trung bình (15 điểm/ 3 môn, thậm chí không tính cả điểm cộng khu vực). Với chất lượng đầu vào thấp như vậy, thử hỏi chất lượng đầu ra có còn cao không? Trong khi các trường ĐH mở ra như nấm gặp mưa, tại sao Bộ không thử hi sinh 1 năm (thậm chí là vài năm) để nâng cao chất lượng đầu vào ĐH, các trường chấp nhận thiếu sinh viên như đã dự kiến (sau khi tuyển cả nguyện vọng 2 và 3). Như vậy, chất lượng sinh viên ra trường sẽ khả quan hơn, uy tín các trường ĐH cũng dần dần được cải thiện.
 
Còn hạ điểm chuẩn cho đủ chỉ tiêu vào ĐH,  tôi nghĩ như vậy thì Bộ nên phổ cập giáo dục ĐH cho nhanh. Vì chất lượng GD Việt Nam, tôi mong muốn Bộ không bỏ điểm sàn thi ĐH và điểm sàn đó ít nhất phải là 15 điểm. Xin cảm ơn!”.

 

Đồng quan điểm, Hoàng Thương - Nam - 25 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ:

 

“Cách đây khoảng 7 - 8 năm, nhà nào mà có con đỗ ĐH thì bố mẹ tha hồ tự hào, làm cơm chiêu đãi cả xóm làng. Nhưng ngày nay, 10 sĩ tử đi thi thì 9 người đỗ. Không quốc lập thì dân lập, không ĐH thì cao đẳng. Thậm chí thí sinh đi thi chưa về đến nhà đã nhận được giấy báo gọi nhập học của một số trường cao đẳng, trường dạy nghề. Nói đến chất lượng đào tạo, công ty mình nhiều em ra trường bằng khá giỏi nhưng sử dụng máy tính vẫn mổ cò, file Excel mở ra không biết làm thế nào để dọc hay để ngang. Những kiến thức cơ bản về chuyên môn trong đầu thì rỗng tuyếch. Quá buồn!”

 

Chân - Nam - 38 tuổi - Từ Hải Dương kiến nghị:

 

“Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT như ông Bùi Văn Ga phát biểu là không hạ điểm sàn. Phải làm vậy mới nâng được chất lượng đầu vào để có cơ sở nâng chất lượng đầu ra. Tôi làm ở doanh nghiệp, nói thật nhiều sinh viên bây giờ ra trường về làm việc kém quá, hình như trong trường họ không học kiến thức chuyên môn!? Tôi cũng thấy ngạc nhiên là bây giờ nhiều trường ĐH quá, đúng là loạn, mất cân đối giữa các bậc đào tạo. Không thấy có chủ trương gì để sửa cái này cả, thật đáng lo. Nhắc lại vụ “điểm sàn”, hãy kiên quyết nói "không hạ?" Không thể chiều ý các trường ĐH tư vì họ lấy yếu tố lợi nhuận làm đầu, kinh doanh giáo dục chứ không phải phát triển giáo dục đâu. Các giáo sư - tiến sĩ nên noi theo vị GS trong bài viết.

 

Hạ điểm sàn cũng là cách ủng hộ bệnh thành tích, trong khi chúng ta đang quyết tâm trị dứt điểm “căn bệnh” này. Trần văn Thanh - Nữ - 33 tuổi - Từ Hà Nội trăn trở:

 

“Nếu bỏ điểm sàn hay hạ thấp điểm sàn thì chẳng khác là lại chạy theo bệnh thành tích. Cho mình hỏi: đào tạo nhiều mà kém chất lượng để làm gì? Không những thế sẽ tạo thành thói quen cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hơi tí là kêu khó, kêu thua lỗ để nhà nước lại ưu tiên. Nói cho cùng là chính sách Nhà nước không quyết đoán. Cần biết cái gì là mục tiêu mà mình đề ra chứ. Cứ hạ thấp điểm sàn thì có khác gì là Nhà nước đang đào tạo nguồn nhân lực yếu kém, mà lợi nhuận lại chỉ rơi vào các cá nhân…

 

Đoàn duy khánh - Nam - 26 tuổi - Từ Quảng Ninh triết lý:

 

“Xã hội ngày càng phát triển! dân trí đi lên, trình độ đi lên, đáng lẽ điểm sàn cũng phải đi lên. Vậy mà còn định đòi đi xuống. Sao ngược đời thế?”

 

Hương Le - Nữ - 32 tuổi - Từ Khánh Hòa đưa ra lời kết kèm cảnh báo:

 

“Hãy giải quyết mọi vấn đề từ gốc, nếu không e rằng qua năm lại tiếp tục kêu cứu để hạ tiếp. Tốt nhất là nên chịu đau một lần, cải tổ lại hệ thống giáo dục từ mầm non trở lên. Nếu không con em chúng ta mãi "thí nghiệm" cho việc cải cách giáo dục, mơ chi sánh vai với cường quốc năm châu”.

 

Nguyệt Thu