Dân tố mất đất sau hơn 10 năm cắm trích lục ở ngân hàng tại Thanh Hóa?

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm cắm trích lục tại ngân hàng, khi trả được nợ, ông Dân lấy trích lục đất ra ngoài thì phát hiện trên trích lục đất của gia đình đã bị ai đó bán mất gần 200 m2 đất. Việc bán đất này được ghi trong trích lục xảy ra vào năm 2003 và người mua là vợ lãnh đạo xã.

Theo phản ánh của ông Quách Văn Dân (thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) thì gia đình ông có một trích lục đất mang tên ông được UBND huyện Như Thanh cấp ngày 1/5/1998 với 2.623 m2. Trong đó gồm 400 m2 đất ở lâu dài, số còn lại là đất vườn tạp và đất nông nghiệp.

Năm 1998, gia đình ông làm nhà, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông đã dùng trích lục đất trên thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh. Đến năm 2011, gia đình ông trả được nợ và lấy trích lục đất này ra ngoài. Trong cả quá trình từ lúc thế chấp cho ngân hàng cho đến lúc lấy ra, ông Dân không hề rút trích lục ra lần nào.

Tuy nhiên, khi nhận trích lục từ ngân hàng vào năm 2011, ông bất ngờ phát hiện bị mất 182m2 đất. Tại trích lục ghi vào năm 2003, ông Dân chuyển nhượng cho bà Dương Thị Luyện (người cùng xã) 182 m2 đất ở. Sau khi tìm hiểu, ông Dân cũng được biết bà Luyện đã làm được trích lục đất trên diện tích 182m2 mang tên bà.

Thấy bị mất đất vô lý, 7 năm qua, ông Dân đều làm đơn gửi các cấp chính quyền địa phương và ngân hàng nhưng không nhận được trả lời.

Mảnh đất 182 m2 được ông Dân cho rằng bị mất trong thời gian cắm trích lục tại ngân hàng.
Mảnh đất 182 m2 được ông Dân cho rằng bị mất trong thời gian cắm trích lục tại ngân hàng.

Ông Dân cho biết: “Từ khi thế chấp trích lục cho đến lúc lấy ra, tôi chưa hề rút trích lục ra lần nào. Không hiểu người ta làm thế nào mà có thể lấy được đất của tôi. Vô lý hơn, tại sao trích lục của tôi ở trong ngân hàng mà họ có thể lấy để đi sang nhượng đất, làm được trích lục mới”.

Cũng theo ông Dân thì bà Luyện chính là vợ của ông Trần Văn Nhân, lúc bấy giờ đương chức chủ tịch UBND xã Xuân Du. Và cho đến bây giờ, sau nhiều lần ông Dân mang đơn đi kiện, ông Nhân đã đứng ra thỏa thuận hỗ trợ cho gia đình ông Dân số tiền 50 triệu đồng, thế nhưng ông Dân không đồng ý.

Tại trích lục của gia đình ông Dân ghi rõ vào năm 2003 đã chuyển nhượng 182 m2 đất ở cho bà Luyện.
Tại trích lục của gia đình ông Dân ghi rõ vào năm 2003 đã chuyển nhượng 182 m2 đất ở cho bà Luyện.

Lý giải về sự vô lý trên, ông Trần Văn Nhân cho biết: “Thời điểm đó, tôi đang làm Phó Chủ tịch HĐND xã chứ không phải chủ tịch xã như ông Dân phản ánh. Mảnh đất tôi mua là do em rể chú Dân có bán cho tôi và nói đất này đã được anh Dân cho rồi nhưng chưa sang nhượng. Tôi bảo, phải được chú Dân ký sang nhượng thì tôi mới mua. Sau đó, chú Dân có ký sang nhượng nên tôi mới mua được”.

Tuy nhiên, ông Nhân lại khẳng định bản thân không trực tiếp nhìn thấy ông Dân ký sang nhượng đất cho em rể mà chỉ nghe hồ sơ được ký tá xong và bản thân gia đình ông Nhân cũng không đi làm trích lục mà phía bên bán cho ông đi làm nên ông cũng không rõ ai rút trích lục đất của ông Dân từ trong ngân hàng ra và thủ tục làm như thế nào.

Dân tố mất đất sau hơn 10 năm cắm trích lục ở ngân hàng tại Thanh Hóa? - 3
Ông Dân không hiểu làm cách nào họ có thể làm được trích lục mới khi trích lục chính của ông nằm ở trong ngân hàng.
Ông Dân không hiểu làm cách nào họ có thể làm được trích lục mới khi trích lục chính của ông nằm ở trong ngân hàng.

Còn việc ông thỏa thuận hỗ trợ cho gia đình ông Dân 50 triệu đồng là do tình làng nghĩa xóm chứ không phải ông sai mà ông hỗ trợ.

“Nếu ông Dân không đi rút hoặc không ủy quyền cho người đi rút thì làm sao làm được trích lục đất cho gia đình tôi. Bản thân ông Dân nếu không làm việc đó, thì có quyền kiện ngân hàng” – ông Nhân nói.

Nguyên nhân ông không đứng tên mảnh đất trên mà để cho vợ đứng tên được ông Nhân cho biết, do tiền đó là tiền chơi hội của vợ nên để vợ đứng tên.

Đáng nói, hiện bà Luyện là người đứng tên trong trích lục 182m2 đất ở và người được cho là bán đất cho bà Luyện là em rể ông Dân hiện đã chết.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du xác nhận việc ông Dân có đơn kiến nghị tới xã. Tuy nhiên, ông Sinh cũng cho rằng việc vay mượn, thế chấp là việc giữa ông Dân với ngân hàng chứ không thông qua xã nên xã không nắm cụ thể được vấn đề.

“Xã sau khi nhận được đơn của ông Dân cũng đã mời ông Dân và ông Nhân lên hòa giải. Thế nhưng, cho đến nay việc hòa giải vẫn không thành” – ông Sinh cho biết thêm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay thông tin người dân phản ánh xem thời điểm đó ai là người đã rút trích lục đất của gia đình ông Dân ra ngoài, đồng thời cũng phải xác minh sau những lần đáo hạn, thì ông Dân có lấy ra hay không”.

Cũng theo ông Thanh thì thời điểm đó không được coi là thế chấp mà ngân hàng giữ hộ trích lục đất để người dân không sử dụng trích lục này đi vay ngân hàng khác. Và việc trong quá trình ngân hàng giữ trích lục, người dân vẫn có thể xin rút ra ngoài để sang nhượng một phần diện tích đất, miễn là diện tích còn lại vẫn đảm bảo để vay ngân hàng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Bình Minh