Bài 1:
Dân hoang mang khi chủ đầu tư đòi đổi địa điểm dự án gần 4 nghìn tỷ tại Thanh Hóa
(Dân trí) - Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư. Công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất, nhưng chủ đầu tư bất ngờ xin không thực hiện dự án tại vị trí đã được chấp thuận vì kinh phí bồi thường quá lớn khiến người dân hết sức hoang mang.
Dự án gần 4 nghìn tỷ đồng!
Ngày 17/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (gọi tắt là dự án) tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa).
Chủ đầu tư dự án nêu trên là Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (gọi tắt là Cty sữa Yên Mỹ).
Mục tiêu của dự án là áp dụng quy trình công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa nhằm cung cấp sữa tươi, sạch, chất lượng cao cho thị trường, góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước.
Dự án được xây dựng tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình (huyện Nông Cống) với quy mô 4 trang trại, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3.800 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 dự án được khởi công xây dựng vào quý IV/2017, hoàn thành đi vào hoạt động quý IV/2019; giai đoạn 2 khởi công xây dựng quý I/2020, hoàn thành đi vào hoạt động quý I/2022...
Tỉnh Thanh Hóa giao các sở, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến dự án theo quy định hiện hành của pháp luật.
Sau khi có quyết định chấp thuận của tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Nông Cống đã ban hành quyết định về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án.
Về phía các ngành, các cấp và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng rất rốt ráo trong việc chỉ đạo công tác GPMB, bàn giao đất cho chủ đầu tư sớm thực hiện dự án theo kế hoạch. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân nằm trong vùng ảnh hưởng dự án cũng đã đồng thuận.
Nhiều tháng nay, gần 100 ha đất “bờ xôi, ruộng mật” của người dân thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2, thôn Ná (xã Công Bình, huyện Nông Cống), gần như đã bỏ hoang. Đến nay, sau hơn 3 tháng đồng ý nhường đất cho dự án nhưng nhiều gia đình vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù. Trong khi hoạt động sản xuất bị đình trệ, người dân hoang mang, lo lắng trước thông tin chủ đầu tư không thực hiện dự án tại vị trí cũ.
Chủ đầu tư chưa chi trả kinh phí bồi thường vì quá lớn!
Trong khi chính quyền địa phương đã cơ bản thực hiện xong công tác kiểm kê đất, tài sản trên đất, chỉ còn chờ chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Đồng thời, theo thông báo của UBND huyện Nông Cống, kể từ thời điểm tháng 10/2017, các hoạt động sản xuất của người dân nằm trong vùng dự án gần như đã dừng lại để thực hiện công tác GPMB.
Ngày 12/3/2018, tại Sở Tài nguyên và Môi trường diễn ra hội nghị về việc GPMB thực hiện dự án tại xã Yên Mỹ và xã Công Binh, huyện Nông Cống
Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống, sau khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, địa phương này đã ban hành quyết định về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án.
Đến ngày 7/2/2018, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống có Công văn đề nghị Cty sữa Yên Mỹ chuyển kinh phí GPMB để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND huyện Nông Cống vẫn chưa nhận được trả lời của Cty sữa Yên Mỹ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty, số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống giai đoạn 1 là hơn 147 tỷ đồng. Như vậy, với diện tích 1 ha thì dự kiến số tiền bồi thường GPMB Công ty phải ứng trước là khoảng 720 triệu đồng và để thực hiện GPMB toàn bộ dự án với diện tích 125ha thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ Công ty phải chi trả là khoảng 90 tỷ đồng.
Sau khi xin ý kiến của Hội đồng quản trị, Công ty xét thấy kinh phí bồi thường GPMB đối với một dự án nông nghiệp như dự án tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình là quá cao. Công ty không có khả, năng thực hiện việc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường GPMB theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, Công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép được thuê đất đã GPMB để tiếp tục thực hiện dự án và chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành sau khi được UBND tỉnh bàn giao đất.
Cũng theo Cty sữa Yên Mỹ, trường hợp UBND tỉnh không thống nhất hỗ trợ kinh phí GPMB tại vị trí thực hiện dự án đã được chấp thuận thì Công ty đề nghị được thay đổi vị trí thực hiện dự án.
Trước đề nghị nêu trên của Cty sữa Yên Mỹ, ngày 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Ngân sách tỉnh Thanh Hóa hàng năm không đủ chi cho công tác bồi thường, GPMB các dự án đầu tư không thuộc ngân sách Nhà nước.
Do đó, Cty sữa Yên Mỹ đề nghị thuê đất đã GPMB và không ứng trước kinh phí bồi thường, GPMB để thực hiện dự án là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Đối với đề nghị chấm dứt hiệu lực thực hiện địa điểm dự án tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình và đề nghị thay đổi địa điểm thực hiện dự án, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
(Còn nữa)
Duy Tuyên