Dân “dị ứng” đi xe buýt vì… kém chất lượng

(Dân trí) - Xe vừa bẩn, vừa bụi, an ninh không đảm bảo… là một trong số những nguyên nhân khiến người dân “dị dứng” với xe buýt. Vì vậy muốn thu hút được nhiều đối tượng ngoài sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp, cần thiết phải nâng cao chất lượng dịch vụ.

Dưới đây là một số ý kiến điển hình của bạn đọc về phương án sử dụng xe buýt và lý do tại sao xe buýt không hút khách. chúng tôi xin trích đăng:

 

Nguyễn Dũng: thica030158@yahoo.com

 

Vâng, tôi cũng ủng hộ đi xe buýt để góp phần xây dựng thành phố bớt ô nhiễm. Nhưng nếu tôi đi xe buýt mà bị móc túi, rạch giỏ và mất điện thoại di động... thì ai là người chịu trách nhiệm đền bù cho tôi? Nếu thành phố giải quyết được vấn nạn trên thì sẽ có rất, rất nhiều người chọn đi xe buýt . 

 

Vũ Thanh Ngọc: songvanpro@gmail.com.

 

Xe bus TP Hồ Chí Minh vừa bẩn vừa bụi, các điểm dừng đỗ cách quá xa nhau. Mùi trên xe nặng hơn. Tình trạng chờ xe bus cũng khá lâu. Nếu muốn người đi làm bỏ xe máy đi xe bus thì phải tạo cho họ thói quen, lượng xe phải nhiều hơn. Tăng chuyến, tăng tuyến, vệ sinh xe bus sạch sẽ. Nếu như TPHCM cấm đi xe máy trong vòng 1 tháng và chuyển hết sang xe đạp, xe bus thì có lẽ mới làm cho người dân đi xe bus được.
 
 
Dân “dị ứng” đi xe buýt vì… kém chất lượng  - 1

Chất lượng xe buýt cần phải nâng cao nếu muốn thu hút mọi tầng lớp người dân sử dụng (ảnh: www.tin247.com)

 

Trần Hiếu Minh: wysiwygster@gmail.com

 

Để phát triển xe buýt, cần phải quan tâm đến người đi xe buýt nhiều hơn:

 

1. Xe buýt phải sạch sẽ, tiếp viên phải lịch sự. Có lần mình đi xe buýt, xe rất dơ lại bốc mùi hôi (do khách ói), nhân viên thì mặt lạnh tanh.

 

2. Phải nghiên cứu lại lưu lượng khách đi xe. Nhiều tuyến đường xe chật cứng: Người đi xe bị nhồi nhét không thương tiếc; Nhiều xe lại trống rỗng, ít người đi...

 

hieuhcm: hieuhcmc@gmail.com.

 

Chỉ khi nào đi xe bus người ta cảm thấy thoải mái tiện lợi, an toàn an ninh, hành khách được tôn trọng thì mới cải thiện được tình hình giao thông mà thôi. Thực trạng xe bus hiện tại thì đa phần ...như xe dù bến cóc mà thôi, nên nhiều người vẫn phải đội mưa nắng, biết là nguy hiểm nhưng vẫn tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân (xe máy). 

 

Mai Anh Tú:  anhtu277@gmail.com

 

Đã nhiều lần tôi sử dụng phương tiện xe bus để đi lại, nhưng quả thực tôi thấy chất lượng dịch vụ xe bus đang phục vụ trên địa bàn TPHCM quá kém, quá tệ... Hệ thống bến bãi điểm dừng, điểm chờ xe bus chỗ có chỗ không. Điểm dừng chờ xe thì rất nhiều chỗ do người dân đi quen đứng chờ thì tôi mới biết, chứ không có một biển báo hay vạch sơn nào báo hiệu là bến xe bus (điểm chờ xe ở góc Tân Kỳ Tân Quý với Trường Chinh, điểm chờ xe ở trước trạm thu phí xa lộ HN)...

 

Lúc lên xe thì thái độ phục vụ của nhân viên rất kém, chất lượng xe thì quá cũ và bẩn. Mấy lần đi tôi vẫn quen là cứ đến điểm dừng thì lái xe sẽ dừng, nhưng có lần đèn báo xuống xe hỏng, tôi rời chỗ ngồi ra đứng ở cửa xuống, nhưng vì lúc đến bến không thấy có khách lên thế là tài xế bỏ bến không dừng luôn. Tôi thắc mắc với nhân viên thì họ trả lời cộc lốc và xấc xược: "Muốn xuống thì mở mồm nói một câu"...

 

Chất lượng xe bus đang phục vụ ở TP.HCM như thế đấy, chỉ có số đông sinh viên, công nhân... những người có thu nhập thấp nên bắt buộc phải sử dụng phương tiện này thôi. Vấn đề này chắc hẳn các vị lãnh đạo cũng nhìn thấy, nhưng không biết có ai đặt vấn đề thẳng thắn để giải quyết nó hay không?

 

chichchoe2vn: chichchoe2vn@yahoo.com

 

Xin được đóng góp chút ý kiến. Nếu muốn người dân công nhận và sử dụng xe bus làm phương tiện đi lại thì phải xóa bỏ những tệ nạn còn đang lộng hành nơi xe bus. Nào là móc túi, trấn lột, sờ mó sàm sỡ, hay nạn phóng nhanh vượt ẩu của xe bus, cũng như xe phải được chăm sóc sao cho xứng đáng là xe dành cho cộng đồng. Xe thì hôi vì lâu ngày không được vệ sinh, đôi khi xe bus là nơi dễ phát sinh những mầm bệnh. Ngoài ra máy móc thì xuống cấp xả khói đen thui, ồn ào, móp mép vì những lần va quẹt hay đụng xe. Một cái xe có quá nhiều “tiền án tiền sự” như vậy ai dám đi. 

 

Phạm Văn Việt: pvviet@hcmus.edu.vn

 

Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, TPHCM nên đầu tư cho xe buýt về số lượng tuyến, chất lượng các dịch vụ của xe buýt, vận động người dân đi xe đạp và xây dựng những chỗ gửi xe đạp gần các bến xe, trạm xe buýt.

 

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hạn chế xe máy bằng cách không nhập xe máy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như việc làm với ô tô, vận động người dân chuyển xe máy sang đi xe đạp và xe buýt.

 

Cuối cùng, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cơ quan cần đi đầu trong phong trào này, các vị này nên đạp xe đạp từ nhà đến trạm xe buýt và lên xe buýt đi làm.

 

Quoc Trung: quoctrung09@gmail.com.

 

Tôi rất ủng hộ phát triển xe buýt, nhưng phải làm mạnh mẽ, bỏ vốn mạnh đầu tư lớn đồng bộ, tạm dừng các công trình chưa cần thiết để lấy vốn đầu tư xe buýt, sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao.

 

Các tuyến xe buýt phải nhiều, liên tục mở rộng các tỉnh lân cận nhiều hơn. Nếu hệ thống xe buýt thuận tiện hiện đại, sẽ chẳng ai thèm đi phương tiện cá nhân cho vất vả, tốn kém (xe máy, xe con). Chứ bây giờ đi xe buýt thấy phụ thuộc quá, xe chất lượng kém, chen chúc, nóng nực.

 

Lê Hồng Vương: le_hôngvung@yahoo.com.vn

 

Chính vì chất lượng xe bus mà làm cho người dân ghẻ lạnh phương tiện này. Vấn đề là hãy nâng cao chất lượng về phương tiện (xe, nhà chờ) và nhân viên. Đồng thời tuyên truyền các lợi ích đem lại khi đi xe bus. Đạt được 2 vấn đề này thì tự nhiên người dân sẽ chuyển hướng qua xe bus ngay. 

 

Takeru: takerukid1990@yahoo.com

 

Sử dụng phương tiện công cộng là một việc làm rất tốt và nên được khuyến khích. Nếu cần có thể ban hành thành luật bắt buộc dùng phương tiện công cộng trong tương lai. Nhưng các cấp chính quyền nên xem xét lại, bằng cách nào đó để cho mọi người cảm thấy thích thú với việc sử dụng các phương tiện này.  Xe buýt tại TPHCM hiện nay có quá nhiều điều cần phải bàn tới, chẳng hạn.

 

1. Phân tuyến xe buýt có phần chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

 

2. Bảo đảm an ninh cho người sử dụng: ở các nước phát triển họ đều có cảnh sát tuần tra trên những hè phố, đi tuần trong các trạm tàu điện ngầm để kịp thời giúp đỡ người dân trong trường hợp bị móc túi hay trộm cắp. Nên có thể nói đó là một trong những lý do vì sao mà nghề công an hay bác sĩ lại được tôn trọng hàng đầu tại các nước phát triển. Còn ở Việt Nam thế nào thì ai cũng biết rồi!!!

 

3. Người dân chưa thực sự được phổ biến hết về các tuyến xe buýt để có thể sử dụng nó một cách thuận tiện nhất cho mình.

 

4. Có nhiều xe buýt có thể nói là tồi tàn, vệ sinh không được sạch sẽ. Các hãng xe buýt lại thường sử dụng những xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường cho người xung quanh. Ví dụ như xe của HTX 19-5.

  

Từ những ý kiến của bạn đọc ta có thể thấy người dân luôn ủng hộ việc sử dụng các loại phương tiên công cộng và đặc biệt là xe buýt nếu chất lượng, an ninh an toàn được nâng cao.

 

Chúng tôi xin được kết bài bằng lời bạn Nguyễn Thế Mạnh: nguyen.the.manh.ds@gmail.com: “Dân ta còn nghèo, nên phát triển hệ thống xe buýt cho thành phố là phù hợp. Nhưng những người làm ra chính sách cũng cần đi xe buýt nhiều nhiều, để họ hiểu thực trạng hiện nay thì họ mới quan tâm đầu tư cho xe buýt đúng mức được. Ai cũng thích đi xe buýt khi chất lượng phục vụ được nâng cao. Cần đầu tư nhiều xe để tăng tần suất các chuyến và nên mở rộng các chuyến đến các con phố nhỏ để tạo sự thuận tiện. Thêm một điều nữa là cần có mức lương tương thích xứng đáng cho các tài xế xe buýt, đồng thời có những chế tài kỷ luật nghiêm với những trường hợp vi phạm trên đường”. 

 

Nguyệt Thu
(tổng hợp)