“Phát triển xe buýt - bước đột phá chống kẹt xe của TPHCM”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng thời điểm này, nếu không chuyển đổi mạnh mô hình đi lại của dân cư thì thành phố sẽ rất hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đây được coi là vấn đề “sống còn” trong phát triển đô thị.
Đặc điểm riêng có của TPHCM
Ngày 28/4, tại hội thảo khoa học “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân TPHCM?”, các chuyên gia đã phác hoạ lại bức tranh giao thông khá ảm đạm mà chỉ riêng có ở TPHCM.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, hiện TP đã có đến 4,5 triệu xe máy và 500.000 xe hơi cá nhân, việc đi lại của dân cư ngày càng trở nên khó khăn. Nạn kẹt xe liên tục xảy ra không chỉ trong giờ cao điểm mà trong suốt cả ngày và ngày càng ở nhiều điểm trong TP.
Những số liệu trên đã khiến ông Nguyễn Thành Tài phải công nhận: “Giao thông đi lại ngày càng trở nên bức xúc. Vấn nạn này được nhiều người thống nhất công nhận là vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết trong số những vấn nạn bức xúc của TP”.
Và theo ông, tại TPHCM, trên 90% dân cư đi lại bằng xe cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy. Đó là đặc điểm riêng có của TPHCM. Ở các TP lân cận như Jakarta, Bangkok… tỷ lệ người dân dùng phương tiện công cộng (chủ yếu là xe buýt) là 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân. Ở TPHCM, việc phục vụ của xe buýt chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất khiêm tốn, 5 - 6%. Chính “đặc điểm riêng” này của TPHCM khiến tình hình giao thông trở nên tồi tệ.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM), xe máy chính là nguyên nhân gây ra ùn tắc vì lưu lượng quá lớn và đặc thù di chuyển của loại hình phương tiện này.
Còn Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (ĐH Giao thông Vận tải) thì nhiều năm nay vẫn phản đối xe ô tô cá nhân bởi theo ông, nguy cơ TPHCM trong tương lai gần sẽ ùn tắc nghiêm trọng vì xe ô tô chứ không phải xe máy.
Tựu chung lại, các chuyên gia đều cho rằng vấn đề của ngành giao thông tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt ở TPHCM, là cơ cấu sử dụng phương tiện: tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân quá cao, sử dụng phương tiện công cộng quá thấp. Do đó, vấn đề “sống còn” là phải thay đổi mô hình đi lại của dân cư TP.
Quyết tâm chuyển đổi mô hình đi lại
Chính vì những nguyên nhân trên, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Cơ sở hạ tầng TPHCM dù đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Điều này buộc chúng ta phải nghĩ đến phương tiện công cộng để giải quyết vấn nạn kẹt xe”.
Phương pháp phát triển vận tải công cộng, trong đó đặc biệt chú trọng là xe buýt cũng được nhiều chuyên gia góp ý với nhiều biện pháp khác nhau. Tổng hợp lại thì biện pháp chính là vừa phải đầu tư nâng cao chất và lượng cho ngành vận tải hành khách công cộng vừa phải vận dụng các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam),̀ cơ cấu đi lại của người dân hiện nay vẫn là bị chi phối bởi tính lợi ích. Họ đi lại bằng xe máy chính vì lợi ích kinh tế của họ, vì nó rất thuận tiện so với xe buýt. Điều tra cho thấy nếu không được đi xe máy thì hơn 50% số người được hỏi vẫn sẽ chọn phương tiện khác ngoài xe buýt.
Vì vậy, vấn đề hiện nay là phải làm sao cải thiện hệ thống xe buýt cho người dân thấy đi xe buýt là lợi ích và thuận tiện hơn xe máy thì họ sẽ tự động chuyển đổi phương tiện đi lại của mình. Điều này cần 1 kế hoạch phát triển xe buýt mạnh mẽ và lâu dài.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM than thở các kế hoạch phát triển xe buýt đang rất khó khăn, hệ thống 3.000 xe buýt hiện hữu của TP đang xuống cấp trầm trọng, 2.000 tỷ đồng đầu tư cho 1.680 xe mới vẫn chưa được thông qua, hệ thống nhà chờ không được đầu tư… thì làm sao nâng chất và lượng của ngành xe buýt?
Về điều này, ông Nguyễn Thành Tài cho biết: “Sắp tới, tôi đề nghị nên tổ chức một nhóm nghiên cứu liên ngành để bắt tay vào việc xây dựng đề án phát triển xe buýt nằm trong chương trình đột phá chống kẹt xe của TP”.
Còn về việc hạn chế phương tiện cá nhân hiện TP và giới khoa học vẫn đang nghiên cứu rất nhiều giải pháp như cấp giấy chứng nhận quyền mua xe để hạn chế tốc độ tăng trưởng của xe cá nhân, thu phí lưu hành xe, phí kẹt xe, phí ô nhiễm môi trường…
Theo các chuyên gia giao thông, để giao thông TP phát triển bền vững thì phải giảm cho được 50% lượng xe cá nhân. Tuy nhiên, quan trọng là cách thức thực hiện vì các biện pháp trên ít nhiều vẫn đang bị dư luận phản ứng mạnh do đụng chạm đến lợi ích của đa số người dân.
Ông Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cứ làm theo kiểu lâu nay “được chăng hay chớ” mà phải quyết liệt hơn nữa. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm tính “sống còn” của phát triển đô thị nếu chúng ta không quyết tâm làm tất cả mọi việc đề chuyển đổi mô hình đi lại”.
Tùng Nguyên