Dân cung cấp bằng chứng “tố” bệnh viện đa khoa Ninh Bình “hủy hoại môi trường”
(Dân trí) - Phải sống bên lò đốt chất thải nguy hại của bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình thời gian dài, người dân quá quen với cảnh những làn khói đen kịt bốc lên từ đây, bốc mùi khét lẹt gây ô nhiễm môi trường. Nhiều năm “kêu cứu”, giờ dân chỉ biết thờ dài sống chung với ô nhiễm.
Liên quan đến vụ việc lò đốt chất thải nguy hại của bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Bình xả khói bụi, gây ô nhiễm ra môi trường mà báo Dân trí phản ánh trong nhiều bài viết, mới đây người dân phố Tuệ Tĩnh, phường Nam Thành, TP. Ninh Bình tiếp tục bày tỏ những bức xúc vì không được cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình giải quyết thỏa đáng; đồng thời cung cấp cho phóng viên nhiều bằng chứng “tố” bệnh viện này không chỉ “hành dân” mà còn “hủy hoại môi trường”.
Theo đó, nhiều năm phải sống bên lò đốt chất thải nguy hại của BVĐK Ninh Bình, người dân phố Tuệ Tĩnh đã quá quen với cảnh những làn khói đen kịt hàng ngày bốc lên từ lò đốt này, bốc mùi khét lẹt gây ô nhiễm môi trường. Những lúc lò đốt rác hoạt động, người dân khu phố Tuệ Tĩnh chỉ còn biết đóng kín cửa nhà mà không dám ra bên ngoài sợ hít phải khói độc. Cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của người dân bị đảo lộn hoàn toàn nhiều năm qua.
Chị Nguyễn Thị Mi Na nhà đối diện lò đốt cho biết, trước khi mua đất làm nhà ở đường Tuệ Tĩnh, gia đình chị không hề biết phía bên kia đường là lò đốt rác thải y tế của bệnh viện. Nhà làm xong, gia đình chuyển đến ở được thời gian thì liên tục ngửi thấy mùi khét lẹt, hỏi ra mới biết là mùi khét bốc ra từ lò đốt rác của bệnh viện.
Được nhiều người trong khu phố phàn nàn, chị Na theo dõi và nhận thấy những gì hàng xóm nói là thật. Mỗi khi lò đốt rác của bệnh viện hoạt động, gia đình chị Na chỉ còn cách đóng kín hết cửa và không ai dám ra ngoài. “Nhiều lúc gia đình tôi muốn chuyển nhà đi nơi khác ở vì không chịu được ô nhiễm, nhưng nhà mới xây dựng xong giờ không biết phải làm cách nào. Giờ cũng chỉ còn biết phải sống chung với ô nhiễm, cứ thế này chẳng mấy chốc mà chết vì ô nhiễm”, chị Na nói.
Cũng theo chị Na, chị cùng người dân khu phố Tuệ Tĩnh làm đơn phản ánh, kêu cứu từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tình cảnh phải sống chung với lò đốt rác thải khói bụi gây ô nhiễm vẫn không thay đổi được gì. Những yêu cầu của người dân chưa biết khi nào phía bệnh viện mới thực hiện.
“Không chỉ cuộc sống của gia đình tôi bị ảnh hưởng, chịu ô nhiễm mà công việc làm ăn của gia đình cũng gặp khó khăn bởi lò đốt rác của bệnh viện. Gia đình có một số lô đất bên phía Tây lò đốt rác, nhiều người đến hỏi mua, có người còn đặt cọc tiền nhưng sau đó họ lại trả lại vì biết được nếu làm nhà sống ở đây thì phải chịu cảnh ô nhiễm từ lò đốt rác của bệnh viện”, chị Na cho hay.
Thời gian qua, mỗi lúc lò đốt rác của BVĐK Ninh Bình đốt chất thải, xả khói, chị Na cùng nhiều người dân lại mang điện thoại ra ghi lại hình ảnh, làm bằng chứng tố cáo bệnh viện hủy hoại môi trường, nhiều khi còn đăng lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không có cơ quan chức năng nào xử lý triệt để sự việc, khiến chị Na cùng hàng chục hộ dân ở khu phố Tuệ Tĩnh, phường Nam Thành cũng chỉ biết thở dài, sống chung với ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Bảy, nguyên Tổ trưởng dân phố Tuệ Tĩnh bày tỏ quan điểm, ông cùng người dân của khu phố vẫn quyết tâm yêu cầu bệnh viện phải dừng hoạt động lò đốt rác thải nguy hại, để bà con khu phố có môi trường sống trong lành.
Khi biết tin BVĐK Ninh Bình chỉ bị “nhắc nhở” trước hành vi đốt chất thải nguy hại, xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường, nhiều người dân phố Tuệ Tĩnh vô cùng bức xúc. Mọi người đều cho rằng: Phải chăng có sự bao che cho sai phạm của bệnh viện này? Bệnh viện “hủy hoại môi trường như vậy đến lúc chết dân mới bị xử phạt?..
Trước đó, ông Lê Khắc Khoa, Phó Giám đốc Sở TNMT Ninh Bình chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Mình phải đặt vị trí là người dân ở khu phố Tuệ Tĩnh mới thấm thía hết những gì người dân phải chịu. Tôi thì tôi không ở phố ấy, không có nghĩa tôi không ở đấy thì không thấy hiểu được việc này. Bây giờ khói đen của rác bệnh viện, người dân vẫn có một định kiến không tốt, mình đặt vị trí mình như thế chắc là cũng khó chịu. Chắc chắn là khó chụi”.
Ông Khoa cũng cho hay: “Chỉ nhắc nhở thôi. Xử phạt hành chính thì đây cũng là đơn vị nhà nước thì ngân sách lại phải bỏ nộp cho ngân sách. Cái cuối cùng vẫn là khắc phục, mục tiêu là để môi trường tốt lên. Xử phạt hành chính thì bệnh viện cũng lại dùng tiền ngân sách để nộp phạt, đây cũng là cái khó”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến bạn đọc.
Thái Bá