Hà Nội:
Dân chung cư hàng ngày phải ngắm... "ảnh khỏa thân di động"
(Dân trí) - Mới đây, nhiều hộ dân tại một tòa chung cư tại quận Nam Từ Liêm đã phải cầu cứu Ban quản trị khi hàng ngày liên tục phải "rửa mắt" vì sở thích khỏa thân của hàng xóm đối diện.
Nhiều người vẫn quan niệm "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", hay "bán anh em xa, mua láng giềng gần", ấy thế nhưng, nhiều trường hợp, gia chủ đành phải "cự tuyệt" với hàng xóm của mình bởi sự trái tính trái nết khó dung hòa. Những câu chuyện dở khóc dở cười vì thế cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu chung cư - những nơi được đánh giá là văn minh, hiện đại.
Mấy ngày nay tại diễn đàn cư dân một tòa chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội "sôi nổi" hẳn với chủ đề bất đắc dĩ phải ngắm cảnh khỏa thân của một số hàng xóm đối diện.
"Không thể chịu nổi cái cảnh nam chủ nhà đối diện thường xuyên đứng khỏa thân ở ban công, trong khi nhà tôi có con gái đang tuổi mới lớn", chị H.D ở căn hộ đối diện bức xúc kể lại.
Nhiều hộ ở đối diện với chủ hộ trên cũng thường xuyên giật mình, thảng thốt, "ố á" không nên lời khi bất chợt phải nhìn thấy hình ảnh không mong muốn. "Cũng chỉ biết nhờ Ban quản trị góp ý với họ chứ chẳng có cách làm để cấm cả, vì họ có khỏa thân nơi công cộng đâu, ban công nhà thì cứ thoải mái thôi. Góp ý mà không thay đổi thì cũng đành phải chịu", một cư dân khác chia sẻ.
Những tai nạn từ "trên trời" rơi xuống
Không phải chịu cảnh nhức mắt nhưng gia đình anh M. hiện đang sống tại một chung cư ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông lại phải chịu nỗi khổ "buốt óc" bởi hàng đêm phải nghe tiếng mèo kêu, chó sủa của nhà hàng xóm. "Họ nhốt chó, mèo ở ban công, âm thanh vang đi khắp các căn hộ mà nói hết nước hết cái rồi, hàng xóm cứ như điếc vậy".
Chưa dừng lại ở đó, một số hộ dân đang sống tại khu chung cư này còn liên tục phản ánh rằng thường xuyên phải đi nhặt... bao cao su, băng vệ sinh do tầng trên vứt xuống. "Thật đúng là không biết nên khóc hay nên chửi, đến những thứ này mà còn vứt ra ngoài thì không hiểu ý thức ở đâu", chị H.D.P. bức xúc nói.
"Có cái ban công nho nhỏ sáng ra đứng hít khí trời thì không hôm nào được yên. Hôm thì bị tàn thuốc rơi vào chân, hôm thì bị nước tưới cây bắn vào mặt, hôm lại thấy nước điều hòa tong tỏng rơi vào đầu. Đúng là ở chung cư rồi mới biết có nhiều chuyện để nói", chị L.A. cho hay.
"Đêm nào cũng nghe tầng trên đập uỳnh uỳnh xuống trần. Nhiều lần ức chế quá mình có lên tận nơi nhắc nhở. Thế nhưng, khi mình đi xuống thì tiếng đập lại càng to hơn. Không còn cách nào khác, gia đình có ý kiến với Ban quản trị tòa nhà, tuy nhiên, sự việc cũng chỉ dừng lại ở đó".
Bên cạnh những thứ bất tiện từ nhà riêng ảnh hưởng đến các nhà hàng xóm, thì một vấn đề khác cũng rất hay gặp ở các chung cư, đó là tình trạng "vật thể không người lái" cứ thế mà rơi từ trên cao xuống sân. Lúc thì là bộ ga giường, lúc lại là chiếc quần, cái áo, thậm chí có hẳn cả dao, thớt bay xuống sân khiến những người chứng kiến mặt cắt không một giọt máu.
Ở hầu hết các khu chung cư, Ban quản trị là người thay mặt cư dân giải quyết những khúc mắc. Nhưng những thành viên trong Ban quản trị cũng lại là những người dân trực tiếp sống tại chung cư. Chính vì vậy, Ban quản trị nếu dùng lý thì không đủ thẩm quyền, mà dùng tình thì dễ bị coi thường.
Chung cư là nơi tập hợp nhiều cá nhân, hộ gia đình đến từ nhiều nơi khác nhau. Chính vì vậy mà nguồn văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục tập quán cũng khác nhau. Đây cũng chính là điểm khó khăn để xây dựng và duy trì nếp sống văn minh.
Theo các chuyên gia, chung cư ngày nay chỉ mới đảm bảo được việc xây dựng các căn hộ, chưa chú trọng việc xây dựng văn hóa cộng đồng. Một cộng đồng dân cư hiện nay đông đúc, nhưng thiếu gắn kết chặt chẽ, chủ yếu là mạnh ai nấy sống.
Sự đứt gãy về tình cảm nhiều lúc đã khiến những bức xúc không thể hóa giải, những cơn giận dữ không thể kiềm chế. Nhiều vụ ẩu đả tại chung cư đã xảy ra khiến hàng xóm không thể nhìn mặt nhau.
Ngày 15/2/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ 2/4/2016. Nội dung của văn bản này nêu rõ: Nghiêm cấm các hành vi nói tục, chửi bậy, cãi - đánh nhau gây ồn ào, mất an ninh, trật tự; cấm sử dụng truyền thanh truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến yên tĩnh nhà chung cư.
Bên cạnh đó, thông tư nêu cụ thể nghiêm cấm người dân đốt vàng mã tại căn hộ chung cư, kinh doanh các lĩnh vực có liên quan đến vật liệu dễ cháy tại căn hộ; không nuôi gia súc, gia cầm tại chung cư, phóng uế, xả rác hoặc các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, cấm dân không phơi quần áo hoặc chậu cảnh trên lan can và phần không gian từ lan can trở lên, vắt ngang cửa sổ của căn hộ. Cấm ném, đổ bất cứ vật, chất liệu gì từ cửa sổ, ban công căn hộ xuống không gian chung hoặc đường đi....
Nếu trường hợp người dân vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ ban quản lý hoặc chính quyền sở tại sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra gây hậu quả, người gây ra phải chịu bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cộng đồng và người bị hại...
Thoạt nghe, có vẻ những quy định cấm này là hài hước vì đây là những vấn đề có liên quan đến nếp sống, thói quen và ý thức của người dân, mỗi người dân phải ý thức khi sống ở không gian chung, không nên luật hóa những vấn đề này.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến người dân sống ở chung cư gây mất an ninh trật tự, vứt đồ, vật liệu hoặc... gây bức xúc trong cộng đồng.
Nhiều người cho hay, dù đây là văn bản "bất đắc dĩ" liên quan đến hành vi ứng xử của cư dân nhưng sẽ tạo được nếp sống, ý thức văn minh ở các khu chung cư, nhà cao tầng và đô thị mới hiện nay. Việc luật hóa ý thức và trách nhiệm cũng hạn chế những thói quen vô tổ chức của một bộ phận người dân vẫn quen nếp sống cá nhân, tùy tiện chưa có ý thức cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cho hay văn bản này chẳng khác nào thả gà ra đuổi bởi không khả thi và không thể kiểm soát được, nhất là việc đổ nước, vứt đồ đạc ra cửa sổ, lan can thì ai giám sát và làm bằng chứng. Và khi xảy ra sự cố, ai sẽ xử lý?
Hà Nội có rất nhiều chung cư cũ và mới. Vậy khi đã đưa ra quy định, luật hóa thì người dân phải chấp hành, nhiều chung cư như vậy thì ai sẽ quản lý, xử phạt khi những việc như nuôi chó mèo, phơi đồ trên lan can, hất nước tại các khu đô thị vẫn diễn ra thường xuyên?