Dân bị "tra tấn" bởi tiếng ồn, chủ tịch phường cho là bình thường

Doãn Công

(Dân trí) - Trong khi người dân kêu trời vì Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng (TP Quy Nhơn, Bình Định) gây tiếng ồn, bụi cưa làm ảnh hưởng đến cuộc sống, song chính quyền địa phương cho biết đó là bình thường.

Theo nhiều hộ dân tổ 15B, khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, hàng chục năm trước, Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng (thuộc Công ty CP Lâm nghiệp 19), trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của khu dân cư.

Bà Phạm Thị Khéo (68 tuổi, ở khu vực 3, phường Ghềnh Ráng), cho hay hơn 20 năm qua Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng đi vào hoạt động sản xuất là ngần ấy năm trời người dân sống trong cảnh bị "tra tấn" bởi tiếng ồn, bụi mùn cưa…

Dân bị tra tấn bởi tiếng ồn, chủ tịch phường cho là bình thường - 1

Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng nằm giữa khu dân cư (Ảnh: Doãn Công).

"Nhà tôi suốt ngày phải đóng cửa, đi làm về muốn nghỉ ngơi mà chịu không nổi vì máy móc chạy ầm ầm suốt từ 6h đến 21h. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo xí nghiệp và chính quyền phường Ghềnh Ráng giải quyết nhưng không ăn thua", bà Khéo nói.

Người dân bị "tra tấn" bởi tiếng ồn từ xí nghiệp gỗ (Video: Doãn Công)

Bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi, ở khu vực 3), nói: "Ngày trước bụi cưa bay vào nhà dân khủng khiếp lắm, thậm chí khi bụi nhiều quá một số hộ ở sát bên đã ném gạch, đá vào nhà xưởng để họ làm giảm bớt lại. Phản ứng dữ lắm họ mới xây nhà thu gom bụi cưa, nhưng cũng không xử lý được triệt để".

Dân bị tra tấn bởi tiếng ồn, chủ tịch phường cho là bình thường - 2

Bà Khéo mong muốn xí nghiệp gỗ sớm di dời ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch của tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Bà Hồng ngao ngán nói tiếp: "Còn tiếng ồn thì chịu không thể khắc phục, dân ở đây ngày nào không nghe tiếng máy chạy mới là bất thường. Người dân kiến nghị mãi rồi, mong muốn xí nghiệp sớm di dời để dân sống yên ổn nhưng đến nay vẫn tồn tại nên nhiều người chán chẳng muốn nói nữa".

Theo tìm hiểu, Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng được UBND tỉnh Bình Định cho Công ty CP Lâm nghiệp 19 thuê đất đến hết ngày 1/1/2026. Vừa qua, theo bổ sung quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, khu đất của Xí nghiệp Bông Hồng được quy hoạch thực hiện dự án nhà ở xã hội, với diện tích hơn 28.000m2.

Dân bị tra tấn bởi tiếng ồn, chủ tịch phường cho là bình thường - 3

Xí nghiệp hoạt động từ 6h đến 21h, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là người già và trẻ em (Ảnh: Doãn Công).

Ngày 8/5/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Bất động sản Bông Hồng đầu tư dự án nhà ở xã hội Bông Hồng tại khu đất Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng.

Tuy nhiên, đến nay xí nghiệp vẫn hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, khiến người dân bức xúc phản ánh.

Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng xác nhận, nhiều năm trước người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Bông Hồng, UBND phường đã kiểm tra, yêu cầu xí nghiệp khắc phục những tồn tại trong quá trình sản xuất chế biến lâm sản, đến nay chưa nghe người dân phản ánh lại.

Dân bị tra tấn bởi tiếng ồn, chủ tịch phường cho là bình thường - 4

Khu nhà xưởng xuống cấp, bụi bám đầy (Ảnh: Doãn Công).

"Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm việc với lãnh đạo xí nghiệp. Tuy nhiên, muốn xác định có ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, khói bụi hay không thì phải mắt thấy, tai nghe và có quy chuẩn chứ không hẳn dân phản ánh là đúng", ông Thiện nói.

Ông Thiện cũng cho rằng xí nghiệp có trước, ngày xưa dân không ai ở, sau đó dân lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái phép và xây dựng nhà cửa. Để giải quyết hậu quả, thành phố quy hoạch cho tồn tại khu dân cư. Còn người dân ở đây đã quen với tiếng ồn và đó là chuyện bình thường.

Còn theo công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường phường Ghềnh Ráng, do vướng thủ tục liên quan đấu giá nên xí nghiệp này chưa di dời theo kế hoạch. Tuy nhiên, theo chủ trương di dời, xí nghiệp đã chuyển một phần xưởng đi nơi khác nên hoạt động sản xuất cũng cầm chừng.

Video: Doãn Công