Đắk Nông: Hàng chục công trình nước sạch “hóa” sắt vụn nhưng không thể xử lý hình sự!
(Dân trí) - Trong 15 năm, gần 260 công trình nước sạch được đầu tư xây dựng ở tỉnh nghèo Đắk Nông, tuy nhiên hơn 1 nửa trong số này bỏ không, thậm chí không còn khả năng khắc phục do hư hỏng hoàn toàn. Hàng trăm tỷ nằm phơi nắng, phơi mưa nhưng theo cơ quan chức năng không xử lý hình sự vì không phát hiện vi phạm.
Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004- 2018, toàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư xây dựng 258 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó có 245 công trình xác định được tổng mức đầu tư là hơn 374 tỷ đồng, 13 công trình không xác định được tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, cũng theo kết luận này, quá nửa trong số đó không hoạt động. Trong tổng số 155 công trình không hoạt động thì có 98 công trình bị hư hỏng nhưng có khả năng khắc phục; 56 công trình, trị giá hơn 47 tỷ đồng hư hỏng hoàn toàn; 1 công trình hư hỏng hoàn toàn nhưng không xác định được tổng mức đầu tư.
Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định, có 90 công trình được chủ đầu tư bàn giao cho UBND các huyện, thị xã, trong đó hơn 71,11% bị hư hỏng, ngừng hoạt động. Để xảy ra tình trạng trên là do chủ đầu tư và đơn vị được giao quản lý vận hành buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng các công trình bị hư hỏng, không hoạt động, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở NN-PTNT tiến hành thống kê, đánh giá các công trình nước sinh hoạt nông thôn nhằm có giải pháp xử lý đối với từng loại công trình. Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông xử lý kỷ luật các chủ đầu tư liên quan đến dự án.
Ông Lê Sỹ Tuân, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Nông, hiện tại các đơn vị đang tập trung khắc phục những tồn tại, khuyết điểm mà Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ ra. Do chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch bị bỏ hoang trên địa bàn nên Thanh tra tỉnh không chuyển hồ sơ đến Cơ quan Công an.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông tổng kết đánh giá lại hiệu quả của các công trình cấp nước. Đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo trước 30/5.
Cuối tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung Thơ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, trong số các công trình nước sạch tập trung ngưng hoạt động, có 66 công trình đề nghị thanh lý, 107 công trình đề nghị nâng cấp sửa chữa phải tốn thêm nhiều kinh phí.
“Chúng tôi đã có báo cáo gửi các địa phương, rà soát và đánh giá lại hiện trạng các công trình cấp nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh. Những nơi hỏng nặng, người dân không có nhu cầu thì kiến nghị thanh lý bán phế liệu, tức bán sắt vụn, vừa đỡ gây lãng phí, vừa đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Thơ cho hay.
Trước đó, Dân trí đã phản ánh về tình trạng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông không phát huy hiệu quả thậm chí dừng hoạt động, bỏ không. Tình trạng trên kéo dài, trong khi người dân nhiều nơi thiếu nước sạch để sinh hoạt đã khiến nhiều người bức xúc vì sự lãng phí của các công trình.
Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đánh giá, nguyên nhân của việc xuống cấp của các công trình là do lỗi quy trình ngay từ khi tiến hành đầu tư, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, công tác tổ chức quản lý, vận hành còn nhiều bất cập.
Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án, do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm thực trạng này”.
Ông Trần Thanh Long, Phó Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông từng đánh giá, hàng trăm tỷ đồng ngân sách đầu tư không phát huy hiệu quả, trong khi đó đời sống của nhân dân vẫn không được cải thiện. Cái mất lớn nhất ở các công trình nước sinh hoạt tập trung là người dân mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương, với các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đặng Dương