1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

Bản nghèo nhất tỉnh ngậm ngùi nhìn 2 công trình tiền tỷ bỏ hoang

(Dân trí) - Vừa đi vào sử dụng được một tuần, hai công trình nước sạch trị giá hơn 6 tỷ đồng đã phải đóng cửa. 7 năm trôi qua, công trình trở thành “bãi tập kết” của những con nghiện, trong khi người dân của hai bản hàng ngày phải sử dụng nguồn nước từ khe suối, hốc đá để sinh hoạt, ăn uống.

Tháng 3/2009, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt dự án “ổn định dân di cư tự do” ở tiểu khu 1541 thuộc xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông). Dự án do Phòng NN &PTNT huyện Tuy Đức làm đại diện chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục thiết yếu là đường giao thông, công trình nước sạch, điện thắp sáng... Trong đó riêng công trình nước sạch được đặt tại hai bản Đoàn Kết và Tân Lập có giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Theo UBND xã Đắk Ngo, hai bản Đoàn Kết và Tân Lập là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông với khoảng 500 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo của hai bản này khoảng 90%, là hai bản nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông.

Công trình nước sạch bản Đoàn Kết bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm là nơi tập kết của các con nghiện
Công trình nước sạch bản Đoàn Kết bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm là nơi tập kết của các con nghiện

Điều đáng nói là mặc dù dự án “ổn định dân di cư tự do” được triển khai đã 7 năm qua, nhưng đến nay, bà con ở đây vẫn chưa được sử dụng nguồn nước từ hai công trình nước sạch. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đào giếng hoặc lấy nước ngoài suối, khe nước từ trên núi về sử dụng.

Anh Hoàng Văn Cần (Bí thư chi bộ bản Đoàn Kết) cho biết, cuối năm 2011 công trình được đưa vào sử dụng, tuy nhiên chỉ 1 tuần sau là phải dừng hoạt động do nước nhiễm phèn.

Hiện nay, tất cả các hạng mục tại công trình này đều xuống cấp, bên trong bể chứa nước trở thành nơi bỏ rác và phế thải sinh hoạt. Đặc biệt, sáng sớm và chiều tối, khu vực này trở thành bãi tập kết của các con nghiện từ nhiều địa phương đến đây sử dụng ma túy.

Những ống nước nằm lộ thiên, bị xe cày cán nát
Những ống nước nằm lộ thiên, bị xe cày cán nát

“Sau một thời gian không có nước, đường ống và đồng hồ nước đều bị phá bỏ hoặc thất lạc. Nhiều đoạn ống nằm lộ thiên bị xe công nông đè dập nát, trong khi đó cả bản hiện chỉ còn duy nhất một chiếc đồng hồ nước nằm giữa sân của một hộ gia đình”, anh Cần cho hay.

Chiếc đồng hồ nước duy nhất còn sót lại nằm trơ trọi trên nền đất
Chiếc đồng hồ nước duy nhất còn sót lại nằm trơ trọi trên nền đất

Trưởng bản Đoàn Kết Tráng A Dơ thông tin, công trình nước sạch cung cấp nước cho bà con nhưng không sử dụng được vì bị nhiễm phèn nặng. Nếu dùng nước này nấu cơm thì sẽ có một lớp màu vàng trên bề mặt, tắm rửa thì nhớp nháp khó chịu.

“Khi người dân thông báo nước nhiễm phèn, trên huyện có lắp hai bình lọc và xây dựng thêm một bể lọc nhưng bể này không phát huy tác dụng. Sau đợt đó, toàn bộ công trình dừng hoạt động, nằm phơi nắng phơi sương mấy năm nay. Người dân chỉ sử dụng nước một lần duy nhất nên thành thử cứ vào mùa khô hàng năm phải đi lấy nước từ khe suối hoặc xin nước từ nhà có giếng khơi để sử dụng”, trưởng bản Đoàn Kết nói.

Trong khi đó, một người dân bản này bức xúc cho biết thêm: “Người ta yêu cầu chúng tôi đóng tiền điện thì mới được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên nước thì nhiễm phèn, chúng tôi mua về cũng đổ đi thì sao lại phải đóng tiền?”.

Tương tự tại bản Tân Lập, công trình cũng rơi vào cảnh hoang tàn
Tương tự tại bản Tân Lập, công trình cũng rơi vào cảnh hoang tàn

Tương tự, công trình nước sạch tại bản Tân Lập, cách bản Đoàn Kết khoảng 5km cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Theo ghi nhận của PV, tại công trình cấp nước sinh hoạt này cỏ dại mọc um tùm, bể chứa nước toàn rác và cây cỏ; nền bê tông bong tróc, nứt nẻ, ống dẫn nước bằng sắt hoen gỉ, cửa bị tháo rời nằm ngổn ngang trên lối ra vào…

Đặc biệt, giếng nước khoan nằm cách đó khoảng 100m nhiều năm nay chỉ được sử dụng để cung cấp nước cho Trường tiểu học Kim Đồng B, toàn bộ người dân sống quanh khu vực này không được sử dụng nước từ giếng.

Ông Phan Văn Tùy (ngụ bản Tân Lập) cho biết: “Khi chưa có công trình nước sạch này, quanh năm chúng tôi phải sử dụng nước từ các dòng sông, khe suối nhưng nguồn nước này thường rất đục và mất vệ sinh. Ngày công trình được xây dựng, chúng tôi vui mừng nghĩ rằng sẽ không còn phải lo thiếu nước nữa. Thế vậy mà chỉ chưa tròn một tháng, công trình ngưng hoạt động, vừa gây lãng phí, bà con lại phải đi kiếm nước sạch về dùng”.

Hai công trình tiền tỷ bỏ hoang, trong khi người dân hai bản nghèo nhất tỉnh Đắk Nông chưa có nước sạch để sử dụng
Hai công trình tiền tỷ bỏ hoang, trong khi người dân hai bản nghèo nhất tỉnh Đắk Nông chưa có nước sạch để sử dụng

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo xác nhận đúng là hai công trình nước sạch trên bị bỏ hoang nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này công trình vẫn chưa được xã tiếp nhận. Lý giải về việc này, ông Công cho biết: “Mấy năm trước, đơn vị thi công có bàn giao cho xã, tuy nhiên do hai công trình không đảm bảo chất lượng nên xã không thể tiếp nhận để sử dụng”.

Theo UBND huyện Tuy Đức, hiện tại hai công trình trên đã hư hỏng và ngưng hoạt động nhiều năm nay. Tổng số vốn đầu tư của hai công trình này là trên 6,2 tỷ đồng.

Khi đưa vào sử dụng, sau một thời gian công trình ngừng hoạt động do người dân trong bản không chịu đóng tiền điện cho Công ty Điện lực Đắk Nông nên công ty cắt điện. Phần khác do chất lượng nước công trình chưa đảm bảo, nước lấy từ công trình nước sạch tại bản Đoàn Kết khi nấu cơm, cơm bị vàng và có mùi nên người dân không sử dụng dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Dương Phong