Đại học VN nên đẩy mạnh cải cách theo hướng nào?

Đọc bài “Đại học VN lạc hậu do đâu?”, tôi phần nào chia sẻ với sự trăn trở của tác giả, nhưng muốn chính xác hóa một số thông tin và tham gia ý kiến về phương hướng và nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách.

Tôi nhận thấy Đại học ở Việt Nam đã bước đầu cải cách theo hướng chung của thế giới, tuy nhiên còn một số mặt chưa theo kịp, do đó chất lượng còn hạn chế và cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa.

 

Thuật ngữ Black Board được tác giả dùng trong bài viết nói trên thực chất là một phần mềm E-Learning Quản lý học trên Web (web-based learning management system) tương tự như các phần mềm như Moodle, WebCT (đã được Black Board mua lại) được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở đào tạo, trong đó có các trường đại học ở Úc. Hiện ở VN một số trường đại học cũng đã đưa vào sử dụng Moodle được khỏang 5 năm nay như khoa QTKD & DL, Đại học Hà Nội http://web.hanu.vn/fmt/. Đơn giản bởi nếu dùng WebCT/ Black Board thì quá tốn phí bản quyền còn Moodle tuy kém hơn nhưng miễn phí. Hiện các CSĐT VN được khuyến khích và đã áp dụng phần mềm này.

 

Việc học đại học ở các nước thường chia làm 2 phần: 1. Lecture (giảng ở hội trường lớn nhiều sinh viên, thiên về lý thuyết) và 2. Tutorial (theo nhóm tối đa 20 sinh viên, làm bài tập, giải đáp thắc mắc làm rõ các ý trong phần lecture đã giảng). Mô hình này tuy tốn giáo viên vì cần giảng viên (Lecturer) giảng lecture và các trợ giảng (Tutor) cho các tutorial, một số đại học ở VN đã bắt đầu triển khai. Đại học Hà Nội là một ví dụ. Ở đây học sinh học bằng tiếng Anh, theo phương pháp tiên tiến Lecture trên giảng đường lớn, học Tutorial theo nhóm với nhiều bài tập và tình huống sát thực tế, sách của nước ngoài, bài giảng powerpoint có thể tài về trên mạng của khoa, phòng học máy lạnh, máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh và micro không dây, sinh viên học nghiệp vụ bằng tiếng Anh, tất cả với mức học phí phù hợp với điều kiện Việt Nam theo đúng quy định đối với trường công. Đại học tư thục Hoa Sen cũng là một ví dụ tốt với mức học phí khoảng 600.000/ tháng (?). Như vậy có thể thấy là VN đã áp dụng được và khá tốt kinh nghiệm của nước ngòai tùy điều kiện và hoàn cảnh từng trường. Chất lượng đào tạo được phán ánh rất rõ khi hầu hết sinh viên tốt nghiệp những trường này đều tìm được việc làm. Vấn đề mấu chốt là lãnh đạo hai trường này có chính sách thu hút giảng viên giỏi, tâm huyết và tạo môi trường làm việc tốt để các giảng viên hầu hết tốt nghiệp ở nước ngoài phát huy sức sáng tạo và đóng góp của mình.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bài viết của bạn Hoàng có nhiều thông tin ở phần cuối không trực tiếp liên quan đến tiêu đề bài viết nhưng thể hiện sự trăn trở đối với chất lượng học và mong muốn nhận được những đóng góp chia sẻ của độc giả để tìm ra giải pháp. Cá nhân tôi luôn mong muốn các bạn trẻ có điều kiện học tập và làm việc ở nước ngoài để mở mang kiến thức cho bản thân và đóng góp cho đất nước khi điều kiện cho phép. Và Úc quả là sự lựa chọn tuyệt vời, một đất nước không chi có nền giáo dục tốt mà còn thanh bình, xinh đẹp, khí hậu trong lành và mến khách.

 

Tuy nhiên đối với những bạn chưa có điều kiện về kinh tế (trung bình chi phí học và sinh hoạt ở Úc khoảng A$1.600 - 2.000/ tháng) và hạn chế về ngoại ngữ vẫn có thể tìm cho mình một con đường đi riêng, đó là học các chương trình đào tạo tiên tiến trong nước. Tôi được biết, hiện VN đang khuyến khích và hỗ trợ bằng kinh phí việc liên kết đào tạo giữa CSĐT VN và các CSĐT nước ngoài thuộc top 200.

 

Cá nhân tôi cho rằng chất lượng đào tạo đại học VN thấp do các nguyên nhân sau:

 

1. Thiếu nguồn đầu tư. Tài chính tốt có thể mua sắm trang thiết bị, giáo trình tốt của nước ngoài, trả lương cao cho giảng viên giỏi (cả giảng viên quốc tế như trường ĐH Tư thục Hoa Sen đang làm).

 

2. Quản lý chưa tốt. Người lãnh đạo, quản lý trường cần có tâm, tầm và năng lực tốt. Đó sẽ là người dẫn dắt, tạo môi trường làm việc tốt và có quy chế phát huy tối đa sức sáng tạo của giảng viên/ nghiên cứu/ cán bộ quản lý để có thể làm nghiên cứu, xây dựng dự án, tư vấn, giảng dạy …đảm bảo thu nhập cho cán bộ trường.

 

3. Cơ chế: VN cần có cơ chế và lộ trình cải cách rõ ràng để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường tự chủ. Về mặt dài hạn, VN cần có chiến lược giáo dục. Vấn đề này xin được trao đổi ở bài viết khác.

 

Từ đó tôi xin đóng góp một vài ý:

 

- Cần trao chế độ tự chủ tài chính mạnh hơn nữa cho các trường để các trường chủ động nâng cao chất lượng (tuyển giáo viên giỏi, thiết bị tốt, hệ thống quản lý đào tạo, giáo trình...) vì không thể đòi hỏi chất lượng tốt với học phí thấp. Mô hình ĐH TT Hoa Sen là một ví dụ có thể tham khảo.

 

- Rút ngắn thời gian học đại học cho các ngành xã hội nhân văn, kinh tế, luật ... xuống 3 năm và các ngành kỹ thuật 3.5-4 năm. Việc này các nước trong khu vực như Singapore đã làm cách ta hàng chục năm sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Hệ thống học theo tín chỉ sẽ là chìa khóa giúp giải bài toán này.

 

- Xây dựng các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và tác phong nghề nghiệp. Hiện Tổng cục dạy nghề đã và đang triển khai xây dựng chuẩn nghề quốc gia cho hàng trăm nghề đào tạo tại các trường nghề và cao đẳng nghề, tuy nhiên kết quả chưa được công bố rộng và chưa mang tính áp dụng bắt buộc.

 

- Đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý đào tạo và thông tin thư viện. Bước đầu có thể sử dụng Moodle để quản lý đào tạo trên nền Web. Việc này có thể tham khảo Đại học Hà Nội và nhân rộng mô hình.

 

- Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ bằng tài chính và cơ chế việc liên kết và hợp tác đào tạo tại chỗ và liên thông với các CSĐT quốc tế.

 

Trên đây là vài chia sẻ và góp ý, mong Diễn đàn Dân trí mãi là người bạn cởi mở và chân thành của tất cả những ai muốn chung tay góp sức nâng cao dân trí Việt Nam.

                              Andrew Le

                  hrdtourism@gmail.com

 

LTS Dân trí - Là một trí thức đang sinh sống ở nước ngoài, tác giả bài viết trên đây vẫn dành tâm huyết để theo dõi những bước tiến bộ của giáo dục đại học trong nước và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học theo xu thế chung của thế giới.

 

Chúng tôi nghĩ rằng những thông tin và ý kiến đóng góp của tác giả  không chỉ là những gợi ý đáng tham khảo đối với các nhà quản lý và họach định chính sách giáo dục đại học mà còn có ích đối với những học sinh chuẩn bị thi đại học, nhưng không biết chọn trường nào theo học cho bảo đảm chất lượng đào tạo và dựa trên những tiêu chí cơ bản nào về cơ sở vật chất, chương trình và đội ngũ giảng viên cũng như phương pháp đào tạo?