Đại học VN lạc hậu do đâu?

Dù chưa học qua chương trình đại học ở Việt Nam nhưng thông qua những lời "than thở" của bạn bè và đọc báo, tôi cũng có thể thấy những cái khác cơ bản giữa giáo dục đại học trong nước so với đại học ở Úc.

Có lẽ đó cũng là lý do không ít những gia đình chưa giàu có gì vẫn cố gắng chạy vạy thu xếp cho con đi học nước ngoài giống như gia đình tôi. Được học ở Úc, tôi thấy quả thực đáng đồng tiền bát gạo, chỉ cần nhìn vào giáo trình học ở đây và giáo trình học ở Việt Nam đã thấy khác hẳn. Giáo trình ở đây viết bằng tiếng Anh dĩ nhiên khó hiểu hơn tiếng Việt nhiều lắm đối với người Việt, nhưng cách trình bày vô cùng dễ hiểu: các khái niệm bao giò cũng được viết ngoài lề, rồi đưa ra những ví dụ rất thực tế của một công ty, vấn đề đặt ra và cách giải quyết, phần bài tập thì có bài tập lý thuyết nhưng ở dạng thảo luận chứ không phải là chép nguyên văn những gì có sẵn trong sách mà phải tự tìm hiểu thêm, có phần luyện tập riêng, và phần thực hành riêng v.v... rất nhiều bài tập và rất thực tế.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mỗi trường đều có một trang web trong đó có 1 khu vực gọi là Blackboard (bảng đen), trong đó có các môn mà 1 sinh viên học ví dụ như kỳ này học 4 môn nào thì trên Blackboard sẽ có thông tin của 4 môn đó. Giáo viên chủ nhiệm môn sẽ là người trực tiếp soạn ra bài giảng powerpoint cho mỗi tuần và đưa lên Blackboard của tất cả các sinh viên học môn đó. Học trên giảng đường thì có máy chiếu, giáo viên chỉ viết khi nào cần phân tích vấn đề nào đó thôi, sinh viên trước khi lên giảng đường thì in slices từ Blackboard ra đọc trước rồi mang lên giảng đường, nên chỉ cần ghi chép thêm một chút vào chính các slices là đã có được kiến thức chính và rất tổng hợp của cả chương đó rồi.

 

Ghi chép ít đồng nghĩa với việc nghe giảng được nhiều nên cũng hiểu nhiều hơn, về nhà đọc thêm những cuốn giáo trình rất hay đó, làm bài tập và lên lớp tutorial (lớp học thường có khoảng 20 sinh viên). Ở lớp học này, sinh viên đã chuẩn bị sẵn bài tập và nếu có điều gì khó hiểu, thắc mắc có thể trao đổi cùng nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra còn có lớp PASS là một lớp học phụ, không phải môn nào cũng có lớp PASS, chỉ những môn nào nhiều lý thuyết và khó đậu, lớp PASS giống như một lớp học nhóm thêm ngoài giờ nhưng không có giáo viên mà chỉ có 1 cựu học sinh đã học qua và đạt diểm số cao của môn đó làm người hướng dẫn, chia sẻ phương pháp học, kinh nghiệm làm bài, cấu trúc đề kiểm tra,v.v...các sinh viên đến lớp này cũng có thể tùy ý trao đổi ý kiến về vấn đề nào đó trong bộ môn đó.

 

Ngoài ra một số giáo viên chủ nhiệm môn còn đưa ra những giải thưởng nhỏ nhằm khuyến khích sinh viên tìm hiểu và vẫn dụng kiến thức ví dụ như môn kinh tế vĩ mô, đề bài là dựa trên những số liệu về lạm phát, thất nghiệp  v.v... hãy dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Úc vào quý II. Em nghĩ rằng đó là một câu hỏi rất thực tế, chỉ cần chờ đến khi các nhà phân tích thông báo đáp án là biết trong 1500 sinh viên ai là người đoạt giải. Tôi không rõ ở các trường đại học Việt Nam có được chọn ngày giờ học không, nhưng ở trường em thì có, chọn ngày chọn giờ để không tốn thời gian đi lại, có thời gian đi làm thêm, chọn được lớp có giáo viên dạy phù hợp với mình và quan trọng là quen thêm rất nhiều bạn mới, mở rộng được các mối quan hệ vì quen được cả những bạn học những ngành khác nữa.

 

Thêm một điều nữa, học đại học ở Úc chỉ có 3 năm, nhưng tòan bộ chương trình không có một cái gì là không giúp ích cho công việc sau này, có những môn không phải là môn chuyên ngành nhưng học xong mới thấy nó giúp mình hiểu hơn về các tổ chức cơ quan trong thực tế cấu trúc ra sao hoạt động thế nào v.v... Tuyệt nhiên không phải học những môn hoc không thiết thực làm mất đi thời gian vàng ngọc của tuổi trẻ. Trong khi đó học ở đây ngoài 16 đến 20 môn chuyên ngành bọn sinh viên có quyền chọn học thêm 4 đến 8 môn phụ. Thật tuyệt vời bởi mỗi sinh viên thường có chỉ hướng khác nhau, ví dụ như tôi và người bạn đều học chuyên ngành kế toán nhưng tôi còn ấp ủ được làm kinh doanh bởi vậy chọn bộ môn phụ là quản lý kinh doanh vừa và nhỏ, trong bộ môn này gồm 4 môn cơ bản về vấn đề này, còn người bạn lại thích học luật nên đã chọn bộ môn luật để học thêm. Cách chọn môn này cho thấy học đến năm thứ 2, đa số sinh viên đã có những định hướng tương lai của riêng mình rồi, cứ thế mà phấn đấu thôi.

Đó là những cái “được” từ việc du học tại Úc hay một số nước có nền giáo dục tiên tiến. Bây giờ cho phép tôi nêu thêm vài ý kiến. Nếu Việt Nam mình muốn cải cách phương pháp giảng dạy trong đại học nếu cần mua máy móc kỹ thuật như máy chiếu, và đào tạo giáo viên cách sử dụng thì chắc sẽ có người than là “tiền đâu đầu tiên”, tiền mà rót xuống thể nào cũng có tham nhũng, mà cần nhiều tiền lắm vì chưa thấy có nước nào nhỏ như nước ta mà lại nhiều trường đại học cao đẳng đến vậy.

Lại nói về “lãng phí chất xám” và “chảy máu chất xám”. Lãng phí chất xám vì một sinh viên thi được 22-23 điểm đỗ vào một trường đại học cũng tương đối đấy mà sao lại bắt họ học kiểu nhồi nhét đến mức thui chột cả đầu óc đi thế, không lãng phí sao được. Phải thông mình, tiếp thu nhanh nhạy và chăm chỉ lắm mới có thể đỗ đại học với mức điểm như vậy, đến lúc vào học lại biến những người như vậy, thành cỗ máy ghi chép và học thuộc lòng, thật lãng phí quá chừng. Còn chảy máu chất xám thì xin mọi người đừng trách sao lớp trẻ ngày nay đi du học mà không trở về, đất lành chim đậu thôi, thử hỏi nhà nào có chút điều kiện lại không muốn cho con mình đi học nước ngoài và có thể ở lại luôn vừa có điều kiện hành nghề tốt để tiến bộ nhanh vừa được  sống đầy đủ trong môi trường làm việc có nền nếp, có cơ sở hạ tầng tốt. Tất nhiên cha mẹ nào chẳng muốn cho con trở về nước để được gần gũi nhưng không nỡ để con họ phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn phương tiện hành nghề chuyên môn, lại chật vật trong cuộc sống hằng ngày vì đồng lương thấp, không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu.

Tôi thấy rất thông cảm với những bạn sinh viên trong nước, học đại học mà phải dồn sức vào việc ghi chép bài giảng rồi học thuộc lòng thì còn tìm đâu ra sự hứng thú. Phải học qua bốn, năm năm, nhồi nhét vào đầu óc nhiều thứ vô bổ để nhận được tấm bằng, rồi lại phải chạy vạy, đút lót hàng năm trời mới xin được việc làm làng nhàng lương trên dưới 2 triệu đồng chẳng đủ ăn.     

Hệ thống giáo dục đại học như vậy sẽ sản sinh ra những cử nhân kiểu “chép, thuộc” không có kiến thức thực tế, không kinh nghiệm làm việc lại cộng thêm với việc lương không đủ cho những chi phí sinh hoạt thường ngày trong khi giá cả ngày một leo thang. Bởi vậy các ông bố bà mẹ dù nghèo dù biết sẽ vất vả cũng cố gắng “đầu tư” cho tương lai con mình chỉ cốt mong cho nó sau này đủ ăn là được.

Thêm một điều nhỏ nữa thôi, bạn bè tôi Tết vừa qua về thăm nhà đứa nào cũng vui, vui chứ vì được thăm gia đình và được hưởng không khí Tết đặc trưng của quê nhà khác xa với không khí Tết ở nơi đất khách quê người.

Nhưng bên cạnh niềm vui cũng có nỗi buồn vì thấy cuộc sông nước mình còn chậm chạp, lãng phí thời gian vào những công việc không đáng có.

Chúng tôi đã quen với cuộc sông bên này thật khẩn trương, hối hả, hầu như mọi người đều thấy quý thời gian. Sáng ra đố tìm được chỗ nào có tới 2 người đứng túm tụm buôn chuyên đấy, họ chỉ mất 30 giây dừng lại chào hỏi rồi lại mải miết đi. Nhưng mà đừng tưởng họ chỉ biết làm mà chẳng biết chơi, lương của họ trừ đi các chi phí sinh hoạt bao giờ cũng dư ra một khoản để ăn chơi đấy, cho nên họ phải chơi chứ, nhưng làm ra làm, chơi ra chơi, vô cùng đúng giwof và vô cùng nghiêm túc.

Cái gì cũng có cái giá của nó, học ở nước ngoài rất khó, một người có ý thức thì sẽ luôn phấn đấu để được điểm cao, mà như thế thì bài vở ngập đầu, 3 năm trời thì lúc nào cũng như là mỗi năm đều thi vào đại học ở Việt Nam 1 lần vậy. Thức khuya dậy sớm, tranh thủ đi làm thêm cực nhọc với đồng lương rẻ mạt,v.v... để đổi lấy cuộc sống ấm no sau này chứ ai lại mong muôn mình tiếp tục vất vả đâu.

Có giải pháp nào không cho những vấn đề nêu trên? Nếu như bài viết này của tôi một ngày nào đó được Diễn đàn Dân trí đưa lên mạng để cho độc giả đọc tham gia ý kiến  thì tôi rất phấn khởi vì việc làm của mình đã không vô ích. Tôi xin bỏ ngỏ phần giải pháp để các độc giả điền thêm vào. Độc giả là dân chúng, có những em học sinh cấp 3 đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời không biết nên chọn trường đại học nào, nên đi du học hay không, có những bạn sinh viên đang lo lắng vì sắp tốt nghiệp mà con đường sự nghiệp thì mù mờ quá, còn những sinh viên du học đang băn khoăn có nên về nước để làm việc không và những phụ huynh làm việc quần quật tiết kiệm từng đồng cho con đi du học v.v... Họ đều là “người trong cuộc” nên ít nhiều sẽ có ý kiến, giá như có một tổ chức nào đó đứng ra trưng cầu dân ý, nghe những phương pháp cải cách mà nhân dân mong muốn thì tốt biết bao.

                                                Thai Ha Hoang
hoangthaiha90@gmail.com

 

LTS Dân trí - Toàn cầu hóa ngày nay đã trở thành một xu thế tất yếu, cho nên giáo dục nói chung, nhất là giáo dục đại học nếu không muốn trở thành lạc lõng và lạc hậu thì không thể “đứng một mình một chợ”.

Bài viết trên đây của một sinh viên đang du học tại Úc cho thấy sự so sánh khá rõ nét giữa đại học VN với ĐH Úc cũng như ĐH các nước tiên tiến nói chung. Họ đào tạo ĐH chỉ có 3 năm, VN dào tạo 4-5 năm, nhưng chất lượng sinh viên tốt nghiệp lại thua xa họ. Nguyên nhân chính là do chương trình học lạc hậu, không đáp ứng đúng nhu cầu thực tế; cách thức đào tạo theo lối “học vẹt” và thiếu những phương tiện dạy và học. Cách đào tạo này dẫn tới tình trạng lãng phí thời gian đào tạo, nhất là lãng phí chất xám ngay trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường và khó tìm được việc làm sau khi ra trường.

Những mặt yếu kém đó của nền giáo dục ĐH VN cần được khắc phục kịp thời nếu chúng ta không muốn chậm chân bước lên chuyến tầu siêu tốc đưa lòai người tiến nhanh vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ.