Đắk Nông:

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông!

(Dân trí) - (Dân trí)- Đá bazan dạng “cây” được xếp vào diện tài nguyên khoáng sản quý hiếm và chưa cấp phép khai thác cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào ở Đắk Nông. Thế nhưng, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp vẫn “vô tư” khai thác loại đá này bằng cách “núp bóng” đá xây dựng.

Bãi đá lậu, công khai hoạt động ?

Cách trung tâm huyện Đắk Mil chừng 5 km có một mỏ đá Bazan tại thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil). Thời gian qua, mỏ đá này đã bị một số người tổ chức khai thác trái phép với số lượng lớn. Theo người dân địa phương, mỏ đá Bazan ở khu vực này có quy mô, trữ lượng lớn. Đá Bazan dạng “cây” (thường gọi đá cây) ở đây bị khai thác trái phép mỗi ngày khoảng hàng trăm m3.

Cũng theo thông tin mà người dân trong khu vực cung cấp, mỏ đá cây thường xuyên có “nhiều người trông hung hãn” canh giữ, người lạ rất khó tiếp cận được.

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông! - 1

bãi khai thác đá cây trái phép tại xã Đắk Lao

Theo đó, để vào được bãi đá chỉ có một con đường, chủ yếu phục vụ việc vận chuyển đá ra ngoài để tiêu thụ. Cổng chính vào khu vực này chỉ vừa đủ cho một làn xe tải và được che chắn bằng hàng rào tôn rất kín kẽ, không thể quan sát vào bên trong.

Khoảng cuối tháng 1/2019, khi PV có mặt gần mỏ khai thác đá tại thôn 10A, hàng loạt máy móc đang cần mẫn đào bới, múc những hòn đá lớn đưa lên mặt đất. Tiếng máy đào, máy múc ầm ĩ cả một khu vực. Đá cây có đường kính từ 40-60cm, chiều dài từ 2-4m được khai thác rồi chuyển về nhà máy chế biến tại huyện Đắk Song và Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông).

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông! - 2

Đá cây sau khi khai thác được vận chuyển đến nhà máy bằng xe trọng tải

Ông N.V.T., trú thôn 10A cho biết, tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra nhiều năm nay. Trước đây, khi báo tin chính quyền có xuống thực địa, tuy nhiên, không hiểu sao khi có đoàn kiểm tra máy móc được tập kết lên bãi, công nhân nghỉ hết không xử lý được ai, sự việc sau đó tái diễn với quy mô lớn hơn. Hiện nay, việc khai thác đá diễn ra ngày càng rầm rộ nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Theo tìm hiểu, mỏ đá thôn 10A có quy mô hơn 17 ha. Tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Thắng (Đắk Mil) 10,5 ha/17 ha để khai thác đá xây dựng (không phải đá bazan). Những khu vực còn lại đến nay chưa được quy hoạch, chuyển đổi và chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào khai thác.Thế nhưng, hầu như toàn bộ khu vực này đã bị khai thác trái phép vì có trữ lượng đá lớn và mẫu đá đẹp.

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông! - 3

Đá cây được xẻ thành miếng để xuất bản, có giá thành cao

Ông N.M.Q, một người chuyên kinh doanh đá xây dựng trên địa bàn xã Đắk Lao cho biết, trong thời gian qua, có nhiều người chuyên kinh doanh đá cây ở các địa phương khác đã về xã Đắk Lao đặt vấn đề để người dân ở đây khai thác đá trái phép. Họ bỏ toàn bộ chi phí thuê máy móc, thiết bị, nhân công rồi giao cho một số người dân tại địa phương trực tiếp đứng ra tổ chức khai thác đá. Sau đó, họ tổ chức vận chuyển đá đi nơi khác tiêu thụ.

Doanh nghiệp “đua nhau” khai thác đá trái phép

Tương tự tại xã Đắk la, huyện Đắk Mil, mỏ đá Bazan của Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) với quy mô hơn 5 ha, được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá xây dựng vào năm 2013. Mỏ nằm cách trung tâm xã Quảng Trực chừng 30 km, ẩn sâu trong một cánh rừng, có trữ lượng rất lớn, chất lượng đá tốt. Đúng 1 năm trước, mỏ đá này xảy ra sự việc ổ mìn phá đá khiến 4 người thương vong.

Sau một thời gian bị đình chỉ, mỏ đá này tiếp túc hoạt động trở lại. Việc khai thác đá ở đây được tổ chức bài bản, với nhiều xe cộ, máy móc, thiết bị hiện đại nhưng hầu như không để khai thác đá xây dựng. Tại khu vực tập kết đá, có hàng loạt phiến đá cây với kích thước rất lớn được tập kết để chờ vận chuyển đi tiêu thụ…

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông! - 4

Mỏ khai thác đá cây nằm sâu trong rừng của công ty Vượng Phát

Theo ông Nguyễn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát, lâu nay đơn vị chỉ khai thác đá cây chứ chưa khai thác đá xây dựng. Sắp tới, công ty mới đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm tận dụng các loại đá không đủ tiêu chuẩn đá cây để làm đá xây dựng. Ông Dũng cũng thừa nhận, việc khai thác đá cây là không đúng với quy định cấp phép và công ty đã “lách luật”. Đá cây sau khi khai thác được Công ty đưa về nhà máy ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) chế biến thành phẩm hoặc bán cho một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng Phương Nam (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác đá xây dựng vào năm 2013. Tuy nhiên, ngoài việc khai thác đá xây dựng, công ty này vẫn “tranh thủ” khai thác đá cây để tiêu thụ. Theo giải thích của lãnh đạo công ty, quá trình khai thác đá xây dựng, đơn vị chỉ tận thu đá cây và khối lượng không đáng kể.

Trao đổi về tình trạng khai thác đá bazan trái phép tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil thừa nhận, việc khai thác đá trái phép ở thôn 10A đã diễn ra rất phức tạp, với quy mô lớn. Thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện Đắk Mil xử lý, ngăn chặn, nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Đá quý “núp bóng” đá xây dựng đi trái phép từ mỏ đến nhà máy tại Đắk Nông! - 5

Đá cây được tập kết về nhà máy chuẩn bị cắt xẻ

Trong khi đó, ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho biết, địa phương này chưa cấp phép khai thác đá cây. Trong quá trình khai thác đá xây dựng có lẫn đá cây nhưng các đơn vị phải thu gom, sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xác định các loại thuế, phí theo quy định mới được xuất bán. Hiện nay, Sở chưa thể kiểm soát hết việc khai thác, xuất bán trái phép đá cây. Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa tốt nên chưa kiểm soát được.

Lợi nhuận khủng, thất thu khủng?

Việc khai thác khoáng sản như đá Bazan phải đóng thuế tài nguyên là 15%, phí tài nguyên 50.000 đồng/m3. Khi tiêu thụ đá, đơn vị khai thác còn phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Tổng cộng, đơn vị khai thác và tiêu thụ đá Bazan phải chịu 25% thuế và phí môi trường 50.000 đồng/m3. Giá trị của chủng loại đá cây được UBND tỉnh Đắk Nông quy định hiện nay 1,5 triệu đồng/1m3.

Nếu mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 1.000m3 đá cây (trị giá 1,5 tỷ đồng) bị khai thác, tiêu thụ trái phép, Nhà nước sẽ thất thoát khoảng 425 triệu đồng gồm tiền thuế và phí môi trường. Như vậy,mỗi tháng sẽ có khoảng 13 tỷ tiền thuế bị thất thoát.

Đặng Dương