Cưỡng chế, thu hồi đất tại Lào Cai: Chính quyền cấm quay phim, chụp ảnh, luật sư nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, cưỡng chế thu hồi đất của Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng tại huyện Sa Pa (Lào Cai), nhiều sự lạ đã xảy ra như Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký quyết định “chưa phù hợp về thẩm quyền”. Mới đây nhất, quy định cấm quay phim, chụp ảnh trong khu vực cưỡng chế được luật sư nhìn nhận là bất thường.

Trong khi Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng (đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) đang làm các thủ tục khởi kiện hành chính UBND tỉnh Lào Cai và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Lào Cai thì việc ban hành các quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của UBND huyện Sa Pa tiếp tục vấn phải sự phản ứng.

Vụ việc trước đó đã từng khiến dư luận ngạc nhiên khi UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định 1503/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 24/05/2016 về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và quyết định 2223/QĐ-UBND cũng do ông Nguyễn Hữu Thể ký ngày 13/07/2016 về việc thu hồi đất của công ty Hàm Rồng tại dự án khu du lịch sinh thái Hàm Rồng.

Bất ngờ trước quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, công ty Hàm Rồng đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan Trung ương.

Cưỡng chế, thu hồi đất tại Lào Cai: Chính quyền cấm quay phim, chụp ảnh, luật sư nói gì? - 1

Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai do ông Nguyễn Hữu Thể - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký bị thu hồi do chưa phù hợp về thẩm quyền theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai do ông Nguyễn Hữu Thể - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký bị thu hồi do chưa phù hợp về thẩm quyền theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Đến ngày, 31/08/2016, ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã phải ra quyết định 2836/QĐ-UBND để hủy bỏ quyết định 1503/QĐ-UBND vì lý do… thu hồi chưa phù hợp về thẩm quyền theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Mới đây, ngày 29/11/2016 UBND huyện Sapa ban hành quyết định cưỡng chế số 1632/QĐ-UBND và quyết định số 1633/QĐ-UBND về việc ban hành quy định trong khu vực cưỡng chế. Trong đó có nêu: “Nghiêm cấm tất cả mọi người không có phận sự liên quan vào hoặc có mặt trong khu cưỡng chế… không được phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của người trực tiếp chỉ đạo tổ cưỡng chế”

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Luật Hợp danh VIP cho biết: “Không hiểu UBND huyện Sapa căn cứ vào quy định nào mà cấm phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh.


Luật sư Nguyễn Văn Quang: Trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước phải được công khai, minh bạch, vậy tại sao UBND huyện Sapa lại nghiêm cấm ghi âm, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh?.

Luật sư Nguyễn Văn Quang: "Trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước phải được công khai, minh bạch, vậy tại sao UBND huyện Sapa lại nghiêm cấm ghi âm, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh?".

Theo quy định của pháp luật, công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Nếu không thuộc các trường hợp vì bí mật Nhà nước, các khu vực nhạy cảm vì an ninh quốc phòng mà cấm người dân hoặc phóng viên ghi âm, quay phim chụp ảnh là vượt quá nhiệm vụ quyền hạn. Hơn nữa, trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước phải được công khai, minh bạch, vậy tại sao UBND huyện Sapa lại nghiêm cấm?.

Đối với nội dung “muốn ghi âm, quay phim chụp ảnh phải được sự đồng ý của người trực tiếp chỉ đạo tổ cưỡng chế” điều này cũng là một khái niệm phi lý. Theo quy định của Luật báo chí thì nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin, tra cứu tư liệu, viết bài. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan Nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu không thuộc phạm vi trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Nói đúng hơn là nhà báo khi tác nghiệp chỉ phải tuân thủ pháp luật nói chung và Luật báo chí nói riêng mà không phải tuân thủ văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của bất kỳ ngành nào. Không hiểu vì lý do gì mà, UBND huyện Sapa lại ban hành nội dung trên cả các quy định của pháp luật như vậy?”.

Nhận thấy tính cấp thiết, nghiêm trọng từ việc thu hồi dự án của tỉnh Lào Cai, Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có văn bản đề nghị được làm việc với UBND tỉnh Lào Cai. Ngày 2/12/2016, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 1228/UBND-QLĐT do ông Bùi Văn Thìn - Phó Chánh văn phòng ký gửi Tập đoàn Công nghiệp Việt Nam cho biết UBND tỉnh Lào Cai đã nhận được văn bản của tập đoàn đăng ký làm việc với UBND tỉnh Lào Cai và UBND huyện Sa Pa.


Công văn của văn phòng UBND tỉnh Lào Cai hồi âm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Công văn của văn phòng UBND tỉnh Lào Cai hồi âm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Do vào thời gian cuối năm, Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch đi kiểm tra cơ sở và chỉ đạo các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, do đó không tham dự cuộc họp với Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vào ngày 4/12/2016”.

Ông Hứa Ngọc Hiệp - Phó TGĐ tập đoàn cao su VN cho biết: “Chúng tôi mong muốn làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai để làm rõ nguyên nhân vì sao tỉnh không cho làm tuyến đường N1a để thi công dự án nhưng không gặp được. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh Lào Cai xem xét thu hồi lại quyết định cưỡng chế để chờ phán xét của Tòa án”.

Được biết, chiều ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức họp báo công bố quyết định thu hồi dự án KDL Hàm rồng và khẳng định việc thu hồi dự án của chủ đầu tư là đúng theo quy định của pháp luật.

UBND huyện Sapa cũng ra thông báo cưỡng chế thu hồi đất với dự án này vào 8h ngày 13/12/2016.


Khu du lịch Núi Hàm Rồng là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách.

Khu du lịch Núi Hàm Rồng là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách.

Trong khi đó, nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Quang cho biết: “Khi tòa án tỉnh Lào Cai đang thụ lý vụ doanh nghiệp khởi kiện quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh ban hành thì quyết định hành chính này chưa có hiệu lực. Do vậy, chưa thể cưỡng chế thực hiện một quyết định hành chính chưa có đầy đủ hiệu lực pháp luật.

Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án theo Luật tố tụng hành chính. Có nhiều quyết định của UBND các cấp ban hành sai quy định, Tòa án tuyên hủy. Trong trường hợp mà UBND các cấp làm sai thì đã có Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định rất rõ về bồi thường, kỷ luật, cách chức. Trong trường hợp công ty Hàm Rồng đang khởi kiện 2 quyết định của UBND tỉnh Lào Cai và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai thì cần chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án tỉnh Lào Cai bằng một bản án có hiệu lực thì mới thực hiện quyết định hành chính”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế