Bài 1:

Cuốn sổ đỏ "kỳ quái" tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ!

(Dân trí) - Ao bà Ba Tạ tại thôn Cao Lý, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc (Hải Dương) là một ao công của cả cộng đồng dân cư suốt cả nửa thế kỷ. Đầu năm 2019, một phần ao bất ngờ bị san lấp, ngày đêm đổ móng kiên cố trước sự sững sờ của dân làng. Kinh ngạc hơn là cả một diện tích mặt ao công rộng lớn đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ từ bao giờ.

Chính quyền xẻ mặt nước ao công cấp sổ đỏ, người dân “tròn mắt” kinh ngạc

Báo Dân trí nhận được Đơn phản ánh của ông Phạm Văn Lợi (SN 1973), trú tại phường Yên Hoà, Cầu Giấy (Hà Nội), vốn sinh ra tại thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc (Hải Dương).

Trong đơn thư, ông Lợi cho biết: “Trong khoảng thời gian từ ngày 10/2/2019 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), tại địa chỉ ao bà Ba Tạ có hộ gia đình ông Phạm Công Xuân đã thực hiện đóng cọc tre xuống, san lấp đất cát, mở rộng đất đang sử dụng để xây móng kiên cố. Việc này đã thu hẹp diện tích ao công nghiêm trọng do UBND xã Gia Khánh đang quản lý, gây cản trở dòng nước khi điều tiết thuỷ lợi, ứ đọng nước thải ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan hàng xóm, gây bất bình trong cộng đồng dân cư.

Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 1
Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 2

Hiện trạng khu mặt ao công được san lấp và xây móng kiên cố.

 

Điều khiến tôi và bà con nhân dân địa phương bức xúc và kinh ngạc hơn nữa là gia đình ông Xuân cho biết đã được cấp sổ đỏ trên mặt nước ao công này. Vì vậy, tôi đề nghị kiểm tra nguồn gốc đất, các giấy tờ pháp luật có liên quan tới việc sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Phạm Công Xuân”.

Có mặt tại khu ao bà Ba Tạ, PV Dân trí ghi nhận sự bức xúc của nhiều người cao tuổi. Các cụ cao niên cho biết từ khi họ sinh ra và lớn lên, đến bây giờ đã cả nửa thế kỷ ao công này vẫn là ao chung của cả làng. Thế mà không hiểu sao các cấp chính quyền địa phương lại cấp sổ đỏ trên mặt nước từ bao giờ. Nhân dân không hề hay biết, không được trao đổi ý kiến và thậm chí không được thông báo. Khu vực ao bị san lấp có vị trí đắc địa, khi trở thành đất thổ cư có sổ đỏ trị giá hàng trăm triệu đồng. Như vậy, không chỉ cộng đồng dân cư mất ao làng, nhà nước bị thất thu ngân sách, số lợi nhuận phi pháp này đã vào túi ai?

Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 3
Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 4

Các cụ cao niên và nhân dân ngỡ ngàng phẫn nộ khi biết mặt ao công của làng đã được cấp sổ đỏ cho một hộ gia đình.

Mặt nước ao bèo cũng thành sổ đỏ, chính quyền nhận sai

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Gia Khánh.

Ông Quân cho biết: Thửa đất số 463B, tờ bản đồ số 3 có diện tích 332 m2 (ao bà Ba Tạ) mang tên ông Phạm Công Bền là người được UBND huyện cấp sổ đỏ ngày 6/8/2008 do ông Phạm Thế An, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc ký. Hiện tại ông Phạm Công Xuân (con trai ông Bền) đang sử dụng tiến hành xây dựng.

Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 5

Ông Phạm Thế An, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc là người đã ký cấp cuốn sổ đỏ "kỳ quái" này.

 

Về việc người dân địa phương phản ánh phần ao này vẫn là mặt nước ao bèo, tại sao chính quyền địa phương lại cấp sổ đỏ như vậy, ông Quân thừa nhận nếu ở thời điểm hiện tại ông không bao giờ làm như các bậc tiền nhiệm. Bởi muốn cấp sổ đỏ cho đất công thì phải thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật như điều chỉnh quy hoạch, đấu giá…

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng việc sai thì cũng đã sai rồi. Khi có đơn thư phản ánh của người dân, ông Quân cùng cán bộ Phòng TN&MT huyện Gia Lộc đã xuống gia đình ông Xuân yêu cầu tạm đình chỉ thi công bằng… miệng.

Bày tỏ sự bất bình, ông Phạm Văn Lợi cho biết: Là người con xa quê hương, khi trở về tôi vừa bức xúc vừa đau xót trước hiện trạng cả mảnh ao làng bị cắt xén, tàn phá và trục lợi. Khi tôi làm đơn yêu cầu chính quyền làm rõ và xử lý thì chỉ nhận được sự né tránh, im lặng. Vì vậy, tôi đã làm đơn phản ánh các nội dung này đến trực tiếp Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Bí thư huyện uỷ huyện Gia Lộc, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc…

Cuốn sổ đỏ kỳ quái tại Hải Dương khiến cả người xa quê và các bô lão phẫn nộ! - 6

Chủ tịch UBND xã Gia Khánh thẳng thắn cho biết muốn cấp sổ đỏ cho đất công thì phải thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật như điều chỉnh quy hoạch, đấu giá…

Để làm rõ sự việc, trách nhiệm cán bộ liên quan và hướng xử lý có hay không thu hồi sổ đỏ cấp trái luật trả lại ao công cho cộng đồng dân cư, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, ngày 1/4/2019, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lộc, trao đổi các nội dung thông tin đề nghị được phối hợp cung cấp. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, Báo Dân trí vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND huyện Gia Lộc.

Báo Dân trí kính đề nghị Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, Huyện uỷ - UBND huyện Gia Lộc khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ sai phạm để xử lý nghiêm minh, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước và gây bức xúc kéo dài trong nhân dân địa phương về việc xẻ mặt nước ao công cấp sổ đỏ tại ao bà Ba Tạ thuộc xã Gia Khánh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế