Cục thi hành án tỉnh Sóc Trăng bị “tố” thi hành vượt quá giới hạn của bản án!
(Dân trí) - Người bác ruột xuất cảnh đi định cư ở Mỹ, gửi nhà cho vợ chồng người cháu trông giữ. Đến khi xảy ra tranh chấp, cơ quan thi hành án dân sự Sóc Trăng lại phát mãi bán luôn căn nhà khác của người cháu, khiến người dân rất bức xúc.
Theo trình bày của ông Trang Trung Hiếu (51 tuổi, ngụ phường 1, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng): Bác ruột của ông Hiếu là ông Trang Tín và vợ Phạm Thị Tiên có một căn nhà hiện nay là số 75, đường 3/2 (gọi là nhà số 75, phường 1, TP Sóc Trăng). Còn cha mẹ ông Hiếu có căn nhà hẻm 45, đường Nguyễn Văn Trỗi (gọi là nhà hẻm 45, phường 1, TP Sóc Trăng), hướng quay lưng lại với nhà ông Tín. Giữa 2 nhà có một đường thoát nước chung. Nhà của ông Tín được xây dựng kiên cố, còn nhà cha mẹ ông Hiếu làm bằng gỗ.
Năm 1981, vợ chồng ông Trang Tín đi định cư tại Mỹ. Trước khi đi, ngày 3/12/1981, ông Tín lập hợp đồng bán căn nhà số 75 cho người em họ là ông Trang Ứng Thinh (cha ông Hiếu). Cấu trúc căn nhà được ghi rõ trong hợp đồng là 2 lầu, ngang 4m, dài 17m. Trong hợp đồng không có căn nhà gỗ phía sau, ngang 4m, dài 9,5m (nhà hẻm 45).
Năm 1990, vợ chồng ông Thinh xuất cảnh, lập ủy quyền căn nhà số 75 cho vợ chồng ông Hiếu sở hữu đến nay. Năm 1995, khi về Việt Nam, vợ chồng ông Tín cùng vợ chồng ông Thinh và người đang sử dụng căn nhà là ông Hiếu đã lập Giấy xác nhận về tình trạng nguồn gốc của căn nhà số 75 (gọi là Giấy xác lập 1995, có công chứng nhà nước) và lời hứa danh dự về số tiền bán căn nhà, với nội dung: Các bên xác nhận về tình trạng của căn nhà số 75, giá không đồng (không trả tiền mua nhà) để ông Tín được cấp chứng chỉ không có bất động sản nhằm được phép xuất cảnh.
Văn bản trên còn giao kết về các hướng giải quyết nếu ông Tín trở về là bán nhà chia 50/50 cho người đang sử dụng.
Sau khi vợ mất, ngày 16/12/2008, ông Trang Tín (ủy quyền cho ông Trương Hoài Phúc) khởi kiện, yêu cầu ông Hiếu phải trả lại nhà số 75 nói trên cho ông Tín.
Tháng 3/2011, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tín, buộc vợ chồng ông Hiếu có trách nhiệm di dời tài sản để trả cho ông Tín căn nhà số 75. Điều trái khoáy là bản án tuyên nhà số 75 gồm nhà trước 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu và nhà trệt nối liền phía sau (nhà hẻm 45).
Ông Trang Trung Hiếu bức xúc: “Căn nhà hẻm 45 do cha mẹ tôi mua, là nhà riêng của cha mẹ để lại cho tôi, tôi trực tiếp đóng thuế và hoàn toàn tách rời với nhà số 75 của ông Tín. Vậy mà, tòa lại cho rằng đó là nhà của ông Tín, buộc tôi phải trả lại. Trong khi đó, hồ sơ căn nhà số 75 của ông Tín đều thể hiện nhà 2 tầng lầu, ngang 4m, dài 17m. Hợp đồng mua bán nhà được lập ngày 3/12/1981 có xác nhận của chính quyền địa phương cũng thể hiện rõ như vậy”.
Quá bức xúc, vợ chồng ông Hiếu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 18/7/2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xử phúc thẩm, tuyên công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc “xác định nhà số 75 thuộc sở hữu của vợ chồng ông Tín (thường trú tại Hoa Kỳ). Ông Tín giao cho vợ chồng ông Hiếu quản lý căn nhà trên theo Giấy xác nhận 1995.
Sau khi có quyết định của cấp phúc thẩm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện việc thi hành án nhưng lại kê biên luôn căn nhà hẻm 45 để bán đấu giá, khiến cho ông Hiếu cũng như người dân địa phương bức xúc vì “thi hành án đã vượt quá giới hạn của bản án, tài liệu chứng cứ của vụ án”.
Giấy xác lập năm 1995, nêu rõ căn nhà số 75 chỉ có ngang 4m, dài 17m. Không có căn nhà hẻm 45.
Theo ông Trang Trung Hiếu, liên quan đến vụ án còn có tờ di chúc lập ngày 26/7/2006 có nội dung vợ chồng ông Tín giao quyền thừa kế căn nhà số 75 cho 3 người con. Theo ông Hiếu, bản di chúc này là “giả mạo” vì về hình thức, di chúc đánh máy, do người già không tự viết, không được công chứng, chứng thực; chữ ký trên di chúc của vợ chồng ông Tín không trùng khớp với chữ ký trong hợp đồng bán nhà và chữ ký tại Phòng Công chứng Nhà nước ngày 23/1/1995. Hơn nữa, nhân chứng là 2 người đều cư ngụ tại phường 8, TP Sóc Trăng; còn người lập di chúc là vợ chồng ông Trang Tín là người nước ngoài.
“Vợ ông Tín đã chết ngày 9/12/2007 tại Hoa Kỳ, trước khi TAND tỉnh Sóc Trăng thụ lý vụ kiện. Trong suốt quá trình tố tụng dân sự và thi hành án, không hề có văn bản các thừa kế của bà Tiên. Khi ông Tín chết, di sản nếu có của 2 ông bà phải do các thừa kế của họ định đoạt. Vợ chồng tôi không thể giải quyết thi hành án với người không có tư cách đại diện trong giai đoạn thi hành án này, vì bản di chúc ngày 26/7/2006 là giả mạo”, ông Hiếu chia sẻ.
Bản di chúc mà ông Hiếu cho là "giả mạo"
Theo Luật sư Hoàng Văn Quyết, bản án số 182/2011/DS-PT ngày 18/7/2011 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM, đã thay thế bản án sơ thẩm số 01/2011/DSST ngày 18/7/2011 của TAND tỉnh Sóc Trăng, nội dung: “Xác định nhà số 75 thuộc sở hữu của vợ chồng ông Trang Tín (thường trú tại Hoa Kỳ). Ông Tín giao cho vợ chồng ông Hiếu quản lý căn nhà trên theo Giấy xác nhận 1995”.
Trong nội dung Giấy xác nhận 1995 trùng khớp các tài liệu chứng cứ sau: Tờ Hợp đồng bán nhà ngày 3/12/1981, phần chỉ định căn nhà ghi rất rõ: Nguyên tôi (Tín) có làm chủ căn nhà số 75, 2 tầng lầu, ngang 4m, dài 17m, mua ngày 19/5/1956; Báo cáo v/v xác minh xin ủy quyền, căn nhà số 75 của Công ty Quản lý công trình đô thị thị xã Sóc Trăng; Biên lai nộp thuế; Giấy mượn nhà ngày 3/12/1981; Giấy ủy quyền nhà ngày 13/2/1990;… đều thể hiện rõ căn nhà số 75 có cấu trúc 2 lầu, 4m, dài 17m, do ông Tín mua vào ngày 19/5/1956. Hoàn toàn không có căn nhà hẻm 45.
Trong bản án, quyết định của tòa phúc thẩm, cũng như các tài liệu nói trên hoàn toàn không có dòng, câu chữ nào ghi có phần nhà hẻm 45 (nhà và đất), ngang 4m, dài 9,5m; có con mương thoát nước công cộng ngăn cách với nhà số 75. Vì vậy, việc kê biên căn nhà hẻm 45 là không đúng.
Hơn nữa, các quyết định thi hành án cũng không đồng nhất. Cụ thể, Quyết định thi hành án ngày 3/11/2011 thể hiện thi hành nhà số 75, Quyết định kê biên ngày 21/2/2012, Biên bản kê biên ngày 29/2/2012 không có nhà hẻm 45. Tuy nhiên, Quyết định ngày 19/12/2016 và Biên bản kê biên ngày 26/12/2016 lại có phần nhà hẻm 45 .
Hợp đồng mua bán nhà cũng thể hiện nhà số 75, ngang 4m, dài 17m.
Theo ông Trang Trung Hiếu, khi ông khiếu nại, Viện KSND Tối cao có văn bản nhưng “cùng một vụ việc, 2 kết luận phủ định nhau”. Cụ thể, tại bản kết luận số 132/KL-VKSTC ngày 21/11/2017 có nội dung: Bản án phúc thẩm số 182 đã tuyên xác định nhà số 75 thuộc sở hữu của vợ chồng ông Tín (thường trú tại Hoa Kỳ). Ông Tín giao cho vợ chồng ông Hiếu quản lý căn nhà trên theo Giấy xác nhận 1995; căn nhà số 75 có diện tích 75,1m2, thửa số 173, tờ bản đồ số 1, có tứ cận cụ thể; căn nhà hẻm 45 có diện tích 37,8m2, thửa số 76, tờ bản đồ số 1, có tứ cận cụ thể, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết luận, vì vậy, chưa có căn cứ xác định căn nhà hẻm 45 là của vợ chồng ông Tín.
Thế nhưng, ngày 8/8/2018, Viện KSND Tối cao lại có Công văn số 3294/VKSTC-V11, có nội dung: Vụ 11 cho rằng qua xem xét thấy tại các nhà có cùng vị trí như nhà số 75 đều được cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung cho 2 thửa (bị chia tách bởi con mương). Từ đó, Công văn 3294 cho rằng: “Căn nhà số 75, thửa số 173 và căn nhà hẻm 45, thuộc thửa số 76 là thuộc sở hữu của vợ chồng ông Tín”.
“Đây là suy diễn vô căn cứ, không thể so sánh nhà đất của mọi người giống nhau một cách tùy tiện như vậy”, ông Hiếu bức xúc.
Ông Hiếu trước căn nhà hẻm 45 là của cha mẹ để lại cho ông. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án khi kê biên nhà số 75 lại kê biên luôn căn nhà để bán phát mãi.
Nhiều người dân ở hẻm 45 chia sẻ: “Bà con ở hẻm 45 này là nhà nghèo, còn những người phía bên nhà số 75 là nhà giàu. Trước đây ranh giới giữa 2 dãy nhà là một đường thoát nước, bây giờ vẫn còn nhưng đã bị bít kín. Chúng tôi theo dõi vụ kiện thấy rất vô lý vì giấy tờ nhà của ông Tín thể hiện rõ là nhà lầu, còn nhà hẻm 45 của ông Hiếu là nhà gỗ. Tại sao cơ quan chức năng không đối chiếu hồ sơ ban đầu của căn nhà số 75 để giải quyết. Bà con chúng tôi thấy không bình thường với các vụ Việt kiều đòi lại tài sản như kiểu này”.
Ông Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Căn nhà số 75 (và nhà kết cấu gỗ phía sau) đã bán đấu giá có người mua với giá hơn 6,696 tỷ đồng. Sau khi người mua nộp đủ tiền, chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao tài sản cho họ. Còn việc ông Hiếu khiếu nại thì thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp”.
“Bản án và tất cả hồ sơ liên quan đều thể hiện tôi trông giữ căn nhà số 75 cho người bác ruột. Căn nhà này bán phát mãi để chia đôi cho vợ chồng tôi và con trai của người bác nhưng cơ quan thi hành án lại phát mãi luôn căn nhà riêng của tôi trong hẻm 45. Việc làm này là trái pháp luật, tôi đã gửi đơn khiếu nại cũng như tố cáo việc thi hành bản án vượt quá giới hạn bản án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đến các cơ quan chức năng ở Trung ương”, ông Hiếu nói.
Bạch Dương