Bài 40:
Cục Di sản văn hóa đề nghị làm rõ tố cáo lấn chiếm đất đình, chùa tại phường Đại Mỗ
(Dân trí) - Liên quan đến việc ông Nguyễn Quý Tiến tố cáo sai phạm của lãnh đạo UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đặc biệt là việc bao che cho hành vi “xén” đất đình, đất chùa, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có công văn gửi Sở VH&TT TP Hà Nội đề nghị xem xét, trả lời công dân.
Theo đó, Cục Di sản văn hóa có Công văn số 350/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết cơ quan này nhận được đơn thư của ông Nguyễn Quý Tiến trú tại số nhà 36 ngõ 117 tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm tiếp tục đề nghị giải quyết một số việc liên quan đến kết luận của ủy ban kiểm tra huyện ủy Từ Liêm, trong đó có nội dung liên quan đến lấn chiếm đất đình Đại Mỗ và đất chùa Thông.
Cục Di sản văn hóa đã chuyển nội dung đơn thư của ông Tiến đến Sở Văn hóa và Thể thao để xem xét và trả lời ông Tiến theo quy định.
Liên quan đến việc “xén” cả di tích Quốc gia là đình Đại Mỗ để xây nhà tầng, Báo Dân trí đã vào cuộc điều tra và có thông tin trước đó.
Đình Đại Mỗ (Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là di tích lịch sử thờ Ả Lã nàng Đê, một vị nữ tướng tài danh của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ba vị Phúc thần của dòng họ Nguyễn Quý (trong đó có danh nhân Nguyễn Quý Đức) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia từ năm 1993.
Đến nay, việc giải quyết dứt điểm vụ viện xâm phạm di tích Đình Đại Mỗ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong đơn kiến nghị gửi tới Báo điện tử Dân trí, người dân địa phương cho biết, trong khuôn viên Đình Đại Mỗ đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1993 (QĐ774 - QĐ/BT), vào đầu năm 2008 đã bất ngờ “mọc” lên công trình xây dựng nhà hai tầng của ông Ngô Như Phú (theo đơn thư trả lời của UBND xã Đại Mỗ).
Sau khi xảy ra vụ việc, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thanh tra và kết luận công trình xây dựng trên là vi phạm Luật Di sản. Sau đó, UBND Huyện Từ Liêm (trước đây) đã ra văn bản huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất mà ông Phú đã xây dựng trên đó.
Tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm cũng đã ra thông báo tháo dỡ công trình vi phạm trên. Bên cạnh đó, còn có nhiều văn bản đôn đốc tháo dỡ công trình vi phạm này của các cơ quan như Cục Di sản, UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ v.v… Tuy nhiên, tới nay, công trình vi phạm nói trên vẫn chưa được tháo dỡ, giải quyết triệt để.
Đặc biệt, theo thông tin từ UBND Phường Đại Mỗ, thực tế, vào năm 2002, ông Ngô Như Phú đã có giấy chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất nêu trên sang cho ông Đinh Quang Vinh và có xác nhận của ông Đỗ Tiến Sơn là Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ vào thời điểm đó.
Đến 2008, gia đình ông Đinh Quang Vinh thi công xây dựng công trình. Tại thời điểm đó, công trình này không có giấy phép xây dựng, xã Đại Mỗ đã lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm đó, ông Đinh Quang Vinh đã xin cấp giấy quyền sử dụng đất và UBND Huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vinh. Tới năm 2014, UBND Huyện Từ Liêm phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vinh là không đúng với quy định của pháp luật và đã ban hành quyết định thu hồi, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đinh Quang Vinh.
Sau đó, ông Vinh đã gửi đơn thư khiếu nại liên quan đến vụ việc trên. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2570/QĐ - UBND ngày 24/5/2016 giải quyết vấn đề này.
Theo đó, tại Báo cáo số 743/BC – STNMT – TTr ngày 05/6/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường và số 168/BC – TTTP (P2) ngày 18/01/2016 của Thanh tra Thành phố đã nêu rất rõ ràng.
Lãnh đạo phường Đại Mỗ nói gì về sự chậm trễ giải quyết vụ việc xâm phạm di tích Đình Đại Mỗ?
Cụ thể, diện tích 256m2 đất tại xã Đại Mỗ, hộ ông Đinh Quang Vinh và bà Phạm Thị Kim Phương đang sử dụng có nguồn gốc là đất ao do UBND xã quản lý. UBND xã Đại Mỗ đã giao trái thẩm quyền cho ông Ngô Như Phú năm 1988. Năm 2002, ông Ngô Như Phú đã chuyển nhượng cho ông Đinh Quang Vinh (việc chuyển nhượng được UBND xã xác nhận).
Đình Đại Mỗ tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm là công trình kiến trúc lịch sử lâu đời, đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (trước đây) có Quyết định số 774QĐ/BT ngày 21/6/1993 công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Theo hồ sơ công nhận di tích, tại Biên bản đề nghị xếp hạng di tích đề ngày 27/10/1992 quy định khu vực bảo vệ di tích có khu vực I gồm 05 thừa đất, diện tích là 8.792,5m2 trong đó có thửa đất số 246 do hộ ông Đinh Quang Vinh đang sử dụng. UBND huyện Từ Liêm (trước đây) chưa tổ chức cắm mốc giới, xây dựng phương án di chuyển nhà ở của các hộ dân trong đó có hộ ông Vinh ra khỏi phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích.
Việc UBND huyện Từ Liêm (trước đây) có Quyết định số 1539/ QĐ – UBND ngày 29/4/2008 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất nêu trên cho ông Đinh Quang Vinh và bà Phạm Thị Kim Phương là không đúng quy định tại điểm f, khoản I, Điều 6 bản quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 23/2005/QĐ – UB ngày 18/02/2005 của UBND TP Hà Nội.
UBND huyện Từ Liêm (trước đây) đã ban hành Quyết định số 1447/QĐ – UBND ngày 03/4/2014 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 272261 do UBND huyện cấp theo Quyết định số 1539/ QĐ – UBND ngày 29/4/2008 cho ông Đinh Quang Vinh và bà Phạm Thị Kim Phương tại thửa đất số 200, tờ bản đồ số 02, diện tích 256m2.
Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo làm rõ vụ việc và giải quyết dứt điểm, tuy nhiên, cho tới nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế