Kiên Giang - Bài 5:
Cụ bà dành nửa đời người đi đòi đất, nguyên chủ tịch huyện bày tỏ ân hận tột cùng!
(Dân trí) - Ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch huyện An Biên (Kiên Giang) là người trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng lấy 5.400m2 đất của bà Thị Sảnh làm Nhà văn hóa thiếu nhi từ năm 1993, chia sẻ: “Vì lợi ích chung, tôi đã chỉ đạo việc lấy đất của bà Thị Sảnh. Sau này tôi thấy mình có lỗi nên đứng ra xác nhận với chính quyền các cấp và nếu lời xác nhận của tôi có gian dối, tôi sẵn sàng nhận kỷ luật thậm chí ngồi tù”.
Hai cán bộ chỉ đạo lấy đất… thấy có lỗi
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Minh Tý, cho biết, câu chuyện bà Thị Sảnh (thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) dành nửa đời người đi đòi 5.400m2 đất nhiều cán bộ, người dân địa phương đều biết. Riêng ông là người biết rõ ngọn nguồn sự việc, vì ông là người địa phương và cán bộ “chủ chốt” trong câu chuyện lấy đất bà Thị Sảnh hàng chục năm trước.
Theo ông Tý, khoảng 1983, lãnh đạo trước đã trưng dụng một phần diện tích đất bà Sảnh làm đường đi vào sân bóng. Đến năm 1993 khi ông Tý làm Chủ tịch UBND huyện An Biên, lúc này huyện không có nơi để cho các em nhỏ vui chơi giải trí nên ông bàn với các phòng ban huyện lấy đất bà Thị Sảnh làm Nhà văn hóa thiếu nhi với lí do đất của đồn giặc. Nhưng thực tế, đất bà Sảnh chỉ tiếp giáp với khu đất đồn giặc và chúng có phát hoang chiếm một phần đất bà Sảnh.
“Khi chúng tôi trưng dụng đất của bà Thị Sảnh như thế là không đúng, vì ai cũng biết khu đất này là của bà Thị Sảnh. Đến bây giờ không có chứng cứ nào để khẳng định đất đó đất hoang hay không phải đất bà Thị Sảnh. Tôi cam kết điều này”. Ông Tý khẳng định.
Nhiều người dân ở thị trấn Thứ Ba (huyện An Biên) chứng kiến bà Thị Sảnh dành hơn nửa đời người đi đòi 5.400m2 đất, nhiều người không khỏi xót xa. Nhưng người cảm thấy có lỗi nhất là hai cán bộ “chủ chốt” trong việc lấy đất bà Thị Sảnh là ông Võ Minh Tý – nguyên Chủ tịch UBND huyện An Biên và ông Danh Long – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba.
Ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch UBND huyện An Biên (áo trắng tay dài) và ông Danh Long - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba. Hai cán bộ này là người trực tiếp chỉ đạo trưng dụng đất bà Thị Sảnh để làm Nhà văn hóa thiếu nhi huyện
Ông Danh Long hiện đang làm Chủ tịch Hội khuyến học thị trấn Thứ Ba, khẳng định: “Nhiều đoàn thanh tra đến đây gặp tôi, tôi đều khẳng định huyện, thị trấn có lấy đất của bà Thị Sảnh, chứ không phải lấy đất hoang. Gần nhất là đoàn Thanh tra Chính phủ về làm việc, tôi tiếp tục khẳng định việc đó bằng văn bản nhưng không hiểu sao đến nay đoàn vẫn chưa có câu trả lời với dân. Mỗi lần gặp bà Sảnh, con cháu bà, chúng tôi thấy có lỗi vô cùng. Tôi mong Chính phủ sớm giải quyết cho dân, vì gia đình bà là hộ dân tộc, cuộc sống hiện rất khó khăn”.
Riêng ông Võ Minh Tý thì chia sẻ: “Quan điểm tôi là qua những lần làm việc với lãnh đạo tỉnh, trung ương sự việc đã rõ ràng hết rồi nhưng vì sao đến nay chưa giải quyết cho dân? Tôi đề nghị Đảng và Nhà nước làm đến nơi đến chốn việc này. Riêng tôi thì sai đến đâu xin chịu xử lí đến đó để khôi phục lại uy tín cho Đảng cho Nhà nước”.
Năm nay cụ Thị Sảnh đã 91 tuổi, cụ mong lấy lại đất để khi về với ông bà, cụ mới yên lòng
Bà Thị Sảnh năm nay 91 tuổi nhưng đã dành hơn nửa đời người đi đòi 5.400m2 đất cho con cháu. Mấy năm qua, vì tuổi già sức yếu bà ủy quyền lại cho người con trai là ông Danh Leo thay mặt bà tiếp tục đi đòi lại mảnh đất của gia đình.
Gặp chúng tôi, bà Thị Sảnh nói: “Lúc lấy đất, mấy ổng còn bắt tôi đưa về trụ sở. Mấy ổng còn khởi tố tôi… Tôi phải đòi lại đất của mình, vì tôi chỉ có nguyện vọng này. Nếu không đòi lại được đất, tôi chết không nhắm mắt đâu”.
Hiện khu đất bà Thị Sảnh vẫn được UBND huyện An Biên sử dụng làm Nhà văn hóa thiếu nhi của huyện. Tuy nhiên, trong khuôn viên này nhiều diện tích bỏ trống hoặc cho các đơn vị thuê kinh doanh các trò chơi giải trí. Ngoài ra, chưa có công trình nào phục vụ cho người dân và các em nhỏ trên địa bàn theo đúng nghĩa Nhà văn hóa thiếu nhi.
Diễn biến vụ việc…
Như Dân trí đã phản ánh, Bà Thị Sảnh có mảnh đất 5.400m2 ở khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Mảnh đất này do ông bà khai phá và để lại cho vợ chồng bà Thị Sảnh canh tác từ trước năm 1975. Và khi quốc lộ 63 đi qua, chia mảnh đất 5.400m2 bà Thị Sảnh ra 2 phần, phần diện tích 4.500m2 nằm phía trên quốc lộ 63, phần 900m2 nằm cặp kênh Xẻo Rô.
Đến 1983, chính quyền huyện An Biên đến “vận động” gia đình bà Thị Sảnh cho mượn 4.500m2 mở lối đi ra sân bóng và sau đó sử dụng xây dựng Nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, thời điểm đó, chính quyền địa phương không hỗ trợ hay bồi hoàn gì cho bà Sảnh.
Theo ông Võ Minh Tý, từ khi Nghị quyết 12 của Đảng ra đời, ông mạnh dạng nhìn ra cái sai của mình nên viết giấy xác nhận nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh và xác nhận UBND huyện An Biên có lấy đất của bàn vào năm 1993.
Đến 1995 bà Thị Sảnh có đơn gửi đến UBND huyện An Biên yêu cầu Nhà nước giao trả hoặc bồi thường phần đất 5.400m2 cho bà.
Sau khi tiếp nhận đơn của bà Thị Sảnh, từ 1995 đến 2009, UBND huyện An Biên, UBND tỉnh Kiên Giang lần lượt ra các quyết định giải quyết không thừa nhận khiếu nại của bà Thị Sảnh; giao UBND huyện An Biên giao cấp đất và cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 95,5m2 (trong số diện tích 411m2 cặp kênh Xẻo Rô) cho bà Thị Sảnh làm nhà ở. Bà Thị Sảnh không đồng ý nên khiếu nại và được Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ TN-MT kiểm tra lại vụ việc.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ về về yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm trả lời của gia đình bà Thị Sảnh, ông Danh Leo theo quy định pháp luật
Về nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh đã được ông Danh Long, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba (người trực tiếp đến nhà vận động bà Thị Sảnh giao đất cho nhà nước) và ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch huyện, nguyên Bí thư huyện ủy An Biên (từ 1989 - 2000) xác nhận về nguồn gốc 5.400m2 đất của bà Thị Sảnh cũng như việc chính quyền địa phương đã vận động bà giao diện tích đất này để làm khu vui chơi cho trẻ em từ 1983 - 1989.
Ngày 13/10/2017, UBND tỉnh Kiên Giang có mời gia đình ông Danh Leo lên trụ sở tiếp công dân của tỉnh để đối thoại với Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ TN – MT, và UBND tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu ông làm đơn xác minh lại nguồn gốc 5.400m2 đất để làm cơ sở trình Thủ tướng xin ý kiến giải quyết vụ việc.
Công văn Trụ sở tiếp công dân Trung ương gửi cho gia đình bà Thị Sảnh và ông Danh Leo, thông báo vụ việc đang được các cơ quan chức năng xem xét
Sau khi ông Danh Leo đến Trụ sở tiếp Công dân Trung ương gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh Thanh tra Chính phủ chậm trả lời vụ việc, ngày 16/1/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu sớm trả lời cho công dân theo quy định pháp luật.
Nhưng đến nay, gia đình ông Danh Leo vẫn chưa nhận được văn bản trả lời nào của Thanh tra Chính phủ. Nguyện vọng gia đình ông Danh Leo là được Nhà nước hỗ trợ, hoán đổi đất khác tương ứng với giá trị mảnh đất mà chính quyền địa phương đã mượn của gia đình ông trước đây.
Nguyễn Hành