Công ty xuất khẩu lao động lập lờ sử dụng con dấu của Liên minh HTX Việt Nam

(Dân trí) - Công ty Vinagimex đã trở thành công ty cổ phần từ năm 2012. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, người nắm giữ nhiều cổ phần tại công ty cổ phần này vẫn sử dụng cương vị phó chủ tịch và con dấu của Liên minh HTX Việt Nam xác nhận đơn vị chủ quản để công ty Vinagimex đưa người lao động sang Đài Loan làm việc.

Báo Dân trí nhận được Đơn Tố cáo của ông Trần Văn Sơn (SN 1956), hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ Công ty cổ phần Vinagimex thuộc Đảng bộ Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Ông Sơn cho biết: Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội đăng ký thay đổi lần thứ 4 ngày 26/6/2012 cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (Công ty Vinagimex), danh sách cổ đổ sáng lập được ghi rõ: Liên minh HTX Việt Nam do đại diện là ông Nguyễn Văn Thịnh có 72.000 cổ phần với giá trị 720 triệu đồng tương đương 12%; Cá nhân ông Nguyễn Văn Thịnh có 121.900 cổ phần với giá trị 1 tỷ 219 triệu đồng tương đương 20,32%; Ông Nguyễn Đoàn Quang có 150.000.000 cổ phần với giá trị 1 tỷ 500 triệu đồng tương đương 15,2%...

Công ty xuất khẩu lao động lập lờ sử dụng con dấu của Liên minh HTX Việt Nam - 1
Công ty xuất khẩu lao động lập lờ sử dụng con dấu của Liên minh HTX Việt Nam - 2
Công ty xuất khẩu lao động lập lờ sử dụng con dấu của Liên minh HTX Việt Nam - 3

Công ty Vinagimex đã trở thành công ty cổ phần từ năm 2012 với nhiều cổ đông sáng lập, trong đó có ông Nguyễn Văn Thịnh vừa là đại diện Liên minh HTX Việt Nam vừa là cổ đông cá nhân.

Công ty Vinagimex đã trở thành công ty cổ phần từ năm 2012 với nhiều cổ đông sáng lập, trong đó có ông Nguyễn Văn Thịnh vừa là đại diện Liên minh HTX Việt Nam vừa là cổ đông cá nhân.

Theo đơn tố cáo, Công ty Vinagimex đã là một công ty cổ phần, Liên minh HTX Việt Nam chỉ còn là một cổ đông nhưng ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã sử dụng trái thẩm quyền, trái mục đích con dấu của Liên minh HTX Việt Nam, chữ ký chức danh Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam để ký kết các giấy tờ trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cho người lao động Việt Nam được được Công ty cổ phần Vinagimex tuyển dụng đi lao động tại Đài Loan.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - thương binh và Xã hội TP Hà Nội), đơn vị chủ quản hợp pháp của Công ty Công ty Vinagimex.

Ông Việt khẳng định: Ngày 6/12/2016, Công ty Vinagimex mới có đơn, có báo cáo gửi Sở LĐTB&XH TP Hà Nội xin xác nhận cam kết về tiền lương và các chi phí của lao động nước ngoài sang Đài Loan làm việc. Còn từ năm 2016 về trước, sở không nhận được bất cứ một văn bản tài liệu nào của công ty này.

“Tôi đã có mời ông Nguyễn Văn Thịnh đến làm việc. Ông Thịnh cho biết trước kia toàn bộ các chữ ký và con dấu là của Liên minh HTX Việt Nam. Công ty này từng thuộc Liên minh HTX Việt Nam nhưng từ năm 2012 đã tiến hành cổ phần hoá xong, ông vẫn tiếp tục ký. Tôi hỏi tại sao ông Thịnh còn tiếp tục ký vào văn bản này? Ông Thịnh trả lời rằng vì sau khi cổ phần hoá xong ông không nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc ký cam kết lương của người lao động đi Đài Loan nên là từ 2012, ông Thịnh vẫn ký như vậy.


Một bản cam kết của Công ty Vinagimex được ông Nguyễn Văn Thịnh ký với chức danh Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và đóng dấu xác nhận cơ quan chủ quản là Liên minh HTX Việt Nam.

Một bản cam kết của Công ty Vinagimex được ông Nguyễn Văn Thịnh ký với chức danh Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và đóng dấu xác nhận cơ quan chủ quản là Liên minh HTX Việt Nam.

Việc ký cam kết lương này là do phía Đài Loan đề nghị còn ở Việt Nam không có cơ quan nào yêu cầu. Theo tôi, mục đích của việc này để hợp pháp hoá với những doanh nghiệp đưa người lao động sang Đài Loan. Ký không đúng thẩm quyền sẽ có hệ luỵ sau này. Liên minh HTX Việt Nam không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ký vào văn bản này. Và do đó còn liên quan đến việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại Đài Loan. Nếu phát sinh tranh chấp, ai sẽ là người bảo vệ và can thiệp quyền lợi cho người lao động tại Đài Loan”, ông Việt cho biết?

Trước câu hỏi của phóng viên: Họ tự ký trái thẩm quyền như này có phải để tránh sự kiểm soát chặt hơn của cơ quan chức năng trong việc xác nhận bảng lương hay các chi phí phải đóng hay không? Ông Việt cho rằng đó cũng là một phần vì trong cam kết lương này không chỉ là vấn đề quy định mức lương trả người lao động mà quy định tất cả những khoản phí và lệ phí người lao động đi sang Đài Loan phải đóng ở mức tối đa, chẳng hạn không quá 3900 USD.

“Đơn có nhiều nội dung: Sai con dấu, ký trái thẩm quyền, thu vượt quá số tiền quy định với người lao động. Mỗi một nội dung liên quan đến một cơ quan khác nhau. Việc sai con dấu sẽ do cơ quan công an xử lý. Còn chúng tôi sẽ đi sâu vào nội dung anh có thu vượt quá số tiền quy định với người lao động hay không. Nếu trong thẩm quyền mà chúng tôi phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Cục quản lý lao động ngoài nước rút phép”, ông Việt khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế