Đắk Lắk, bài 2:
Công ty để mất rừng tràn lan: Kiến nghị sớm thu hồi dự án
(Dân trí) - Được giao quản lý hơn 900 ha rừng nhưng Công ty Minh Hằng lại để rừng bị xâm hại liên tục, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết đã kiến nghị sớm thu hồi dự án này.
Mất rừng nghiêm trọng
Sau khi tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng tràn lan tại lâm phần do Công ty Minh Hằng quản lý, bảo vệ, PV Dân trí đã liên hệ Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ea Súp, sau khi tiếp nhận thông tin về các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại Công ty Minh Hằng, Hạt đã phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra xử lý theo quy định xử lý 4 vụ với diện tích bị thiệt hại là 60,62 ha rừng. Phía Hạt cũng nhận định việc để mất rừng tại công ty này là rất nghiêm trọng.
Hạt Kiểm lâm cũng nêu rõ: Cả 4 vụ vi phạm lâm luật đều chưa xác định được đối tượng vi phạm và đơn vị đã chuyển hồ sơ một vụ phá rừng với diện tích 10,6 ha với khối lượng gỗ là 29,4m3, 720 lóng gỗ đến Công an huyện điều tra, xử lý.
Trước câu hỏi về nguyên nhân khiến Công ty Minh Hằng liên tục để mất rừng, Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho rằng, công ty này được thuê và trồng thí điểm 100 ha cây cao su nhưng do thổ nhưỡng đất không phù hợp với cây cao su nên cây đã chết, việc đầu tư trồng tốn kém ảnh nhiều về kinh tế và phải trả chi phí cho lực lượng bảo vệ rừng.
Cũng theo Hạt Kiểm lâm Ea Súp, doanh nghiệp đã không thể tiếp tục thuê nhiều lao động để thực hiện việc quản lý bảo vệ rừng mà chỉ có một vài người bảo vệ trong khi đó diện tích rừng lớn. Vì vậy, không đủ khả năng để bảo vệ đối với diện tích rừng đã được giao, dẫn đến diện tích rừng bị phá trái pháp luật.
Diện tích rừng mà Công ty Minh Hằng được giao quản lý, theo Hạt Kiểm lâm Ea Súp, hiện chỉ còn khoảng 360 ha là rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, sau khi PV trực tiếp phản ánh tại một số lâm phần bị xâm chiếm, Hạt Kiểm lâm Ea Súp đã phối hợp Chi cục kiểm lâm và các đơn vị liên quan kiểm tra, đo đạc và phát hiện thêm khoảng 8 ha rừng bị phá.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Chi cục đã nhiều lần chỉ đạo liên quan đến các vụ xâm hại rừng xảy ra tại lâm phần do Công ty Minh Hằng quản lý. Phía Hạt Kiểm lâm Ea Súp cũng đã tham mưu UBND huyện báo cáo cấp trên và kiến nghị thu hồi dự án của Công ty Minh Hằng.
"Phải xử lý dứt điểm, không thể để tình trạng như vậy", lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk quả quyết.
Khi được hỏi về trách nhiệm của Hạt kiểm lâm trong các vụ rừng bị xâm hại tại Công ty Minh Hằng, ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, phía Hạt đã kiểm tra liên tục, thực hiện trách nhiệm nhưng cũng giới hạn quyền nên khi phát hiện đã tham mưu các cấp xử lý. Ngoài ra, Công ty này không có người ở địa phương, kiểm tra lại không có chủ, gây nhiều khó khăn.
Công ty yếu kém trong quản lý rừng
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch UBND huyện Ea Súp - xác nhận huyện đã có đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiểm tra để làm rõ, xử lý sai phạm dự án này và hiện đang trong quá trình thực hiện thanh tra.
Chủ tịch UBND huyện Ea Súp thẳng thắn thừa nhận, Công ty Minh Hằng yếu kém trong quản lý, không có năng lực lẫn nguồn lực, không có nhân sự để vệ rừng và chủ cũng không có ở địa phương.
"Công an huyện đang vào cuộc xử lý các vụ việc phá rừng, xử lý các vụ việc lấn chiếm đất rừng. Việc quản lý không tốt để dân lấn chiếm đất là trách nhiệm của chủ rừng và sẽ phải xử lý theo quy định", ông Nhiệm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhiệm, phía huyện Ea Súp đã có chỉ đạo quyết liệt trong vụ việc để mất rừng tại Công ty Minh Hằng nhưng hiệu quả chưa cao do nhiều yếu tố như: diện tích lớn, chủ rừng không hợp tác, nguồn lực của huyện hạn chế…
Như Dân trí đã phản ánh, Công ty Minh Hằng được UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho thuê 983 ha đất tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) vào tháng 2 để thực hiện dự án trồng cao su (100 ha) và quản lý bảo vệ rừng.
Trong đó, Công ty chỉ được phép trồng thí điểm 100 ha cao su ở những vùng đất trống, rừng nghèo, cây thưa thớt. Riêng diện tích đất và rừng còn lại, Công ty có trách nhiệm quản lý, bảo vệ theo quy định.
Tuy nhiên, công ty này đã buông lỏng quản lý, hợp đồng với người bảo vệ rừng bằng cách lấy đất trong dự án để trả thay vì trả tiền mặt dẫn đến những người này lợi dụng để cày xới, lấn chiếm phá rừng và tự ý cho thuê đất rừng khiến rừng bị xâm hại nghiêm trọng.