Vụ mang quan tài cha lên trụ sở xã xin đất chôn:

Công lý đã thuộc về gia đình cựu chiến binh sau phản ánh của Báo Dân trí!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “tranh chấp đất, con cháu khiêng quan tài cha lên trụ sở UBND xã xin đất chôn” xảy ra tại xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) vào năm 2016, TAND tỉnh Sóc Trăng vừa mở phiên tòa và tuyên phần thắng thuộc về gia đình cựu chiến binh.

Giữa tháng 11/2018, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “Tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất, đòi quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là các con của ông Đoàn Vĩnh Thuận và bị đơn là ông Dương Minh Trắng (cùng ngụ xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Kết quả, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên nguyên đơn, buộc bên bị đơn là ông Dương Minh Trắng phải trả lại phần đất có diện tích 837,5m2 tại thửa số 185, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Người thân của gia đình ông Đoàn Vĩnh Thuận vui mừng sau phiên tòa tuyên phần thắng thuộc về mình.
Người thân của gia đình ông Đoàn Vĩnh Thuận vui mừng sau phiên tòa tuyên phần thắng thuộc về mình.

Như Dân trí đã phản ánh, năm 1976, ông Đoàn Vĩnh Thuận (SN 1926, là một cựu chiến binh) khai phá, quản lý, sử dụng phần đất có diện tích khoảng 3.900m2 tọa lạc tại ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Đến năm 1983, ông Thuận hiến cho xã một phần làm kênh thủy lợi.

Năm 1989, ông Thuận nhượng lại cho ông Lê Văn Son (ngụ cùng địa phương) phần đất một bên kênh thủy lợi, phần còn lại ông Thuận quản lý, sử dụng. Đến năm 2004 và 2010 thì xảy ra tranh chấp với ông Dương Minh Trắng (ngụ cùng địa phương) nhưng hòa giải không thành.

Ngày 27/7/2016, ông Đoàn Vĩnh Thuận qua đời. Gia đình chuẩn bị chỗ an nghỉ cho ông ngay trên mảnh đất nói trên nhưng bị phía ông Trắng ngăn cản, đập phá huyệt mộ, dẫn tới sự kiện hàng ngàn người dân ở chợ Mỹ Quới đã cùng gia đình ông Thuận đưa quan tài ông lên thẳng trụ sở UBND xã Mỹ Quới để xin chỗ chôn cất. Chỉ đến khi có sự can thiệp của UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Thuận mới được chấp nhận cho an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ngã Năm.

Ông Dương Minh Trắng cho rằng: “Đất này là của bà Phạm Thị Ba, mẹ ruột tôi quản lý, sử dụng từ trước năm 1975 cho đến nay, được nhà nước cấp sổ đỏ năm 1994. Năm 2003, mẹ tôi chuyển nhượng một phần cho đứa cháu ngoại. Đến năm 2008, mẹ tôi chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất còn lại cho tôi chứ không phải đất ông Thuận khai phá, sử dụng năm 1976 như gia đình ông trình bày. Năm 2004, xảy ra tranh chấp bờ kênh nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó chứ không bên nào thưa tiếp bên nào. Năm 2010, tôi trồng cây tràm thì tiếp tục xảy ra tranh chấp nhưng cũng dừng lại như lần trước. Đến tháng 6/2016 và tháng 7/2016 mới tiếp tục xảy ra tranh chấp quyết liệt”.

Khi PV đặt vấn đề “tại sao đất của bà Phạm Thị Ba nhưng năm 1983 xã đề nghị ông Thuận hiến đất để xã đào kênh thủy lợi mà không hỏi bà Ba” thì ông Trắng nói: “Cái đó thì tôi không biết vì sao cả, tôi chỉ biết trong hồ sơ kê khai khi tách sổ đỏ cho đất đứa cháu ngoại, mẹ tôi khai nguồn gốc đất là của mẹ tôi có từ trước 1975 cho đến sau này, được chính quyền địa phương xác nhận”. Còn tranh chấp năm 2004 thì ông Trắng cho rằng lúc đó sổ đỏ đứng tên mẹ ông nên ông không liên quan gì cả. Còn năm 2010, ông cho người trồng cây trên đất thì có tranh chấp ngăn cản từ phái gia đình ông Thuận nhưng sau đó “không thấy ai nói gì nữa”.

“Khi xảy ra tranh chấp, tôi thấy sổ đỏ thể hiện đất của mẹ tôi nên tôi không đồng ý đó là đất của ông Thuận. Lúc con ông Thuận có ý chôn ông trên đất, nói thật, nếu không có tranh chấp tôi sẵn sàng cho gia đình chôn ông trên đất đó nhưng vì đã có tranh chấp nên tôi không đồng ý. Khi con cháu ông Thuận đề nghị cứ cho chôn, khi nào chính quyền phân xử đất đó là của tôi họ sẵn sàng bốc mộ đi tôi cũng không đồng ý bởi đất đó trong sổ đỏ là của tôi. Bây giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ, nếu kết luận đó là đất của ông Thuận thì tôi sẽ trả thôi”, ông Trắng nói.

Phần huyệt mộ của ông Thuận thời điểm bị đập phá.
Phần huyệt mộ của ông Thuận thời điểm bị đập phá.

Bà Lê Thị Nĩ (65 tuổi, hàng xóm của ông Thuận) cho biết: “Bà con chúng tôi ở đây, ngàn người như một, ai cũng biết đất đó do ông Thuận khai phá, quản lý, sử dụng nhưng không hiểu sao sổ đỏ lại cấp cho ông Trắng. Một người như ông Thuận, tham gia kháng chiến hết đời, trở về không được ưu đãi bất cứ một cái gì, có chút đất làm nơi chôn cất cũng bị rơi vào tay người khác”.

Theo bà Đoàn Thị Bế (con ông Thuận), khi ông Thuận mất, UBND xã cũng tìm cách giải quyết bằng cách sẽ cho chôn nhưng yêu cầu gia đình bà làm cam kết nếu sau này xử lý, phía ông Trắng thắng kiện thì gia đình phải bốc mộ ông Thuận ra khỏi diện tích đất đó.

Sau khi viết cam kết đồng ý, gia đình ông Thuận đã xây huyệt mộ cho ông và phía ông Trắng không phản đối. Đến ngày 28/7/2016, khi huyệt mộ đã xây xong phần thô thì một cán bộ địa phương yêu cầu gia đình ngừng xây mà không giải thích rõ lý do. Sau đó, vợ con ông Trắng đã đập phá huyệt mộ, gia đình ông Thuận yêu cầu ngăn cản nhưng không được.

“Bây giờ tòa án đã tuyên buộc phía ông Dương Minh Trắng phải trả lại diện tích đất cho gia đình tôi, chắc dưới suối vàng cha tôi cũng yên lòng. Chúng tôi cảm ơn báo Dân trí đã đồng hành cùng gia đình trong thời gian qua rất nhiều”, bà Bế nói trong niềm vui xen lẫn xúc động.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm