Bài 9:

Công lý chao đảo vụ vợ “tố” chồng cũ ép viết giấy nợ 2,5 tỷ bằng dao!

(Dân trí) - Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, tuyên hủy hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên trong vụ vợ "tố" chồng cũ dùng dao khống chế, ép viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng.

Huỷ hai bản án có nhiều dấu hiệu trái quy định của pháp luật

Mảnh giấy nhận nợ mà bà Lụa khẳng định đã bị chồng cũ dùng dao khống chế, ép buộc viết.
Mảnh giấy nhận nợ mà bà Lụa khẳng định đã bị chồng cũ dùng dao khống chế, ép buộc viết.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM vừa chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, quyết định hủy 2 bản án dân sự sơ thẩm (của TAND quận Gò Vấp) và phúc thẩm (của TAND TP.HCM) đã tuyên buộc bà Đỗ Hồng Lụa (ngụ quận Gò Vấp) là bị đơn trong vụ án dân sự "Tranh chấp tài sản" với ông Lê Đức Long (ngụ quận 12, chồng cũ của bà Lụa) phải trả số tiền hàng tỷ đồng mà bà Lụa tố bị ép viết giấy nợ bằng... dao!

Cuối năm 2016, sau nhiều lần bà Lụa "đội đơn" cầu cứu các cơ quan chức năng kêu oan về hai bản án dân sự đã bị tuyên, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên đối với bà Lụa. Từ những tài liệu liên quan đến vụ án, VKS Cấp cao tại TP.HCM xét thấy: "Bà Lụa và ông Long chung sống với nhau từ năm 2002 không có đăng kí kết hôn và có 2 con chung. Do thường xuyên mâu thuẫn nên ngày 5/10/2011, bà Lụa khởi kiện ly hôn và được TAND quận Gò Vấp tuyên xử: Về quan hệ hôn nhân "Không công nhận bà Lụa và ông Long là vợ chồng". Về tài sản chung "Hai bên xác định không có". Về con chung: "Bà Lụa trực tiếp nuôi dưỡng".

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, có đủ cơ sở để xác định giấy nhận nợ ngày 2/11/2011 được bà Lụa viết tại nhà riêng trong điều kiện bị ông Long dùng vũ lực de doạ. Mặc dù không đủ căn cứ để khởi tố ông Long về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã chứng minh rõ ông Long có hành vi uy hiếp, khống chế, ép buộc bà lụa viết và ký giấy nhận nợ.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng chỉ rõ, bản án sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét các chứng cứ khách quan để bác yêu cầu của ông Long và tuyên giao dịch dân sự vô hiệu mà căn cứ giấy nhận nợ để buộc bà Lụa trả cho ông Long số tiền 2,5 tỷ đồng là không có cơ sở, trái quy định của pháp luật, vi phạm Điều 122, 132 BLDS quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự do vi phạm các điều cấm của luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Lụa.

VKS Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên đối với bà Đỗ Hồng Lụa trọng vụ giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng.
VKS Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên đối với bà Đỗ Hồng Lụa trọng vụ giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng.

Từ những phân tích trên, VKSND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên ngày 17/9/2015. VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Sau khi Viện KSND Cấp cao đề nghị tuyên hủy 2 bản án, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, tuyên hủy hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên trong vụ vợ "tố" chồng cũ dùng dao khống chế, ép viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Nhiều điểm "mập mờ" cần làm rõ!

Lời khai của nhân chứng với cơ quan Công an về việc bà Lụa bị chồng cũ dùng dao khống chế ép buộc viết giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng nhưng không được toà sơ thẩm và phúc thẩm để ý đến.
Lời khai của nhân chứng với cơ quan Công an về việc bà Lụa bị chồng cũ dùng dao khống chế ép buộc viết giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng nhưng không được toà sơ thẩm và phúc thẩm "để ý" đến.

Trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Dân trí và nhiều cơ quan chức năng, bà Lụa trình bày, khoảng 12h trưa 2/11/2011, ông Long cầm theo dao, trèo qua tường đột nhập vào nhà bà trên đường Quang Trung (phường 8, quận Gò Vấp). Lúc này, chị Đinh Thị Thoa (người giúp việc của gia đình bà Lụa) phát hiện thì bị ông Long đánh vào mặt làm chảy máu mũi, máu mồm. Sau đó ông Long lao đến kề dao vào cổ, buộc bà Lụa phải viết giấy vay nợ ông Long số tiền 2,5 tỷ đồng.

“Thấy ông Long hung dữ và muốn đảm bảo an toàn cho mọi người và đứa con gái mới 4 tuổi ở bên nên tôi viết theo nội dung mà ông Long yêu cầu. Thời điểm này có nhiều người hàng xóm đứng bên ngoài đường nhìn vào. Khi lấy được mảnh giấy vay nợ từ tay tôi thì ông Long vội vã cầm dao bỏ đi, tôi cũng chạy đến công an phường 8 trình báo vụ việc”, bà Lụa trình bày.

Bên cạnh đó, bản tường trình và biên bản ghi lời của bà Đinh Thị Thoa (người giúp việc cho gia đình bà Lụa và cũng là nhân chứng quan trọng nhất vụ án này) tại cơ quan công an thể hiện nội dung như bà Lụa đã trình bày ở trên. Thậm chí bà Thoa còn lập vi bằng để khẳng định việc bà nhìn thấy ông Long dùng dao khống chế, buộc bà Lụa viết mảnh giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng.

Bản tường trình của bà Đinh Thị Thoa khẳng định đã chứng kiến việc ông Long dùng dao khống chế bà Lụa buộc viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng.
Bản tường trình của bà Đinh Thị Thoa khẳng định đã chứng kiến việc ông Long dùng dao khống chế bà Lụa buộc viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, trong giấy nhận nợ ngày 2/11/2011 không ghi rõ bà Lụa vay tiền từ năm nào, nên chỉ có thể xác định thời điểm vay kể từ ngày ký 2/11/2011, do đó số tiền 2,5 tỷ đồng ông Long chỉ có thể giao cho bà Lụa ngay hoặc sau ngày ký 2/11/2011. Như vậy sau ly hôn bà Lụa vay tiền của ông Long để mua nhà 144 Đông Hưng Thuận của chính bà Lụa là quá mâu thuẫn.

“Mảnh giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng được bà Lụa viết đúng vào ngày 2/11/2011 khi ông Long đến gây rối và đánh người, ông Long đã thừa nhận có xô xát. Liệu mảnh giấy nhận nợ này có đúng ý chí chủ quan, tự nguyện của bà Lụa hay không? Có nhiều cơ sở để xác định dấu hiệu bà Lụa bị ép ghi giấy nợ “khống” nhưng tại sao tòa án vẫn bỏ qua? Đối với giao dịch vay nợ, ngoài việc thỏa thuận vay thì phải có hành vi giao nhận tiền hoặc thỏa thuận cấn trừ khoản giao dịch khác thành vay nợ, bà Lụa không thừa nhận đã nhận tiền của ông Long nhưng vì sao trong quá trình xét xử, tòa án đã không xác minh, thu thập chứng cứ ông Long có giao tiền hay không và ông Long không cung cấp chứng cứ thuyết phục nào khác nhưng tại sao tòa án vẫn buộc bà Lụa phải trả 2,5 tỷ đồng cho ông Long? Rất nhiều uẩn khúc cần được làm rõ”, LS Lễ phân tích.

Bà Đinh Thị Thoa lập vi bằng về việc đã chứng kiến việc ông Long dùng dao khống chế bà Lụa buộc viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng.
Bà Đinh Thị Thoa lập vi bằng về việc đã chứng kiến việc ông Long dùng dao khống chế bà Lụa buộc viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng.

Cũng theo LS Hồ Nguyên Lễ: “Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, ngoài giấy nhận nợ, ông Long không có chứng cứ nào chứng minh bà Lụa có giao dịch vay nợ với ông. Nhưng tại Công văn 221 của Công an Gò Vấp xác định có nhiều người làm chứng như bà Đinh Thị Thoa, Nguyễn Thị D… xác nhận có sự việc ông Long đã dùng dao đe dọa buộc bà Lụa viết giấy nợ như Công an Gò Vấp và cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã tiến hành xác minh ghi lời khai của các nhân chứng. Tuy nhiên, các cấp tòa án vẫn bỏ qua, không xem xét các lời khai của nhân chứng mà vẫn công nhận giấy nhận nợ có giá trị để buộc bà Lụa trả 2,5 tỷ đồng cho ông Long là điều vô lý”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm