Công dân mỏi mòn chờ văn bản trả lời của các cơ quan chức năng TPHCM

(Dân trí) - Rất nhiều cơ quan có văn bản chỉ đạo giải quyết quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà Đinh Thị Ninh, cựu cán bộ bưu điện TPHCM. Nhưng đến nay gia đình bà Ninh vẫn phải sống trong nhà cấp 4 lụp xụp do các cơ quan chưa thống nhất phương án giải quyết.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa trong nhiều bài viết, bà Đinh Thị Ninh công tác trong ngành Bưu điện từ năm 1960, đến năm 1976, bà Ninh và chồng là Nguyễn Sỹ Tính được điều chuyển công tác vào TPHCM giữ vị trí Bưu cục trưởng Bưu cục Tân Định, thuộc Bưu điện TPHCM. Khi chuyển vào TPHCM, gia đình bà Ninh được Bưu điện TPHCM phân nhà và đất với diện tích trên 300m2để sinh sống bên cạnh Bưu cục Tân Định.
 
Ông Nguyễn Sỹ Tính trình bày sự việc ở tòa soạn báo Dân trí
Ông Nguyễn Sỹ Tính trình bày sự việc ở tòa soạn báo Dân trí

Vào năm 1991, UBND TPHCM và Bưu điện TPHCM thu lại điện tích đất gia đình bà Ninh đang ở để Bưu điện TPHCM xây dựng Trung tâm Fax và Bưu điện Tân Định. Trước khi thu hồi, Bưu điện TPHCM và các cơ quan chức năng đã thỏa thuận chia lại cho gia đình bà Ninh một khoảnh đất 80m2, thuộc một phần khu đất thu hồi để gia đình bà Ninh bàn giao toàn bộ mặt bằng khu đất.

Khi sự việc đang trong quá trình thương thảo, UBND quận 1 đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà và đất của gia đình bà Ninh. Cùng ngày vợ chồng bà Ninh được mời đến trụ sở UBND phường làm việc, các lực lượng cưỡng chế đã tịch thu toàn bộ khu nhà và đất của gia đình bà Ninh. Toàn bộ đồ đạc của gia đình bị chuyển đến 1 căn nhà tập thể tầng trệt, diện tích 30m2, nằm trong hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM.

Ngày 1/8/2001, Giám đốc Bưu điện TP. HCM khi đó là ông Trần Quang Minh ký Quyết định số 78/QĐ-NĐ cấp cho gia đình bà Đinh Thị Ninh lô đất 80m2để làm nhà ở trong khu đất dành cho cán bộ công nhân viên trong ngành tại khu C30, số 270B Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình, TPHCM. Gia đình bà Ninh được cấp lô đất thứ 18 trên tổng số 18 lô được cấp cho các gia đình.

Từ đó đến nay mới chỉ có 16/18 lô được các gia đình tiếp nhận và dựng nhà cao tầng khang trang. Lô số 18 giao cho bà Đinh Thị Ninh và lô số 17 kế bên chưa được bàn giao do chưa thực hiện GPMB 100% nên Bưu điện TP.HCM chưa thể bàn giao mặt bằng cho bà Đinh Thị Ninh, mặc dù Bưu điện TP.HCM nhiều lần cam kết thúc sẽ GPMB và bàn giao đất.

Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi trong đau khổ, đầu năm 2013, bà Đinh Thị Ninh đã về thế giới bên kia với giấc mơ nhà dang dở. Tiếp nối hành trình đi tìm quyền lợi hợp pháp, chồng bà Ninh là ông Nguyễn Sỹ Tính đã làm đơn kêu cứu gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, UBND TPHCM và các cơ quan chức năng của TPHCM.

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, ngày 30/5/2013 Văn phòng đại diện Tập đoàn tại TPHCM đã chủ trì phối hợp với Bưu điện TPHCM, Viễn thông TPHCM tổ chức cuộc họp với đại diện gia đình bà Đinh Thị Ninh.
 
6 tháng sau ngày Bưu điện TPHCM có văn bản hồi âm gửi báo Dân trí,
6 tháng sau ngày Bưu điện TPHCM có văn bản hồi âm gửi báo Dân trí,
 quyền lợi hợp pháp của công dân vẫn chưa được giải quyết

Trong cuộc họp, các đơn vị đã phối hợp và chủ động giải thích rõ về việc Nhà nước thống nhất quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; UBND quyết định việc giao đất, cho thuê đất… Quỹ đất ở khu C30 đã được UBND TPHCM giao Sở TN & MT chủ trì làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND quận 10, quận Tân Bình xác định vị trí, ranh giới khu đất quy hoạch đất ở và xây dựng phương án báo cáo UBND TPHCM. Lô đất số 17, số 18 còn nguyên hiện trạng và được quy hoạch là đất nhà ở liền kề.

Các bên tham gia thống nhất phương án giải quyết như sau: Đại diện gia đình bà Đinh Thị Ninh sẽ chủ động làm việc với địa phương về việc xin sử dụng đất; Văn phòng đại diện Tập đoàn là đầu mối hỗ trợ gia đình tìm hiểu thủ tục xin sử dụng đất; Bưu điện TPHCM và Viễn thông TPHCM có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp hồ sơ có liên quan để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét.

Sau cuộc họp liên ngành, ông Nguyễn Sỹ Tính đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.Sau 2 tháng thụ lý hồ sơ, Phòng TN&MT quận Tân Bình có văn bản trả lời số 2659/TNMT-VPDK đề ngày 11/10/2013 là chưa thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Tính vì phải chờ xin ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM và đề nghị gia đình nhận lại hồ sơ, nhưng không hẹn thời gian quay lại để tiếp tục giải quyết.

Đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng gia đình ông Nguyễn Sỹ Tính chưa nhận được thông tin trả lời từ phía UBND quận Tân Bình, cũng như Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM liên quan đến nội dung văn bản 2659/TNMT-VPDK ngày 11/10/2013 mà Phòng TN&MT quận Tân Bình gửi lên xin ý kiến.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Tính cho biết: “Lý do Phòng QLĐT quận Tân Bình đề xuất xin ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến Trúc về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình tôi có những điểm chưa thuyết phục. Trong văn bản số 2397 ngày 16/7/2004 nói rất rõ là một bộ phận đính kèm của văn bản số 16935 năm 1998. Hơn nữa, mặt bằng tổng thể quy hoạch tỉ lệ 1/500 của văn bản 2397 ngày 16/7/2004 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã thể hiện đủ 18 lô đất giống như mặt bằng tổng thể quy hoạch tỉ lệ 1/500 của văn bản 16935 ngày 23/11/1998 của Kiến trúc sư Trưởng TPHCM. Việc chú thích 14 lô, hay 18 lô trong đó chỉ là thể hiện việc lô nào đã được cấp phép xây dựng chưa mà thôi, không liên quan đến quyền sử dụng đất của gia đình tôi theo Luật Đất đai 2003.
 
Vì quá bức xúc ông Nguyễn Sỹ Tính liên tục phải nhập viện theo dõi sức khỏe
Vì quá bức xúc ông Nguyễn Sỹ Tính liên tục phải nhập viện theo dõi sức khỏe

Căn cứ Luật đất đai 2003 và một số Nghị định hướng dẫn thi hành, lô đất ở của gia đình tôi được Cơ quan phân cấp cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở từ năm 2001 (trước 1/7/2004), theo các điều: 49 - 50 Luật Đất Đai 2003; Điểm g Điều 3; Điều 12; Điều 18 NĐ84/2007/NĐ-CP; Khoản 3 điều 8 NĐ198/2004/NĐ-CP; Điều 12,14,23 NĐ88/2009NĐ-CP… gia đình tôi có chủ quyền hợp pháp 80 m2 nêu trên và phù hợp quy hoạch sử dụng là đất ở liền kề theo quy hoạch 1861/QĐ/2009 của UBND TPHCM.

Trên cơ sở Luật khiếu nại 2011, tôi làm đơn này đề nghị UBND quận Tân Bình, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng TN&MT quận Tân Bình tiếp nhận lại hồ sơ đề nghị cấp chủ quyền của gia đình tôi để gia đình sớm nhận được Giấy chứng nhận QSD lô đất trên vì thời gian chờ đợi của gia đình đến nay đã hơn 12 năm, để gia đình tôi được xây dựng nhà trên lô đất số 302 Lý Thường Kiệt như một sự đền bù những thiệt thòi mà gia đình chúng tôi phải gánh chịu vì sự chậm trễ vô tâm của các cơ quan chức năng TPHCM”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ngọc Cương