Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Bưu điện TP.HCM "phớt lờ" quyền lợi của cán bộ gần 20 năm

(Dân trí)- Được Bưu điện TP.HCM hứa đền bù đất từ năm 1990, nhưng sau 23 năm, giấc mơ nhà của ông Nguyễn Sỹ Tính, tạm trú tại hẻm 178/16 đường Cô Giang, Quận 1 vẫn xa vời. Trong thời gian chờ đợi, vợ ông đã bị tai biến, còn con trai cả qua đời vì tai nạn.

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Tính và vợ là bà Đinh Thị Ninh, tạm trú tại hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM phản ánh: Gia đình ông Tính, với hơn 10 nhân khẩu đã chịu cảnh sống khó khăn ở ngôi nhà tạm rộng 30m2 từ năm 1990 thế kỷ trước. Khi tiến hành thu hồi đất tại số 230 Hai Bà Trưng, Bưu điện TP. HCM hứa sẽ bồi thường lại cho gia đình ông Tính 80m2 đất, nhưng đến nay quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình vẫn chưa được giải quyết.

Bà Đinh Thị Ninh công tác trong ngành Bưu điện từ năm 1960, đến năm 1976, bà Ninh và chồng là Nguyễn Sỹ Tính được điều chuyển công tác vào TP HCM giữ vị trí Bưu cục trưởng Bưu cục Tân Định, thuộc Bưu điện TP.HCM. Khi chuyển vào TP,HCM, gia đình bà Ninh được Bưu điện TP. HCM phân nhà và đất với diện tích trên 300m2 để sinh sống bên cạnh Bưu cục Tân Định. Đến thời kỳ Sở nhà đất TP.HCM quản lý đất đai, gia đình bà Ninh ký hợp đồng thuê trực tiếp với Sở nhà đất.
 
Khu đất nhà bà Ninh bị thu hồi đã trở thành Trung tâm Fax và Bưu điện hiện đại
Khu đất nhà bà Ninh bị thu hồi đã trở thành Trung tâm Fax và Bưu điện hiện đại

Đến năm 1990, UBND TP. HCM và Bưu điện TP.HCM tiến hành thu lại toàn bộ điện tích đất gia đình bà Ninh đang ở để Bưu điện TP. HCM xây dựng Trung tâm Fax và Bưu điện Tân Định. Trước khi thu hồi, Bưu điện TP.HCM và các cơ quan chức năng đã thỏa thuận chia lại cho gia đình bà Ninh tôi một khoảnh đất 80m2, thuộc một phần khu đất thu hồi để gia đình bà Ninh bàn giao toàn bộ mặt bằng khu đất.

Khi sự việc đang trong quá trình thương thảo, UBND Quận 1 đã ra Quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà và đất của gia đình bà Ninh. Cùng ngày vợ chồng bà Ninh được mời đến trụ sở UBND phường làm việc, các lực lượng cưỡng chế đã tịch thu toàn bộ khu nhà và đất của gia đình bà Ninh. Toàn bộ đồ đạc của gia đình bị chuyển đến 1 căn nhà tập thể tầng trệt, diện tích 30m2, nằm trong hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1, TP HCM.

Không còn sự lựa chọn, bà Ninh và các thành viên trong gia đình buộc phải chuyển về sống tạm ở ngôi nhà cấp 4 tại hẻm 178/16 đường Cô Giang. Lúc gia đình bà Ninh đến ở nhà tạm, Bưu điện TP.HCM và chính quyền hứa sẽ đền bù cho nhà bà Đinh Thị Ninh một căn nhà khác đàng hoàng hơn, tương xứng với quyền lợi của công dân.

Cam kết chắc chắn là vậy, nhưng những năm sau đó, Bưu điện TP.HCM lại để lời hứa rơi vào quên lãng, dù bà Đinh Thị Ninh liên tục làm đơn khiếu nại kêu cứu đến chính quyền và Bưu điện TP.HCM đề nghị xem xét giải quyết quyền lợi. Trong khi đó, khu đất mà gia đình bà Ninh bị thu hồi năm 1990 đã trở thành Trung Tâm Fax và Bưu điện Tân Định khang trang hiện đại.
 
Quyết định cấp 80m2 đất tại số 270B Lý Thường Kiệt được Giám đốc
Quyết định cấp 80m2 đất tại số 270B Lý Thường Kiệt được Giám đốc
Bưu điện TP.HCM ký năm 2001

Hơn 10 năm sau ngày gia đình bà Ninh bị cưỡng chế di chuyển khỏi số 230 Hai Bà Trưng, đến ngày 1/8/2001, Giám đốc Bưu điện TP. HCM khi đó là ông Trần Quang Vinh mới ký Quyết định số 78/QĐ-NĐ cấp cho gia đình bà Đinh Thị Ninh lô đất 80m2 để làm nhà ở trong khu đất dành cho cán bộ công nhân viên trong ngành tại khu C30, số 270B Lý Thường Kiệt, phường 6, Quận Tân Bình, TP HCM. Gia đình bà Ninh được cấp lô đất thứ 18 trên tổng số 18 lô được cấp cho các gia đình.

Sau hơn 10 năm sống trong cảnh cực khổ, tưởng như gia đình bà Ninh sẽ có được ngôi nhà để ổn định cuộc sống vào những năm tháng cuối đời. Nhưng cho đến năm 2013, giấc mơ chính đáng của nhà bà Ninh vẫn còn dang dở, gia đình bà Ninh vẫn chưa nhận được lô đất đền bù 80m2 theo Quyết định của Giám đốc Bưu điện TP.HCM.

Đến nay mới chỉ có 16/18 lô được các gia đình tiếp nhận và dựng nhà cao tầng khang trang, riêng lô số 18 giao cho bà Đinh Thị Ninh và lô số 17 kế bên chưa được bàn giao do chưa thực hiện GPMB 100% nên Bưu điện TP.HCM chưa thể bàn giao mặt bằng cho bà Đinh Thị Ninh. Kể từ đó đến nay, Bưu điện TP.HCM nhiều lần cam kết thúc đẩy tiến độ GPMB, nhưng mọi việc đến giờ vẫn dậm chân tại chỗ, gia đình bà Đinh Thị Ninh vẫn phải sống cảnh cơ cực trong ngôi nhà cũ 30m2.
 
Sau hơn 20 năm miệt mài gửi đơn cầu cứu bà Ninh đã 2 lần bị tai biến, điều
Sau hơn 20 năm miệt mài gửi đơn cầu cứu bà Ninh đã 2 lần bị tai biến, điều mong mỏi nhất của bà Ninh trong lúc hấp hối trên giường bệnh là có một ngôi nhà
 
Trong 23 năm mỏi mòn chờ đợi, năm 2007, bà Đinh Thị Ninh đã bị tai biến xuất huyết não, từ đó đến nay liệt nửa người không còn tỉnh táo, hiện phải sống nương tựa sự chăm sóc của con cái và người chồng 82 tuổi. Năm 2010, con trai cả của bà Ninh cũng đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông khiến gia đình bà Ninh càng thêm điêu đứng. Trong những ngày đầu năm 2013, bà Ninh tiếp tục bị tai biến và đang nằm hấp hối tại bệnh viện.

Để thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Sỹ Tính khẩn thiết đề nghị Bưu điện TP.HCM và các cơ quan chức năng giải quyết cho gia đình được nhận mảnh đất đền bù. Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Tính viết: “Vợ tôi hiện không sống đựơc bao lâu nữa, nay bằng đơn này, gia đình tôi khẩn thiết nhờ Quý cơ quan động lòng với hoàn cảnh gia đình tôi mà có hướng giúp đỡ giải quyết dứt điểm, để gia đình tôi sớm nhận được quyển sử dụng đất trọn vẹn 80m2 tại 270B Lý thường Kiệt, giúp gia đình thoát khỏi cuộc sống thiệt thòi khổ cực kéo dài suốt 23 năm qua”.

Được biết, gia đình bà Đinh Thị Ninh là gia đình thuộc diện chế độ chính sách có bố là liệt sỹ kháng chiến chống Pháp, em trai là liệt sỹ kháng chiến chống Mỹ. Bà Ninh đã cống hiến trong ngành Bưu điện nhiều năm, còn ông Nguyễn Sỹ Tính cũng công tác trong quân đội thời gian dài và lập nhiều thành tích xuất sắc.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương