Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
"Công an tỉnh Hải Dương có dấu hiệu dân sự hóa một vụ án hình sự"
(Dân trí) - “Lần thứ hai trả lời đơn, Công an tỉnh Hải Dương vẫn cho rằng sự việc này là dân sự. Tôi có cảm giác Công an Hải Dương đang cố tình lái sự việc này sang hướng dân sự để có lợi cho ông Khang…” - bà Nguyễn Thị Thuận bức xúc cho biết.
Tuy nhiên, nội dung công văn trả lời lần 2 trong thông báo số 307/CSĐT (PC44) ngày 18/4/2014, của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hải Dương trả lời đơn của bà Thuận vẫn kết luận: “Tổng số tiền 5.270.000.000đ bà giao cho ông Nguyễn Thế Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế T&C là tiền của bà cho ông Khang vay và đóng góp vào Công ty CP Quốc tế T&C. Việc bà cho ông Khang vay tiền và đóng góp cổ phần có sự thỏa thuận thống nhất giữa bà với ông Khang, đến nay ông Khang vẫn nhận nợ. Do vậy, đây chỉ là quan hệ dân sự phát sinh trên cơ sơ thỏa thuận không có dấu hiệu của tội phạm hình sự…”
Trao đổi với PV Dân trí, bà Thuận hoàn toàn không đồng ý với trả lời của Công an tỉnh Hải Dương, vì nội dung vẫn giống thông báo số 629/CSĐT ngày 21/8/2013. Bà Thuận cho biết: “Công an tỉnh Hải Dương lại hướng dẫn tôi quay lại gửi đơn ra Tòa án huyện Gia Lộc. Trước đây tôi đã làm đơn ra tòa Gia Lộc, thì tòa Gia Lộc lại hướng dẫn tôi làm đơn lên Cơ quan điều tra Công an tỉnh. Giờ tôi gửi đơn ra tòa Gia Lộc cũng đến thế thôi, rồi họ vẫn cho vụ này chìm xuống thôi. Tôi không hiểu Công an tỉnh Hải Dương đã điều tra kỹ sự việc này chưa, mà trong nội dung thông báo số 307 nói ông Khang vẫn nhận nợ. Số tiền 2,5 tỷ đồng là tôi góp cổ phần vào công ty T&C làm ăn, chứ có cho ông Khang vay đâu mà nói vẫn nhận nợ. Ngay khi tôi góp 2,5 tỷ đồng, công ty không đi vào hoạt động, dẫn đến tồn đọng vốn, vậy số vốn đó đi đâu mà ông Khang không trả tôi? Công an Hải Dương đã điều tra kỹ tình tiết này chưa? Ở đây ông Khang đã có hành vi lừa đảo, nhưng Công an Hải Dương vẫn cho là dân sự khiến tôi có cảm giác cơ quan Công an đang cố lái sự việc sang hướng dân sự để có lợi cho ông Khang”.
Ngày 1/10/2011, ông Nguyễn Thế Khang với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Tế T&C viết phiếu thu nhận của bà Thuận 2,5 tỷ đồng, bù lại bà Thuận được sở hữu 12,5% cổ phần Công ty cổ phần Quốc Tế T&C và được chia lợi nhuận theo từng quý. Tuy nhiên, ông Khang đã không đưa đất và tài sản gắn liền trên đất của cơ sở sản xuất kinh doanh vào Công ty CP Quốc Tế T&C như đã thỏa thuận, mà đem đi thế chấp ngân hàng vay vốn. Sau khi nhận 2,5 tỷ đồng của bà Thuận, ông Khang không đưa Công ty CP Quốc Tế T&C vào hoạt động mà chiếm dụng số tiền trên, đồng thời không có mặt ở địa phương trong một thời gian dài.
Khi hiện ra dấu hiệu bất thường, bà Thuận nhiều lần yêu cầu ông Khang trả lại 2,5 tỷ đồng góp vốn nhưng không được hồi âm. Bất đắc dĩ, bà Thuận phải làm đơn kiện ông Khang ra Tòa án huyện Gia Lộc. Do ông Khang không có mặt tại địa phương nên Tòa án không thể triệu tập ông Khang đến Tòa để giải quyết theo đúng trình tự. Sau đó, Tòa án huyện Gia Lộc hướng dẫn bà Thuận rút đơn khởi kiện và làm đơn tố cáo anh Khang đến Cơ quan Công an. Vì vậy, ngày 22/7/2013, bà Thuận đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đề nghị điều tra.
Trong vụ việc này, những yếu tố cấu thành tội phạm đã rõ ràng và thỏa mãn các quy định của pháp luật hình sự. Hành vi bỏ trốn, hay các hành vi khác có cùng mục đích nhằm không thực hiện nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng dù là hợp đồng giao kết bằng lời nói (nhưng được định lượng, định danh tài sản bằng các phiếu thu cũng như biên bản nhận nợ) vẫn có hiệu lực pháp luật.Việc ông Khang không tiến hành thành lập công ty để kinh doanh theo cam kết nhận vốn góp với Bà Thuận , đi khỏi địa phương không khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật đã chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản.
Có lẽ do Tòa án huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương hướng dẫn chưa chính xác về tội danh nên Bà Thuận đã tố cáo Nguyễn Thế Khang về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên Cơ quan CSĐT chưa có căn cứ để khởi tố hình sự đối với vụ án này theo đơn tố cáo. Tuy nhiên , nếu ông Nguyễn Thế Khang bỏ trốn thì vẫn có thể khởi tố vụ án, điều tra xác minh và khởi tố bị can đối với hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" mà tội danh và hình phạt quy định tại Điều 140 BLHS.
Trên thực tế, đối với tội danh này thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ khởi tố khi có nhiều bị hại cùng tố cáo một người, hay một nhóm người có liên quan hoặc liên đới với nhau vì cho rằng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi Lạm dụng chiếm đoạt tài sản mang tính hệ thống, thực hiện nhiều lần với nhiều người. Còn nếu chỉ có một bị hại tố cáo thì rất ít vụ án bị xử lý hình sự, đây cũng là vấn đề "Dân sự hóa Hình sự" điển hình nhất hiện nay vì có nhiều trường hợp chỉ có một bị hại nhưng hậu quả đã rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại không bị xử lý hình sự vì các cơ quan tiến hành tố tụng sợ bị oan sai, sợ bị đánh giá "Hình sự hóa dân sự" . Theo quan điểm của cá nhân luật sư thì vụ việc trên xử lý hình sự mới phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, phù hợp các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Việc Công an tỉnh Hải Dương trả lời đơn tố cáo của công dân như vậy là có dấu hiệu của việc dân sự hóa một vụ án hình sự”.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, PV Dân trí đã đến trụ sở Công an tỉnh Hải Dương đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, sau nhiều lần trực tiếp đến, Công an tỉnh Hải Dương luôn lấy lý do "bận" và hẹn hôm khác quay lại.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương - Nguyễn Dương