Hải Dương:
Đề nghị điều tra dấu hiệu lừa đảo trong vụ tranh chấp ở huyện Gia Lộc
(Dân trí) - Tòa án huyện Gia Lộc hướng dẫn bà Thuận làm đơn tố cáo dấu hiệu lừa đảo của ông Nguyễn Thế Khang ra Công an, nhưng sau đó Công an tỉnh Hải Dương lại kết luận không đủ chứng cứ khởi tố vụ án vì vụ tranh chấp trên chưa có dấu hiệu hình sự.
Nội dung đơn của bà Thuận cho biết, năm 2011, ông Nguyễn Thế Khang - Cổ đông sáng lập, nguyên Giám đốc Công ty bia Hải Đà đã thuyết phục bà Thuận góp vốn cùng thành lập Công ty CP Quốc Tế T&C. Ông Khang sẽ đưa toàn bộ tài sản cơ sở sản xuất kinh doanh của ông Khang tại xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vào Công ty CP Quốc Tế T&C. Ông Khang định giá trị tài sản của cơ sở sản xuất kinh doanh của ông Khang là 20 tỷ đồng, đồng thời hứa sẽ để bà Thuận sở hữu 12,5% trên tổng giá trị đất và bất động sản, nhà, nhà xưởng trên đất khi bà Thuận nộp 2,5 tỷ đồng.
Sau nhiều đợt nộp tiền, ngày 1/10/2011, ông Nguyễn Thế Khang với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Tế T&C viết phiếu thu đã nhận của bà Thuận 2,5 tỷ đồng, bù lại bà Thuận sẽ được sở hữu 12,5% cổ phần Công ty cổ phần Quốc Tế T&C và được chia lợi nhuận theo từng quý.
Khi hiện ra dấu hiệu bất thường, bà Thuận nhiều lần yêu cầu ông Khang trả lại 2,5 tỷ đồng góp vốn nhưng không được trả. Bất đắc dĩ, bà Thuận đã làm đơn kiện ông Khang ra Tòa án huyện Gia Lộc. Do ông Khang không có mặt tại địa phương nên Tòa án không thể triệu tập ông Khang đến Tòa để giải quyết theo đúng trình tự. Sau đó, Tòa án huyện Gia Lộc hướng dẫn bà Thuận rút đơn khởi kiện và làm đơn tố cáo anh Khang đến Cơ quan Công an. Vì vậy, ngày 22/7/2013, bà Thuận đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đề nghị điều tra.
Tòa án huyện Gia Lộc hướng dẫn công dân làm đơn tố cáo việc chiếm dụng tài sản của ông Khang ra Cơ quan CSĐT. Tuy nhiên, trong nội dung thông báo số 629/CQĐT ngày 21/8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đã kết luận: “Việc góp vốn với tổng số tiền là 2.500.000.000 đồng của bà để thành lập Công ty CP Quốc Tế T&C do ông Khang là Chủ tịch hội đồng quản trị là do bà và ông Khang tự nguyện góp vốn kinh doanh...Việc tranh chấp giữa bà và ông Khang như đã nêu ở trên là tranh chấp dân sự”. Đồng thời, Cơ quan CSĐT hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa án dân sự Gia Lộc, đơn vị từng hướng dẫn bà Thuận tố cáo dấu hiệu lừa đảo của ông Khang ra Cơ quan CSĐT.
Cho rằng thông báo số 629/CQĐT ngày 21/8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương thiếu khách quan, bà Thuận đã làm đơn khiếu nại gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương, nhưng đến nay chưa nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại, trong khi người chiếm dụng 2,5 tỷ đồng của bà Thuận từ việc thuyết phục góp vốn thành lập Công ty CP Quốc tế T&C là ông Nguyễn Thế Khang lại không bị xử lý.
Để bảo vệ tài sản hợp pháp đang bị chiếm dụng trái pháp luật, bà Nguyễn Thị Thuận khẩn thiết đề nghị Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương xem xét lại vụ việc, sớm tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thế Khang theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu ông Khang hoàn trả lại 2,5 tỷ đồng đã chiếm dụng từ năm 2011 cho đến nay.
Trong vụ việc này, những yếu tố cấu thành tội phạm đã rõ ràng và thỏa mãn các quy định của pháp luật hình sự. Hành vi bỏ trốn, hay các hành vi khác có cùng mục đích nhằm không thực hiện nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng dù là hợp đồng giao kết bằng lời nói (nhưng được định lượng, định danh tài sản bằng các phiếu thu cũng như biên bản nhận nợ) vẫn có hiệu lực pháp luật.Việc ông Khang không tiến hành thành lập công ty để kinh doanh theo cam kết nhận vốn góp với Bà Thuận , đi khỏi địa phương không khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật đã chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản.
Có lẽ do Tòa án huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương hướng dẫn chưa chính xác về tội danh nên Bà Thuận đã tố cáo Nguyễn Thế Khang về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên Cơ quan CSĐT chưa có căn cứ để khởi tố hình sự đối với vụ án này theo đơn tố cáo. Tuy nhiên , nếu ông Nguyễn Thế Khang bỏ trốn thì vẫn có thể khởi tố vụ án, điều tra xác minh và khởi tố bị can đối với hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" mà tội danh và hình phạt quy định tại Điều 140 BLHS.
Trên thực tế, đối với tội danh này thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ khởi tố khi có nhiều bị hại cùng tố cáo một người, hay một nhóm người có liên quan hoặc liên đới với nhau vì cho rằng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi Lạm dụng chiếm đoạt tài sản mang tính hệ thống, thực hiện nhiều lần với nhiều người. Còn nếu chỉ có một bị hại tố cáo thì rất ít vụ án bị xử lý hình sự, đây cũng là vấn đề "Dân sự hóa Hình sự" điển hình nhất hiện nay vì có nhiều trường hợp chỉ có một bị hại nhưng hậu quả đã rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại không bị xử lý hình sự vì các cơ quan tiến hành tố tụng sợ bị oan sai, sợ bị đánh giá "Hình sự hóa dân sự" . Theo quan điểm của cá nhân luật sư thì vụ việc trên xử lý hình sự mới phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, phù hợp các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Thành Vinh